Là người theo sát từng bước đi của Cơ quan TTGSNH kể từ những ngày đầu, Phó Thống đốc có thể cho biết lý do Chính phủ thành lập Cơ quan TTGSNH trực thuộc NHNN? Ngày 7/11/2006, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đến ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thành viên và các cam kết gia nhập của mình. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp Đổi mới của đất nước, đồng thời tạo bước ngoặt trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vì thời điểm này Việt Nam mới thực sự tham gia vào một sân chơi lớn có quy mô toàn cầu và có những cam kết cụ thể với WTO nhằm thúc đẩy tự do hóa lĩnh vực dịch vụ. Trong đó, cùng với một số lĩnh vực dịch vụ như bảo hiểm, xây dựng... dịch vụ NH được đánh giá là một trong những lĩnh vực có cam kết mở cửa nhanh nhất. Điều đó đã và đang thực sự tạo nên một sức ép, dẫn đến cuộc đua quyết liệt của các NH để giữ thị phần, đặc biệt là cuộc chạy đua mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ NH để có thể cạnh tranh được với các dịch vụ NH nước ngoài vào trong nước. Chính điều này đã góp phần tạo nên một thị trường tiền tệ NH sôi động, nhưng cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý hệ thống các TCTD trên các mặt hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường thanh tra, giám sát, quản lý cấp phép thành lập và mở rộng mạng lưới, phòng chống rửa tiền… Đứng trước yêu cầu đó, đồng thời thực hiện Đề án phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 về việc thành lập Cơ quan TTGSNH trực thuộc NHNN Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị cấp Vụ thuộc NHNN là: Thanh tra NH; Vụ Các NH và TCTD phi NH; Vụ Các TCTD hợp tác; Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền. Cơ quan TTGSNH được giao tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện đồng thời 4 khâu của quá trình quản lý, thanh tra, giám sát đối với các TCTD (cấp, thu hồi giấy phép; xây dựng các chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động NH; giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ; xử lý vi phạm) và thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và phòng, chống rửa tiền trong phạm vi quản lý Nhà nước của NHNN. Đây là bước tiến quan trọng, một sự thay đổi về chất trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra các TCTD trên cơ sở tiếp thu những thông lệ, kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới vào điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung, trình độ và xu hướng phát triển của ngành NH Việt Nam nói riêng. Cơ quan TTGSNH đã có những đóng góp gì đối với ngành NH kể từ khi đi vào hoạt động, thưa Phó Thống đốc? Hoạt động NH luôn là lĩnh vực nóng và nhạy cảm, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Cơ quan TTGSNH tương đối nặng nề, nhất là phải giám sát, theo dõi sát sao hoạt động của các TCTD để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Trong những năm trở lại đây, khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Nhất là vào cuối năm 2011, khi thị trường tài chính - NH xuất hiện những biến động lớn và bộc lộ những khó khăn, yếu kém: thanh khoản của hệ thống NH căng thẳng, lãi suất cao, nợ xấu tăng nhanh, một số NH yếu kém có nguy cơ đổ vỡ, an toàn hệ thống bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt Đề án (Đề án 254). Xác định rõ tầm quan trọng của Đề án 254 và để thực hiện hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên cũng là quan trọng nhất đối với ngành NH là đánh giá đúng thực trạng, tìm ra đúng căn nguyên tình trạng yếu kém của từng TCTD để từ đó đưa ra các giải pháp cơ cấu lại phù hợp. Do đó, ngay từ cuối năm 2011, Cơ quan TTGSNH đã chủ động xây dựng, tham mưu triển khai Đề án trình Thống đốc ban hành chương trình công tác và kế hoạch thanh tra đối với các TCTD theo hướng thanh tra tuân thủ kết hợp thanh tra rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực rủi ro trọng yếu, nhiều tồn tại, sai phạm. Dưới sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Cơ quan TTGSNH đã tập trung thanh tra toàn diện và yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập để đánh giá đúng thực trạng, xác định các TCTD yếu kém để có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn được nguy cơ đổ vỡ.
Và cũng dựa trên cơ sở kết quả thanh tra, giám sát thường xuyên, kiểm toán độc lập, NHNN đã đánh giá, xác định nội dung và chỉ đạo TCTD phải xây dựng phương án cơ cấu lại cụ thể để củng cố, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, vi phạm và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh. Nhờ đó, cách thức triển khai cơ cấu lại các TCTD được tiến hành theo hướng có chọn lọc. Thứ tự ưu tiên tập trung xử lý các TCTD yếu kém nhất của hệ thống để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phù hợp với nguồn lực và quan trọng hơn là bảo đảm mục tiêu xử lý những yếu kém, tồn tại nhưng vẫn giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống như mục tiêu Đề án 254. Đồng thời, không làm gián đoạn đầu tư, hỗ trợ phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế. Có thể nói, chưa có một chương trình tái cơ cấu NH nào mà số lượng các TCTD yếu kém lại giảm nhanh như chương trình tái cơ cấu lần này. Qua hơn 2 năm triển khai Đề án 254, đã có 2 TCTD được sáp nhập, 4 TCTD được hợp nhất và 1 TCTD được mua lại. Nhiều vấn đề lớn tồn tại từ nhiều năm đã được nhận diện và từng bước xử lý như đầu tư tài chính, sở hữu chéo, vi phạm sở hữu vốn điều lệ, cho vay cổ đông lớn và người có liên quan trái quy định của pháp luật, ủy thác... Đến nay, hoạt động của nhiều TCTD được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh, an toàn. Vậy vai trò của Cơ quan TTGSNH đối với quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD như thế nào, thưa Phó Thống đốc? Song hành với các nhiệm vụ nêu trên, xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Cơ quan TTGSNH đã tham mưu, giúp Thống đốc nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định số 843/QĐ-TTg. Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực to lớn của toàn ngành NH trong việc kiềm chế và xử lý nợ xấu. Việc thành lập VAMC và xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu cho VAMC trong thời gian ngắn thể hiện cố gắng rất lớn của Cơ quan TTGSNH. Đến nay, kết quả hoạt động khả quan của VAMC chứng tỏ mô hình này là phù hợp với bối cảnh Việt Nam, nhất là trong điều kiện xử lý nợ xấu không dùng tiền của ngân sách Nhà nước. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nợ xấu đã được kiềm chế và có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh nỗ lực của ngành NH và hiệu quả của các giải pháp xử lý nợ xấu trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và áp lực nợ xấu còn lớn. Cũng nhờ đó, công tác cơ cấu lại trong thời gian qua đã cơ bản theo đúng mục tiêu, lộ trình đặt ra tại Đề án 254.
Chặng đường 5 năm hoạt động đối với một tổ chức chưa phải là dài, nhưng có thể nói, Cơ quan TTGSNH đã khẳng định được vai trò của mình trong việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của NHNN. Và quan trọng hơn nữa đã chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của mô hình Cơ quan TTGSNH. Vì sao cần thiết phải có sự ra đời Nghị định 26/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan TTGSNH, thưa Phó Thống đốc? Đứng trước yêu cầu thực tiễn quản lý hệ thống TCTD trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc tăng cường hơn nữa năng lực thanh tra, giám sát NH tiếp tục trở nên cấp thiết. Song hành với quá trình cơ cấu lại của hệ thống các TCTD, Thanh tra, giám sát ngành NH nói chung và Cơ quan TTGSNH nói riêng cũng luôn phải tự hoàn thiện và “tự tái cơ cấu” chính mình. Xuất phát từ yêu cầu đó, sự ra đời của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành NH và Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan TTGSNH đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho TTGS ngành NH nói chung và Cơ quan TTGSNH nói riêng tiếp tục đổi mới và phát triển để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD. Tôi tin rằng với sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo NHNN, với hành trang kinh nghiệm trong 5 năm qua và sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, Cơ quan TTGSNH sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục giữ vững sự ổn định, thúc đẩy sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống các TCTD Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.