19.06.2019 07:00

Triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg: Cần một cơ chế phối hợp thực hiện rõ ràng

Đánh giá cao vai trò của hệ thống QTDND đối với sự phát triển kinh tế tỉnh nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng cũng thẳng thắn chỉ ra tại một số địa bàn hiện tượng quỹ xa rời mục tiêu tôn chỉ, chạy theo lợi nhuận, xảy ra sai phạm thất thoát tài sản có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định an ninh kinh tế địa phương...

Một trong những nền tảng tạo nên ổn định và an toàn trong hoạt động của hệ thống QTDND được chính các QTDND trên địa bàn tỉnh Hải Dương đưa ra, đó là sự sát sao chỉ đạo của chính quyền địa phương với sự tham mưu của NHNN Chi nhánh tỉnh trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý hệ thống QTDND và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Điều này càng cho thấy ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam mà NHNN Chi nhánh tỉnh Hải Dương vừa tổ chức, nhằm tăng cường mối liên kết trong quản lý và trợ lực các QTDND với chính quyền các cấp đến các sở, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, ổn định…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND 

Khi chính quyền là chỗ dựa cho QTDND

Mặc dù theo kế hoạch đến cuối năm 2019, nợ xấu của QTDND Kim Giang mới có thể về chuẩn 3% của NHNN (cuối 2018 là 6%), song Chủ tịch QTDND Kim Giang, huyện Cẩm Giàng, ông Phạm Đức Xô tự tin khẳng định khả năng phát triển của quỹ đang rộng mở, sau khi thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu quỹ sau sự cố năm 2014. Ngày ấy, nguyên chủ tịch HĐQT, giám đốc quỹ bị đình chỉ công tác vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nợ xấu lên tới 29%, niềm tin của thành viên suy giảm khiến quỹ rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng.

Song cũng chính lúc khó khăn ấy, sự chủ động của NHNN Chi nhánh tỉnh trong việc phối hợp cùng lãnh đạo huyện, xã và các cơ quan chức năng đã giúp quỹ một lần nữa hồi sinh. Cùng với việc tổ chức đại hội thành viên bất thường để điều động bổ nhiệm ban lãnh đạo mới, NHNN Chi nhánh phối hợp cùng chính quyền huyện, xã xây dựng và thực thi phương án tái cơ cấu với lộ trình, thời gian phù hợp. Ngân hàng Hợp tác xã hỗ trợ cho vay khi thành viên có nhu cầu. Cơ quan tòa án và thi hành án dốc lực hỗ trợ quỹ xử lý nợ xấu. NHNN cử cán bộ giám sát hỗ trợ quỹ kịp thời đã giúp niềm tin của quỹ với thành viên dần trở lại.

Không nằm trong diện NHNN liệt kê về nguy cơ đổ vỡ của hệ thống QTDND, song QTDND Thanh Hải lại “tai bay, vạ gió” vì tin đồn thất thiệt. Đang từ một quỹ tín dụng hoạt động được NHNN Chi nhánh Hải Dương đánh giá hiệu quả, và vừa được thanh tra, kiểm tra, thế mà khi có tin đồn mẹ vợ của một cán bộ kinh doanh trong quỹ vỡ nợ, lập tức dân ùn ùn kéo đến rút tiền, ngay lập tức quỹ lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản phải đi vay nên dẫn đến dân phải chờ và càng thêm lời đồn về khả năng vỡ quỹ.

Trước tình hình đó, quỹ đã kịp thời báo cáo với NHNN. Ngay lập tức NHNN Chi nhánh phối hợp với huyện/xã trong công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân, chấm dứt tình trạng rút tiền với số lượng lớn trong nhiều ngày do việc lan truyền những thông tin xấu gây ra; cùng với đó là sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác xã cho vay vốn hỗ trợ thanh khoản. Niềm tin người dân quay trở lại, song cũng phải đến sau hơn 1 năm xảy ra sự cố quỹ mới khôi phục được nguồn vốn huy động về thời điểm trước khi xảy ra vụ việc.

“Nếu NHNN và chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể lơ là, không làm tốt công tác phối kết hợp vận động nhân dân thì quỹ khó thoát khỏi đổ vỡ”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Hoạt thấm thía giãi bày.

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, để triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, cùng với việc chủ động thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại các QTDND gắn với xử lý nợ xấu tại Chi nhánh để triển khai các giải pháp, NHNN Chi nhánh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống QTDND tại địa bàn.

Như, định kỳ hàng tháng, quý hoặc khi cần thiết thông tin về tình hình hoạt động của QTDND theo địa bàn từng huyện để nắm bắt, phối hợp chỉ đạo; phối hợp trong thực hiện xử lý địa bàn hoạt động không liền kề của 5 QTDND, đảm bảo ổn định, không gây xáo trộn hoặc tâm lý không tốt trong nhân dân đối với hoạt động của QTDND.

Riêng đối với một số QTDND có sự cố/vụ việc, NHNN đã trực tiếp làm việc nhiều lần với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện, xã để nắm rõ nguyên nhân, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ, chất lượng tín dụng, uy tín, tín nhiệm, niềm tin của nhân dân, an ninh chính trị tại địa bàn để phối hợp tháo gỡ khó khăn cho quỹ, giúp quỹ hoạt động ổn định, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, nhờ đó, hoạt động của các quỹ cơ bản ổn định và được nhân dân tiếp tục tin tưởng, đồng hành, ủng hộ;...

Kết quả là đến 30/4/2019, 71 QTDND đang hoạt động tại 141/264 xã, phường, thị trấn có tổng nguồn vốn chủ sở hữu là 502,864 tỷ đồng; huy động từ thành viên là 5.314 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 60,93% tổng nguồn vốn huy động từ dân cư; 100% các QTDND đảm bảo tỷ lệ tiền gửi huy động từ thành viên theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN. Tổng dư nợ cho vay đạt 7.238,6 tỷ đồng, tăng 1.140,7 tỷ đồng (+18,7%) so với 31/12/2017. Nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,49% tổng dư nợ.

 

Hải Dương là tỉnh sớm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND

Lo trên nóng, dưới lạnh…

Đánh giá cao vai trò của hệ thống QTDND đối với sự phát triển kinh tế tỉnh nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng cũng thẳng thắn chỉ ra tại một số địa bàn hiện tượng quỹ xa rời mục tiêu tôn chỉ, chạy theo lợi nhuận, xảy ra sai phạm thất thoát tài sản có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định an ninh kinh tế địa phương. Chính vì vậy sự chỉ đạo của các cấp, các ngành phải chủ động vào cuộc để xử lý rủi ro, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hệ thống QTDND với việc phân công phân nhiệm cụ thể đến từng đơn vị.

Tâm huyết với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, song các QTDND và chính quyền huyện, xã cũng nêu lên nhiều vướng mắc liên quan đến việc thực thi có hiệu quả các chỉ thị và văn bản của Chính phủ, NHNN và tỉnh. Ông Phạm Đức Xô đề nghị giảm thời gian đăng ký tài sản đảm bảo và xóa thế chấp tài sản tạo điều kiện cho người dân vay vốn nhanh hơn, khi hiện thời gian xử lý lên tới 6 ngày. Đồng thời đề nghị NHNN xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ QTDND khó khăn, như miễn giảm hoặc không thu phí an toàn trong thời gian xử lý nợ xấu.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên (huyện Bình Giang) nơi có QTDND Long Xuyên, ông Trần Văn Lợi chia sẻ những khó khăn của việc thực hiện thu hẹp địa bàn, không cho vay xã không liền kề. Như quỹ Long Xuyên, tháng 11/2018 chuyển giao nợ xã Yết Kiêu cho QTDND Thống Nhất, kế hoạch diễn ra thuận lợi với những phần vốn tốt; phần xử lý rủi ro, quỹ bạn không mua dẫn đến quỹ phải tự xử lý thu hồi. Tuy nhiên, khi quỹ thu hẹp địa bàn, phát sinh tâm lý người dân nghi hoặc quỹ hoạt động kém hiệu quả gây khó khăn cho quỹ trong huy động vốn. Hơn thế, đối tượng vay nợ tại địa bàn đã chuyển giao chây ì không trả nợ. Việc thu hồi chỉ trông chờ UBND và các cơ quan như tòa án, thi hành án hỗ trợ.

Ông Nguyễn Đăng Độ, Chủ tịch HĐQT QTDND Phượng Hoàng bức xúc với việc tra soát xử lý thông tin sai trên bìa đỏ. “Việc ghi sai này không phải do dân mà  từ chính cán bộ, song thời gian xử lý đến 10 ngày làm mất hết cơ hội của nhân dân”, ông Độ nói. Vui vì được UBND quan tâm chỉ đạo địa phương tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất xây dựng trụ sở, song ông Độ cho biết khi đi làm thủ tục rất khó khăn, phức tạp. “Đi lên Sở Tài nguyên - Môi trường trình hồ sơ, họ bảo tôi về học thuộc thuật ngữ đi. Mà chúng tôi là người làm tài chính sao có thể biết hết thuật ngữ của ngành tài nguyên, môi trường”, ông than phiền. Vì vậy, ông Độ đề nghị các sở, ngành cần có hướng dẫn cụ thể thống nhất các quy trình thực hiện thủ tục hành chính để người dân biết và thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phương pháp tuyên truyền, có lộ trình tuyên truyền để người dân hiểu về bản chất hoạt động của quỹ, thấy được sự tiện lợi, hữu dụng... “Về việc phối hợp giữa các cơ quan và chính các QTDND, công an, NHNN và viện kiểm soát, thi hành án, nên có quy chế phối hợp chặt chẽ, nếu không rất khó thực hiện”, ông Tiến nói.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Dương cho biết sẽ tiếp thu xử lý và trình lên UBND tỉnh, NHNN Việt Nam những vấn đề kiến nghị của các QTDND ngoài thẩm quyền của Chi nhánh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng cũng khẳng định tại hội nghị, sẽ trực tiếp xem xét và xử lý các vấn đề QTDND kiến nghị mà NHNN Chi nhánh tập hợp. 

Các tin liên quan