Thứ hai, thời gian qua tỷ giá giữa VND và các đồng tiền mạnh không biến động đáng kể. Đơn cử, tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay NHNN mới điều chỉnh thêm 1%. Thứ ba, thị trường vàng trong nước sau một thời gian sốt nóng đến nay đã ổn định, giá vàng SJC lên, xuống đang theo giá vàng thế giới. Ngoài ra, ở mức độ nào đó thì GDP chưa thể tăng trưởng mạnh trở lại nhưng có xu hướng nhích lên và xuất khẩu của năm 2014 có tín hiệu tích cực cũng giúp cho VND ổn định và vững vàng hơn so với những năm trước.
Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần theo đuổi chính sách thế nào để giữ VND ổn định và nâng vị thế tiền đồng. Theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện việc kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý. Không nên để xảy ra tăng trưởng nóng, dẫn tới bong bóng kinh tế. Nền kinh tế tăng trưởng thực chất và bền vững sẽ giúp cho VND ổn định. Trong năm 2014 giữ VND ổn định sẽ là cơ hội cho năm 2015 nền kinh tế tốt hơn.
NHTW đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành lãi suất và tỷ giá. Lãi suất VND và tỷ giá ổn định ở mức hợp lý thì vị thế VND mới ổn định được. Tôi ủng hộ quan điểm không hạ trần lãi suất của NHNN với kỳ hạn tiền gửi 6 tháng trở xuống. Hiện mức lãi suất ở mức 6%/năm sẽ đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền, người đi vay và cũng góp phần vào giữ ổn định, nâng cao vị thế VND.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Ổn định vĩ mô là nền tảng nâng giá trị đồng nội tệ
Để nâng dần vị thế của đồng Việt Nam, việc quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, giảm đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, chứ không phải là các biện pháp hành chính. Nhìn ở góc độ này, thời gian qua kinh tế vĩ mô Việt Nam đã dần ổn định với nhiều chính sách thích hợp, lạm phát duy trì ở mức thấp, lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam cải thiện.
Điều đó thể hiện rõ qua việc cách đây 3-4 năm, tỷ lệ gửi tiền USD còn chiếm 20% thì đến nay chỉ còn 9-10%/tổng tiền gửi. Hay sự ổn định về chính sách tỷ giá thời gian qua khiến cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn, tăng đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi sự ổn định chưa đủ, nhìn trung hạn, dài hạn Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Về câu chuyện nâng cao giá trị đồng Việt Nam, NHNN giữ trách nhiệm lớn thậm chí vai trò chủ trì. Trách nhiệm đầu tiên của NHNN là đảm bảo sự ổn định giá trị đồng tiền thông qua các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất… qua đó cải thiện, gia tăng lòng tin của người dân, nhà đầu tư vào đồng Việt Nam, giảm dần tình trạng vàng hóa, đô-la hóa trong nền kinh tế. NHNN giám sát tài chính đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống tài chính – ngân hàng. Mà ở Việt Nam trong nhiều năm tới thì hệ thống ngân hàng vẫn chi phối hệ thống tài chính.
Và vấn đề quan trọng nữa đó là quản lý, giám sát dòng tiền ra vào trong nền kinh tế như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế... Trong tình hình đất nước tiếp tục quá trình chuyển đổi, cải cách, tôi được biết NHNN đã có nhiều nghiên cứu và chiến lược xây dựng đồng Việt Nam ngày càng có tính chuyển đổi cao hơn, qua đó giúp giảm tình trạng đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Nói như thế không có nghĩa là một mình NHNN có thể nâng cao vị thế VND được. Bởi, đặc thù Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi, tính độc lập vừa phải vì lãnh đạo NHNN là thành viên Chính phủ nên đòi hỏi sự phối hợp các bộ, ngành rất cao. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính vì liên quan đến các thị trường tài chính khác như thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mà các công cụ tài chính hiện nay mang tính hội tụ cao với nhiều “trò chơi” ngày càng phức tạp.
Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng:
Kỳ vọng vào vị thế của VND
Có nhiều cơ sở để đưa VND trở thành một đồng tiền mạnh trong mắt các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trước tiên, để có đồng tiền mạnh thì nền chính trị của chính quốc gia đó phải ổn định. Một nền chính trị ổn định sẽ đảm bảo cho sự nhất quán về cơ chế chính sách phát triển kinh tế của một đất nước.
Thời gian qua, Việt Nam luôn giữ vững nền chính trị trong nước. Điều đó đã được các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức tư vấn quốc tế; đặc biệt là sự thu hút các DN ở nhiều quốc gia trên thế giới đến Việt Nam đầu tư, làm ăn và phát triển hiệu quả. Đó là minh chứng sinh động để khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định.
Yếu tố tiếp theo phải có nền kinh tế phát triển bền vững. Có nghĩa là, giữ được lạm phát mức phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Những năm qua, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và toàn hệ thống chính trị, Việt Nam đã từng bước kiểm soát và giảm mức độ lạm phát, trong bối cảnh chịu sự tác động chung của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc điều hành các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô. Chính yếu tố này đưa VND có một vị thế nhất định đối với các định chế tài chính quốc tế, cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, sự điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt của NHNN giúp đồng nội địa ổn định về mặt tỷ giá. Với những giải pháp điều hành nhất quán, kết hợp điều hành đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cơ bản ổn định.
Tỷ giá ổn định giúp NHNN mua thêm ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên tới 35 tỷ USD - mức cao kỷ lục trong những năm qua. Cường độ sử dụng USD trên thị trường giao dịch hàng hóa giảm mạnh, đưa vị thế VND lên một tầm cao mới. Điều đó được chứng minh khá rõ qua con số đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán chỉ khoảng 11,4%, giảm so với mức 12,4% vào cuối năm 2013.
Với những yếu tố như vậy, có thể khẳng định, các nhà tư vấn, định chế tài chính quốc tế và cộng đồng DN trong và ngoài nước hoàn toàn tin tưởng vào sự ổn định của VND. Đây là tiền đề để giữ vững sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế và là yếu tố quan trọng để nâng tầm VND đối với các ngoại tệ mạnh đang lưu hành trên thế giới.