12.08.2013 09:43

Triển khai dự án QTDND – Ngân hàng Điện tử (CF –eBank) đến các QTDND

Hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) với mạng lưới gần 1.200 điểm giao dịch rộng khắp cả nước, được đánh giá cao về khả năng tiếp cận người dân đặc biệt là tại khu vực nông thôn, làng xã. Hoạt động của hệ thống thống QTDND đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, hệ thống QTDND đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn: quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm dịch vụ đơn điệu khiến các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động. Trong khi nhu cầu giao dịch của thành viên và dân chúng ngày càng tăng và đa dạng và khi các Tổ chức tín dụng khác đã và đang mở rộng hoạt động tại thị trường nông thôn thì các QTDND sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để có thể tăng năng lực cạnh tranh, các QTDND phải khẳng định được tính ưu việt của mình trong chất lượng phục vụ, tính tiện ích và sự đa dạng của các dịch vụ cung cấp cho thành viên và khách hàng.
Ngân hàng Hợp tác (NHHT) đóng vai trò đầu mối quan trọng để thúc đẩy hệ thống QTDND cùng phát triển. Bên cạnh hoạt động chính là liên kết, bảo đảm an toàn của hệ thống thông qua công tác điều hòa vốn cho các QTDND, NHHT còn là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của các QTDND thành viên, đáp ứng nhu cầu của thành viên QTDND và phát triển lợi ích cộng đồng.
Ngày 27/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 tại quyết định số 2453/QĐ-TTg; Thống đốc Ngân hàng ban hành quyết định số 1131/QĐ-NHNN ngày 30/05/2012 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2453, trong đó mục tiêu là đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các QTDND thành viên và thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Hợp tác đã tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai Dự án QTDND – Ngân hàng điện tử. (CF-eBank)
Dịch vụ Ngân hàng điện tử là một hệ thống quản lý các nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, cho phép các QTDND thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử từ xa trên nền tảng mạng công nghệ tiên tiến của NHHT một cách an toàn, nhanh chóng, thuận tiện. Hiện nay, NHHT phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử tập trung vào hoạt động thanh toán chuyển tiền và thẻ ghi nợ nội địa. Dịch vụ giúp các QTDND  thành viên và khách hàng được sử dụng các dịch vụ hiện đại như: Thanh toán chuyển khoản; Thanh toán chuyển tiền trong nước cho các thành viên; Dịch vụ thu hộ/chi hộ; Truy vấn thông tin tài khoản; Sao kê tài khoản tự động; Báo nợ, báo có điện tử trực tuyến; Chi trả các khoản vay; Nộp, rút tiền, nhận trả lương qua tài khoản thẻ; Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và các giá trị gia tăng khác… Mô hình quản lý và vận hành Ngân hàng điện tử hoàn toàn tập trung, dựa trên cơ sở mạng lưới giao dịch điện tử và nền tảng công nghệ kết nối qua mạng Internet, hệ thống bảo mật và xác thực chữ ký số và khóa ký điện tử (iKey).

Mục tiêu và lợi ích của dự án
Việc triển khai các sản phẩm của dự án đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế của QTDND và NHHT trên nhiều mặt:
Thứ nhất
: Dự án sẽ mang lại cho các QTDND dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, an toàn, tiện ích, tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao uy tín và vị thế của QTDND trên địa bàn.
Thứ hai: Dự án sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển kỹ năng và vật chất cần thiết để nâng cao mối liên kết giữa các tổ chức cấu thành hệ thống QTDND, giữa QTDND với NHHT và từng bước khai thác thế mạnh mạng lưới của hệ thống QTDND.
Thứ ba:
Đối với các thành viên của hệ thống QTDND và dân chúng tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua giao dịch với các QTDND.
Thứ tư:
Dự án góp phần thực hiện chủ trương của NHNN về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn; Trong đó hệ thống QTDND cần nhanh chóng tái cơ cấu nhằm phát triển bền vững. Để làm được điều đó, hệ thống QTDND cũng cần được trang bị công nghệ hiện đại, dich vụ và sản phẩm tiên tiến để cung ứng cho thành viên và dân chúng ở khu vực nông thôn
Thứ năm
: Dự án tạo nền tảng cơ sở vững chắc để tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới mang lại lợi ích cao nhất cho các thành viên của hệ thống để sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Kết quả đào tạo và triển khai đến ngày 05/08/2013
Để tiến hành triển khai dự án, NHHT đã đầu tư nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu và phù hợp với điều kiện của NHHT và các QTDND. Đồng thời, NHHT còn tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng trung tâm xử lý, trung tâm dữ liệu, hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, các giải pháp bảo mật an toàn trong giao dịch điện tử... từng bước đáp ứng cho triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử cho hệ thống.
NHHT rất chú trọng đến hai yếu tố là con người và công nghệ. Công tác tập huấn, đào tạo, chuyển giao sản phẩm công nghệ được triển khai bài bản với nhiều đối tượng như lãnh đạo và cán bộ các QTDND, lãnh đạo các cấp của NHHT, cán bộ nghiệp vụ từ Hội sở tới các chi nhánh. NHHT cũng đã phân công các cán bộ chuyên trách để hỗ trợ, quản lý, giám sát các QTDND tham gia hệ thống
Các quy trình, quy chế vận hành sản phẩm được xây dựng phù hợp và đáp ứng đầy đủ các quy định về quản lý giao dịch điện tử.
NHHT đã tiến hành xây dựng hệ thống đào tạo, hỗ trợ đào tạo từ xa cho các QTDND. Hệ thống này được xây dựng như hệ thống giao dịch thực giúp cho các QTDND có điều kiện để tự làm quen, học tập và thực hiện giao dịch trên hệ thống cũng như tự tổ chức việc học, nâng cao trình độ cho các cán bộ. Đồng thời xây dựng cổng thông tin điện tử tạo điều kiên để các QTDND trao đổi về nghiệp vụ với các phòng ban nghiệp vụ của Ngân hàng hợp tác. 
Yêu cầu an toàn bảo mật trong giao dịch điện tử luôn được đặt lên hàng đầu. NHHT đã xây dựng và ban hành các cơ chế kiểm soát an toàn cho các giao dịch điện tử chuyển tiền và liên kết. Áp dụng cơ chế bảo mật nhiều lớp, sử dụng thiết bị mã hóa và ký thông minh (iKey) cùng với hệ thống theo dõi cấp phát quản lý chữ ký điện tử tập trung (CA) và các công cụ giám sát tập trung khác.
Tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ và vận hành cho cán bộ các QTDND. Dự kiến đến hết tháng 8/2013 đã và sẽ đào tạo nghiệp vụ Ngân hàng điện tử đến 251 QTDND tại địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình.
Mạng lưới thanh toán của NHHT và các QTDND tham gia dự kiến đến hết tháng 8 là 376 điểm giao dịch, trong đó bao gồm 26 chi nhánh, 61 phòng giao dịch và 251 QTDND (38 QTDND cũ đã tham gia và 213 QTDND mới tham gia). Số liệu hoạt động từ đầu năm đến 31/07/2013: toàn hệ thống chuyển đi 57.286 món với doanh số chuyển tiền đi là 15.071 tỷ. Trong đó các QTDND thực hiện 11.172 món chuyển đi với số tiền 766,5 tỷ, nhận 2.086 món chuyển đến với số tiền 319 tỷ. Các lệnh chuyển tiền đi, đến đều được xử lý nhanh trong ngày tại các QTDND đồng thời được NHHT kiểm soát an toàn, chính xác và bảo mật trước khi chuyển tiền đi.
Kết quả trên cho thấy dự án mang tới những lợi ích thiết thực và đáp ứng nhu cầu về thanh toán cho thành viên QTDND và dân chúng trên địa bàn, góp phần thúc đẩy hoạt động, hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng đồng thời mở ra cơ hội rất lớn cho các QTDND phát triển và nâng cao vị thế.
Kế hoạch thực hiện thời gian tới
Do số lượng QTDND có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử là rất lớn vì vậy để đảm bảo tính hiệu quả, việc triển khai dự án sẽ được chia theo 03 giai đoạn:
Giai đoạn I thực hiện trong năm 2013
: Đào tạo và triển khai giao dịch điện tử đến 300 QTDND tham gia vào hệ thống.
Giai đoạn II dự kiến thực hiện trong năm 2014
: Đào tạo và triển khai giao dịch điện tử đến 250 QTDND.
Giai đoạn III triển khai trong năm 2015
: Đào tạo và triển khai giao dịch điện tử đến 250 QTDND.
Như vậy
, sau 3 năm triển khai dự án, sẽ có khoảng 800 QTDND tham gia khai thác các lợi ích của hệ thống ngân hàng điện tử hiện đại.
Bên cạnh đó, NHHT thường xuyên hoàn thiện, cập nhật quy trình cho hoạt động thanh toán và cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp đảm bảo dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi, an toàn cho thành viên, khách hàng và cho hệ thống QTDND.
Duy trì công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện như: báo, đài, tạp chí, bản tin, internet, các ấn phẩm quảng cáo… thông qua các QTDND tuyên truyền đến thành viên và khách hàng nhằm giúp cho thành viên, khách hàng tiếp cận và sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách đầy đủ, kịp thời, tạo được sự chuyển biến về thói quen sử dụng tiền mặt diễn ra phổ biến tại khu vực nông thôn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc cung ứng các dịch vụ thanh toán trong hệ thống để đảm bảo tuân thủ quy định về chế độ thanh toán của Nhà nước, liên tục ứng dụng công nghệ hiện đại bảo đảm hệ thống thanh toán, thẻ hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả,
Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, liên minh trong nước và quốc tế để từng bước phát triển và mở rộng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế.
Từ những lợi ích thiết thực mà dự án Ngân hàng điện tử mang lại cho các QTDND và thành viên, NHHT tiếp tục mở rộng quy mô và gia tăng chất lượng, tiện ích sản phẩm  dịch vụ nhằm cung cấp cho thành viên và dân chúng trên địa bàn nông nghiệp nông thôn  vùng sâu vùng xa được sử dụng dịch vụ ngân hàng do hệ thống QTDND cung cấp.
Đặng Thị Thu Hiền
Trưởng phòng Thanh toán Ngân hàng Hợp tác

Các tin liên quan