Quang cảnh buổi họp báo họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019
Cuối giờ chiều ngày 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành…
Các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 chiều cùng ngày (5/11) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã sắp đi hết chặng đường của năm 2019, đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 11, kỳ họp Quốc hội, đồng thời thời gian vừa qua cũng xảy ra một số vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là vụ 39 người thiệt mạng tại Anh.
Về tình hình kinh tế-xã hội, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại-đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp, điều này sẽ có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái", các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chủ nhiệm VPCP Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,6%); chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt (đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 11,5%).
Khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (IIP tăng 9,5%); ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh (lần lượt tăng là 10,8% và 9,9%); đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm (tăng 1,2% cùng kỳ năm trước giảm 2,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ (sắt, thép tăng 42,8%; xăng, dầu tăng 33,2%; tivi tăng 16,4%; điện thoại thông minh tăng 16%).
Thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao đạt 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng khá, đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ (tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp. CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ; CPI tháng 10/2019 tăng 2,79% so với tháng 12/2018 và tăng 2,24% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%. Khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 30,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 7 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển tốt; vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 70,5%. Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là ở khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước có 68.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 33,8%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt chúng ta đã tổ chức rất tốt Ngày vì người nghèo (17/10), đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua Chương trình này đã ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo 877 tỷ đồng.
Còn theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Thị trường tiền tệ mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung..., nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo; tín dụng đối với một số ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ nhìn chung có mức tăng trưởng khá. Tiến độ thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Doanh nghiệp thành lập mới 10 tháng tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ đồng. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện tốt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, trong những tháng còn lại của năm 2019, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra
Về nhiệm vụ thời gian tới, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt).
Quan trọng là chúng ta cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa; điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt. Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.
Từ ngày 06-08/11/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ tổ chức chất vấn tại Hội trường. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ theo dõi, nắm bắt những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm để chuẩn bị nội dung trả lời; đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện những cam kết, lời hứa đã nêu tại các kỳ họp trước. Chúng ta phải chủ động trao đổi, cung cấp thông tin với đại biểu Quốc hội, phóng viên báo chí để kịp thời định hướng dư luận, giải tỏa những vấn đề nóng, đang được dư luận và nhân dân quan tâm.
13.11.2024
30.10.2024
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thị trường tiền tệ mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung..., nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo …