Có thể khái quát nội hàm đạo đức Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập là “tư cách công dân” và “năng lực hội nhập”. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự nghiệp lớn. Bước vào thế kỷ XXI, tờ báo Times lựa chọn Hồ Chí Minh là một trong 25 chính khách cũng là một trong số 100 gương mặt trên mọi phương diện “đã làm thay đổi diện mạo của hành tinh trong thế kỷ XX”. Nhưng một sự nghiệp lớn chưa hẳn đã là một tấm gương lớn. Phải là mộtnhân cách lớn mới làm nên một tấm gương sáng. Và quan trọng hơn hết, nhân cách ấy phải gần gũi với con người, thiết thực với đời sống và luôn hướng tới sự phát triển thì một con người khi còn sống đã là một tấm gương, khi đã chết trở thành một di sản. Hồ Chí Minh là một con người có một nhân cách lớn. Khi sống con người ấy là một ngọn cờ, một niềm tin. Khi đã chết về thể xác thì trở thành một di sản tinh thần.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng dạy các trò học sử rằng Cụ Hồ là một tính cách lớn không phải chỉ để “kính nhi viễn chi” (đứng xa mà bái phục). Cụ Hồ chính là một cái mẫu gần gũi để mọi người có thể tìm thấy ở đó những bài học thiết thực. Học Cụ Hồ không chỉ đọc trong sách vở, trước tác mà Cụ để lại. Học Cụ Hồ còn là học một lối sống thể hiện ra tư tưởng hay một tư tưởng thể hiện qua lối sống. Cụ Hồ viết không ít nhưng Cụ Hồ làm rất nhiều. Nghiên cứu về Cụ Hồ không chỉ sưu tầm, tái bản các trước tác mà còn nên nhặt nhạnh những câu chuyện lưu lại trong ký ức của dân chúng, những người cùng thời. Cụ Hồ trước hết là người phương Đông, giống như Khổng Tử không để lại nhiều chữ nghĩa nhưng tập đại thành những điều đã nói và làm (như học trò của Khổng Tử đã soạn “Luận ngữ” cho thày) thể hiện trong đời sống sẽ tìm ra những tư tưởng lớn bao trùm thời đại, có sức lan toả về không gian và thời gian… Ai nghiên cứu kỹ về Hồ Chí Minh không thể không đặt ra những câu hỏi vì sao những nhà ái quốc lớn bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta ở đầu thế kỷ XX là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều đặt kỳ vọng vào Nguyến Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ngay từ khi sự nghiệp cách mạng còn trong thời trứng nước? Vì sao, ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc thể hiện sự lựa chọn chính trị tại Đại hội Tours (12-1920), viên mật thám chuyên theo dõi hoạt động của đại biểu da vàng này đã đưa ra lời tiên đoán chính xác “phải chăng người thanh niên da vàng mảnh khảnh kia sẽ là người cắm cây thập ác trên nấm mồ quyền lợi của chúng ta ở các thuộc địa”? Vì sao mà một nhà báo của nước Nga xô viết rất xa xôi, Ôxip Manđenstam, chỉ sau một lần gặp tình cờ Nguyễn Ái Quốc vào cuối năm 1923 đã tiên đoán trong một bài báo của mình là ”toát ra từ con người ấy một nền văn hoá của tương lai”? Vì sao mà những con người từng xa lạ với chủ nghĩa cộng sản như những Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố… lại sẵn sàng trở thành người cộng sự nhiệt thành và cống hiến trọn vẹn cuộc đời của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc? v.v… Tôi đã có may mắn gặp hầu hết những người Mỹ trong đơn vị tình báo OSS đã từng cộng tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống phát xít Nhật trước và trong Cách mạng tháng Tám 1945. Dù đã có khoảng cách cả nửa thế kỷ cùng với hố sâu của một cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng tình cảm đồng minh thân hữu và sự khâm phục đối với Hồ Chí Minh dường như vẫn nguyên vẹn như hồi ở chiến khu… Tất cả cho thấy sức thuyết phục từ Hồ Chí Minh là từ một nhân cách lớn thể hiện trên cả hai phương diện: mục đích sống và lối sống. Theo tôi, đó chính là đạo đức. Mục đích cao cả và lối sống gương mẫu là hai nhân tố nổi bật trong đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng học tập đạo đức không chỉ là “bắt chước” và làm theo một cách rập khuôn, mà quan trọng hơn hết phải tìm ra những nội dung đáp ứng được với nhu cầu phát triển của đời sống. Hồ Chí Minh sống trong và làm nên một thời đại chuyển đổi to lớn của xã hội Việt Nam và lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ gắn cùng với sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại xâm, điều mà nhiều thế hệ trước, ở nhiều thế kỷ trước ông cha ta đã làm, thì quan trọng hơn hết là sự chấm dứt chế độ quân chủ xác lập nền Dân chủ - Cộng hoà và thực hiện sự hội nhập của Việt Nam với đời sống của toàn nhân loại. Cũng có thể nói rằng thế kỷ XX là thế kỷ của cuộc hội nhập lớn kéo dài từ công cuộc Duy Tân đến đổi mới gắn liền mục tiêu dành độc lập, để hội nhập với toàn thế giới. Động lực cho thế kỷ XX để Việt Nam thực hiện được bước chuyển đổi đó chính là nền Dân chủ. Và Hồ Chí Minh chính là nhân vật bao trùm nhất của thế kỷ XX. Tại toà nhà Newzeyland ở giữa Thủ đô London của nước Anh là địa điểm của một khách sạn mà Nguyễn Ái Quốc đã từng làm việc từ thời Đại chiến thứ nhất, người ta trang trọng đặt một tấm biển lưu niệm trong đó định danh “Hồ Chí Minh, người đã tạo lập ra nước Việt Nam hiện đại”. Đạo đức của Hồ Chí Minh biểu hiện trong cuộc đời và di sản cũng chính là những giá trị đáp ứng được bước chuyển đổi từ những giá trị truyền thống đến những giá trị hiện đại để dân tộc Việt Nam hội nhập với thế giới và thời đại. Vì thế có thể khái quát nội hàm đạo đức Hồ Chí Minh mà chúng ta cần học tập là “tư cách công dân” và “năng lực hội nhập