12.11.2009 10:09

Trước nguy cơ lạm phát quay trở lại: Giải bài toán điều tiết

Mặc dù thừa nhận những hiệu quả mà các gói kích thích kinh tế năm 2009 đã mang lại, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại lạm phát có thể quay trở lại trong thời gian tới, nếu không được kiểm soát tốt…
Đó là nội dung cuộc hội thảo "Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm" do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Ngân hàng tổ chức tại Hà Nội ngày 10-11.
Nhiều yếu tố có thể gây lạm phát
 Bên cạnh những thành công đạt được, nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, những chính sách kích thích kinh tế, tập trung vào tăng trưởng của Chính phủ có thể khiến lạm phát quay trở lại vào năm 2010. Theo PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc tiếp tục gói kích cầu thứ hai đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2010. Mặc dù năm 2009, mức thâm hụt ngân sách ước tính là 6,9% GDP, thấp hơn mức Quốc hội cho phép do lượng tiền kích cầu chưa được "bơm" ra hết; nhưng, không phải vì thế mà năm 2010 được phép chi tiêu kích cầu "bù". Hiện nay, tuy lạm phát được duy trì ở mức thấp, nhưng đang gây áp lực mạnh lên lãi suất và tỷ giá hối đoái và mức thâm hụt thương mại vẫn cao trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh… là những yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, gói kích thích kinh tế năm 2009 đã góp phần giải quyết được một số vấn đề trước mắt, nhưng những hệ quả tiêu cực mà nó để lại tương đối dài đối với khả năng tăng trưởng bền vững, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất, cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ, làm tổng phương tiện thanh toán, tín dụng tăng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và lạm phát. Do lãi suất vay VND sau hỗ trợ thấp hơn vay bằng USD, nên các DN nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Nới lỏng chính sách tài khóa đã dẫn tới hệ quả trực tiếp là bội chi ngân sách lên mức cao; nợ Chính phủ cũng tăng mạnh từ 36,5% GDP (năm 2008), lên 40% GDP (năm 2009)  và dự kiến khoảng 44% GDP (năm 2010).
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu bàn thảo là dư nợ cho vay đối với nền kinh tế liên tục tăng cao trong những tháng gần đây, gây tác động đến lạm phát. Kết thúc tháng 9, mức tăng tín dụng là 29%, nhưng hết tháng 10 đã lên tới 33%; dự báo năm 2009, tốc độ tăng có thể đạt gần 40%. Dư nợ cho vay với nền kinh tế tăng cao là do tổ chức tín dụng thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đối với DN, hộ kinh doanh… Tính đến nay, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ với nền kinh tế. Mặc dù các ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động dịch vụ phi tín dụng, nhưng nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm 60-80% tổng thu nhập ngân hàng. Thêm vào đó, để đáp ứng nhu cầu vốn của DN và người dân ngày càng lớn, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút lượng tiền gửi, dẫn đến tình trạng dư nợ tăng nhanh. Điều này đã gây sức ép tăng lãi suất, dẫn đến hệ quả là tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, khiến việc huy động vốn trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Chính sách tài chính cần gắn với tái cấu trúc lại nền kinh tế
Mặc dù được thế giới đánh giá cao về những biện pháp chống suy thoái, nhưng nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan nhận định, Việt Nam  cần tỉnh táo, bình tĩnh trước những lời khen đó. Không nên chỉ nhìn thấy hiệu quả của những biện pháp chống khủng hoảng, mà cần nhìn vào bản chất nền kinh tế. Trên thực tế, do hệ thống tài chính - tiền tệ của nước ta chưa thực sự hội nhập sâu với thế giới, nên cuộc khủng hoảng tài chính thế giới chưa gây nhiều áp lực đến Việt Nam. Thêm vào đó, về cơ bản, nước ta vẫn là nước nông nghiệp, nên cũng không quá bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Chính sách tài chính - tiền tệ của năm 2009 và 2010 cần gắn với việc tái cấu trúc lại nền kinh tế. Nền kinh tế thế giới cũng đang được tái cấu trúc lại, trong đó hệ thống tài chính - ngân hàng được ưu tiên hàng đầu.
Với nước ta, phát triển kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu; nếu không "gồng" mình để đạt tốc độ tăng trưởng, sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới. Khủng hoảng kinh tế thế giới thực chất là "bộ lọc" khổng lồ. Sau cuộc khủng hoảng sẽ là thế giới khác, vì thế nước ta cần phải chú ý đến chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, cần có mối tương quan thỏa đáng giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Vấn đề ở chỗ làm thế nào để vừa tiếp sức cho nền kinh tế tận dụng được những khả năng mới của thời hậu khủng hoảng, vừa "phanh" bớt các gói hỗ trợ để giảm bội chi ngân sách. Nói cách khác, tìm ra mối tương quan hợp lý của chính sách nới lỏng tiền tệ để chống suy giảm kinh tế và thắt chắt lại tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát.

Theo Báo Hà Nội mới

Các tin liên quan