Trong thời gian qua, anh Đào Duy Vượng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, đã giới thiệu với hội nghị về hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân ở thành phố Yên Bái tới tư cách là thành viên của Liên minh Hợp tác xã. Anh cũng cho đi tham quan Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở xã Nam Cường, một đơn vị điển hình tiên tiến của Liên minh HTX Yên Bái năm 2013. Thú thực, tôi chưa có nhiều lắm hiểu biết về “tín dụng” và “tín dụng nhân dân” nhưng tác phong giao tiếp, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên Quỹ tín dụng Nam Cường hôm ấy để lại nhiều ấn tượng đẹp trong tôi. Cộng thêm nữa là ca khúc đã đi cùng năm tháng “Em đi làm tín dụng” của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, mà tôi đã được nghe từ các cuộc liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn đến các ca sỹ tên tuổi như Thúy Hà, Thanh Hoa hát, khiến tôi có cảm tình ngay với những người làm tín dụng. Có điều, bài hát này, Nguyễn Văn Tý sáng tác từ năm 1971, nghĩa là trong thời kỳ bao cấp, nay đã là 2013, kinh tế thị trường rồi, không biết người làm tín dụng bây giờ có còn như ngày xưa: “Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ, nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…” nữa không? Băn khoăn ấy khiến tôi quyết định phải tìm hiểu về các Quỹ tín dụng ở thành phố Yên Bái, và bắt đầu từ Quỹ tín dụng nhân dân xã Nam Cường.
Có thể nói, dù ai lần đầu tìm Quỹ tín dụng nhân dân xã Nam Cường cũng không phải hỏi thăm nhiều. Cứ theo con đường trải nhựa phẳng phiu, rộng rãi, dẫn vào trung tâm xã là thôn Nam Thọ sẽ thấy Trụ sở Quỹ ở ngay mặt đường. Cơ sở khang trang, rộng rãi, kiên cố; riêng diện tích nhà làm việc là 160m2, chia làm nhiều phòng theo đặc trưng công việc của từng bộ phận; cán bộ, nhân viên đều mặc đồng phục, đeo thẻ, làm việc trên máy vi tính trông rất chuyên nghiệp. Trông như thế cũng đủ biết là Quỹ đã an cư.
Hôm đó Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Đỗ Thị Nhung đi vắng, tiếp tôi là Giám đốc Vũ Văn Quang. Thấy tôi cứ đứng ngắm nghía ngôi nhà, anh bảo:
- Nhà này chúng em xây năm 2011, đầu 2013 thì xong, bằng vốn tự có tích lũy được của quỹ, hết gần 600 triệu đấy anh ạ. Hồi mới thành lập, năm 2007, phải thuê nhà dân làm Trụ sở vừa chật chội, vừa không an toàn. Mà khách hàng đến thấy Trụ sở Quỹ sơ sài, tạm bợ bà con cũng thiếu tin tưởng.
- Bây giờ an cư thế này chắc là lạc nghiệp? - Tôi ướm hỏi.
- Cũng còn khó khăn anh ạ. - Quang bỗng như chất vấn tôi – Nhưng thành phố này có nhiều quỹ to, ra đời lâu như Quỹ Nguyễn Thái Học, Quỹ Hồng Hà, Quỹ Nguyễn Phúc, Quỹ Yên Thịnh, sao anh lại chọn Quỹ chúng em để viết?
Tôi bảo:
- Mình sẽ đi tất, nhưng bắt đầu từ quỹ này. Mình cũng đã biết cả tỉnh ta hiện nay có 17 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở, phần nhiều ở các thị trấn, thành phố. Riêng thành phố Yên Bái, 7 phường, 10 xã, mới có 5 quỹ, trong đó 4 quỹ là ở các phường, duy nhất có Quỹ Nam Cường ở đơn vị xã. Chọn Nam Cường đi đầu tiên là muốn xem tín dụng ở xã, nơi mà các thành viên là bà con nông dân, thu nhập thấp, chưa quen với giao dịch ngân hàng, lại thêm tâm lý nông dân, người có tiền muốn cột chặt vào hầu bao, sợ gửi là mất, còn người đi vay có khi coi tiền quỹ là của chung, đến hạn cứ lần khân nợ đọng. Ở địa bàn mình có hiện tượng ấy không?
Quang cười:
- Cái đó còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền và nắm tình hình thành viên anh ạ. Ở Quỹ Nam Cường chưa có hiện tượng nợ xấu.
Thấy Quang nói về tuyên truyền, tôi tò mò hỏi:
- Giả sử mình là một công dân trên địa bàn, có tiềm lực kinh tế nhưng chưa mấy tin tưởng vào hoạt động của Quỹ tín dụng, chỉ tin tưởng vào Ngân hàng thôi, muốn mình gia nhập làm thành viên, hoặc gửi tiền vào quỹ thì các anh chị tuyên truyền thế nào?
- Cái đó theo em, đầu tiên phải cho mọi người biết Quỹ tín dụng nhân dân là gì, anh ạ. Phải cho họ hiểu Quỹ tín dụng nhân dân cũng là một tổ chức tín dụng, nhận tiền gửi và cho vay theo lãi xuất như ngân hàng nhưng nó lại hoạt động theo mô hình Hợp tác xã. Nghĩa là Quỹ do các thành viên trong địa bàn tự nguyện cùng nhau thành lập. Thành viên của Quỹ phải góp vốn theo điều lệ, được gửi tiền, chia lãi theo vốn góp, được vay tiền để phát triển sản xuất hoặc chi tiêu cần thiết, được quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ và có quyền ngang nhau khi biểu quyết các vấn đề của quỹ. Về tổ chức, quỹ có Hội đồng quản trị do thành viên bầu, có chức năng quản lý, Ban Giám đốc do Hội đồng quản trị đề bạt có chức năng điều hành, Ban Kiểm soát của Quỹ cũng do Hội đồng cử, làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát …
Vậy việc nhận tiền gửi và cho vay có khác gì Ngân hàng? - Tôi chen ngang- Mà bây giờ có bao nhiêu là loại hình ngân hàng. Nhà nước có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Chính sách xã hội, lại còn hàng loạt các Ngân hàng Thương mại cổ phần, liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam … bao sân hết rồi, còn sinh ra cái Quỹ tín dụng nhân dân làm gì? Có cạnh tranh nổi không?
- Vâng, đúng là quỹ hoạt động tín dụng giống ngân hàng, nhưng cũng có nhiều điểm khác anh ạ. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở chỉ hoạt động trong địa bàn xã, phường, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, các thành viên là người cùng xã, cùng phường. Quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, song nó lại có lợi thế là bám sát được thành viên, gần gũi, am hiểu họ từ hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng của họ. Ở địa bàn nông thôn, vừa xa với các ngân hàng, bà con lại chưa quen với giao dịch ngân hàng thì Quỹ tín dụng rất thuận tiện và gần gũi với họ như công việc làng, xóm vậy. Tiền bán các sản phẩm nông nghiệp chưa có nhu cầu tiêu dùng ngay thì gửi vào Quỹ để sinh lợi kịp thời. Cần mua đàn lợn giống, hay con bò, con trâu, hoặc đưa người nhà đi bệnh viện, đóng học phí cho con … đều có thể ra vay ngoài Quỹ với lãi xuất cho hợp lý. Cơ chế hoạt động của Quỹ cũng rất linh hoạt, việc nhận tiền gửi, cho vay vốn, thanh toán lãi được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, không rườm rà, không phải đi lại nhiều lần. Đây chính là “đất” dành cho Quỹ đấy anh ạ. Vấn đề là người làm tín dụng nhân dân “cày cấy” như thế nào trên mảnh đất ấy thôi.
- Vậy có thể nói Quỹ tín dụng nhân dân là “Ngân hàng” của dân được không? - Tôi lại gợi chuyện.
- Thực ra thì không thể đồng nhất giữa Quỹ tín dụng với Ngân hàng vì nhiều lẽ. Mà điểm rõ nhất là Quỹ tín dụng nhân dân không lấy mục đích lợi nhuận làm chủ yếu như Ngân hàng thương mại, cổ phần mà nhằm vào việc hỗ trợ thành viên là những người có thu nhập thấp và tạo tiềm lực kinh tế cho sự phát triển của cộng đồng. Đành rằng kinh doanh là phải có lãi, để bảo đảm lợi ích cho các thành viên và phát triển vốn của Quỹ, song không được bỏ qua chức năng hỗ trợ cho thành viên trên địa bàn là những người có thu nhập thấp, giúp họ xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, góp phần vào xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Có thể nói: Quỹ tín dụng nhân dân phục vụ cho dân, do dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng lại không phải tự phát theo kiểu lập “hụi”, hay là “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi khiến nhiều người khuynh gia bại sản. Chính phủ đã có Nghị định 48 về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, đó là cơ sở pháp lý để Quỹ hoạt động. Quỹ chịu sự quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các cấp, Quỹ còn là tổ chức thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và có sự hỗ trợ của Quỹ tín dụng Trung ương …
- Bái phục, bái phục rồi - tôi nói vui- Người làm tín dụng am hiểu bản chất công việc thế này, cở sở khang trang thế kia thì ăn ra làm nên là phải. Bây giờ cho mình biết về tình hình của Quỹ đi.
Giám đốc Quang cho biết, Nam Cường là một xã ngoại thành, diện tích nhỏ dân số ít, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Quỹ Nam Cường được thành lập 2007, là Quỹ trẻ tuổi nhất trong các Quỹ ở thành phố Yên Bái. Khi thành lập cũng có nhiều lo lắng, đắn đo không biết Quỹ có trụ nổi không. Dân thì nghèo, người làm Quỹ chưa có nghiệp vụ, trụ sở cũng không. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng ủy, Ủy ban xã, sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Yên Bái và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, hơn 5 năm qua Quỹ không chỉ trụ vững mà còn phát triển mạnh. Tính đến tháng 12 năm 2012, Quỹ Nam Cường có 650 thành viên, chiếm 82,48% dân số toàn xã (đây là tỷ lệ cao nhất trong các Quỹ ở thành phố Yên Bái), tổng nguồn vốn hiện là 24.040 triệu đồng, trong đó vốn điều lệ 752 triệu, vốn tự có 1.065 triệu, vốn huy động 20.354 triệu, vốn vay Quỹ tín dụng Trung ương 2.050 triệu. Tổng số dư nợ cho vay tính đến tháng 12/2012 là 18.096 triệu. Với đặc điểm là một xã ngoại thành, mấy năm nay do yêu cầu phát triển xây dựng của thành phố, nguồn đất nông nghiệp của xã bị thu hẹp lại, nhiều hộ gia đình phải chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, hoặc kinh doanh dịch vụ, rất cần đến đồng vốn, có người lại không thể tiếp cận được với nguồn vốn của Ngân hành chính sách xã hội. Vì vậy Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã trở thành “bà đỡ”, thành “điểm tựa” với bà con nông dân trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Thanh là một ví dụ điển hình. Vì không còn đất canh tác ông phải mở Doanh nghiệp sản xuất bê tông đúc sẵn. Để có vốn hoạt động ông trở thành khách hàng thường xuyên của Quỹ. Không riêng gia đình ông Thanh, nhiều hộ gia đình khác ở Nam Cường cũng chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế, thoát nghèo, cải thiện được đời sống nhờ đồng vốn của Quỹ… Nghe Giám đốc Quang trao đổi, tôi thầm nghĩ, những kết quả trên của Quỹ tín dụng nhân dân Nam Cường, có thể coi là những bài học quý, cho hoạt động của hệ thống tín dụng nhân dân trong địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng.
Chia tay quỹ Nam Cường, tôi đến thăm Quỹ tín dụng phường Nguyễn Thái Học. Đây là Quỹ lớn nhất thành phố, với 1.762 thành viên, tổng vốn là 47.674 triệu đồng, trong đó vốn điều lệ 1.600 triệu, vốn tự có 2.956 triệu, vốn huy động 42.388 triệu, vay Quỹ tín dụng Trung ương 500 triệu, dư nợ cho vay 40.114 triệu. Vì thành viên của Quỹ ở địa bàn phường nên việc cho vay chủ yếu để phát triển kinh doanh dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Bà Ngô Thị Thức ở tổ 18, phường Nguyễn Thái Học chuyên kinh doanh đồ gỗ là khách hàng thường xuyên của Quỹ. Bà bảo nhờ có Quỹ bà mới kinh doanh để bảo đảm được đời sống gia đình, tu sửa được nhà cửa và nuôi 2 con tốt nghiệp đại học.
Rời Quỹ Nguyễn Thái Học, lướt qua một lượt các Quỹ Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Yên Thịnh. Ở đâu cũng nhận thấy những tín hiệu vui. Quỹ phường Nguyễn Phúc 1.386 thành viên, tổng vốn 39.392 triệu, dư nợ cho vay 34. 847 triệu. Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã huy động được 37.000 triệu, cho 400 lượt người vay với tổng số 26.000 triệu để phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Gia đình ông Nguyễn Đức Tỵ vừa kinh doanh thức ăn gia súc vừa có Trại chăn nuôi, là khách hàng của Quỹ đã hơn 10 năm nay. Tuy số dư nợ của gia đình ông chỉ trên 30 triệu nhưng nó rất quan trọng với việc phát triển kinh tế của gia đình trong những thời điểm cần thiết. Quỹ phường Hồng Hà, 1.403 thành viên, tổng vốn 37.980 triệu đồng, dư nợ cho vay 33.905 triệu. Quỹ phường Yên Thịnh, 1221 thành viên, tổng vốn 37.153 triệu, dư nợ cho vay 30. 936 triệu.
Qua trao đổi với một số thành viên, cũng là các khách hàng thường xuyên của các Quỹ như ông Nguyễn Văn Thanh, xã Nam Cường, bà Ngô Thị Thức, phường Nguyễn Thái Học, ông Nguyễn Đức Tỵ, phường Nguyễn Phúc… họ đều có chung một nhận xét là thủ tục cho vay của các Quỹ rất nhanh chóng, thuận tiện, có món vay chỉ trong vòng 1 ngày đã rải ngân xong nên đã đáp ứng kịp thời cơ kinh doanh của các gia đình. Còn việc huy động và làm thủ tục nhận tiền gửi của các Quỹ cũng rất linh hoạt. Các thành viên cho biết, Quỹ Hồng Hà hàng tháng cử cán bộ Quỹ xuống các chợ và các cụm dân cư nhận tiền gửi góp của bà con tiểu thương. Ở Yên Thịnh thì khi bà con được tiền đền bù giải phóng mặt bằng, Quỹ đã cử cán bộ xuống tận nơi thanh toán để sẵn sàng nhận tiền gửi. Thậm chí có trường hợp người gửi chỉ cần gọi điện là Quỹ đã cho cán bộ đến tận nhà riêng giao dịch. Việc cho vay cũng vậy, khi cần kíp các Quỹ làm việc trong cả các ngày nghỉ để phục vụ bà con. Điều này thì đúng là Ngân hàng không thể làm được và nó cũng cho thấy các Quỹ tín dụng nhân dân không chỉ là bám sát cơ sở mà còn nâng cao một bước đáng kể chất lượng tín dụng với khách hàng của mình.
Ông Bùi Trung Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Yên Bái, với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước các Quỹ tín dụng, cho biết: Mặc dù trong năm 2012 khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới có tác động xấu tới nền kinh tế và hoạt động tiền tệ. Diễn biến thị trường tiền tệ có nhiều phức tạp, trong năm 2012, Nhà nước đã phải 5 lần điều chỉnh giảm lãi xuất huy động và lãi xuất cho vay, mức độ cạnh tranh về huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng gia tăng song với ưu thế là bám sát dân, có sự tín nhiệm của các thành viên và nhân dân trong địa bàn, đổi mới công tác giao dịch tiếp thị nên các Quỹ tín dụng nhân dân ở Yên Bái nói chung và ở thành phố Yên Bái nói riêng vẫn thu hút được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân, số dư nguồn vốn huy động ngày càng tăng. Nguồn vốn huy động tiền nhàn rỗi trong dân chiếm 78,91% tổng nguồn vốn hoạt động của các Quỹ và đáp ứng được 92,98% nhu cầu vay vốn của thành viên. Về việc cho thành viên vay vốn, nhìn vào cơ cấu cho vay trong năm 2012 của các Quỹ tín dụng: Cho vay phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25, 75%, cho vay phát triển ngành nghề chiếm 50,15%, cho vay kinh doanh dịch vụ chiếm 16, 12%, cho vay sinh hoạt chỉ chiếm 7,98%, thì đã thấy rõ hiệu quả của các Quỹ tín dụng nhân dân với chuyển đổi cơ cấu nghề và phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện mục tiêu tương trợ các thành viên, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống thì tất cả các Quỹ tín dụng đều kinh doanh có lãi, tăng trưởng từ 25 đến 30%, nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ, lợi nhuận sau Thuế bù đắp được chi phí, tăng nguồn vốn tự có, đầu tư máy móc thiết bị, xây mới và nâng cấp trụ trở Quỹ, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên Quỹ.
Bà Phạm Thị Phương Đông, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cũng cho biết, trong hệ thống các tổ chức thành viên của Liên minh HTX thì các Quỹ tín dụng nhân dân trong thành phố và trong toàn tỉnh hoạt động ngày càng có hiệu quả. Được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, địa bàn hoạt động của một số Quỹ ở thành phố có sự mở rộng. Quỹ tín dụng Yên Thịnh mở rộng địa bàn ra xã Tân Thịnh, Quỹ Nguyễn Thái Học mở rộng ra phường Yên Ninh, Quỹ Hồng Hà mở rộng địa bàn sang Hợp Minh để thu hút thành viên và người gửi tiền. Liên minh HTX cũng chú trọng giúp các Quỹ về chính sách và bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực như mở lớp tập huấn phòng chống rủi ro, tổ chức tham quan các Quỹ tín dụng hoạt động có hiệu quả ở tỉnh ngoài. Đến nay, cán bộ, nhân viên các Quỹ đều được theo học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và Liên minh HTX tổ chức, đều có trình độ Trung cấp trở lên, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức, tác phong giao tiếp của các cán bộ, nhân viên các Quỹ cũng được hết sức chú trọng. Nhân viên Quỹ tín dụng Phường Hồng Hà đã trả lại thiền thừa cho 9 lượt khách hàng với tổng số tiền là 13.650 ngàn đồng; nhân viên Quỹ Nguyễn Thái Học trả lại tiền thừa cho 17 lượt khách hàng với số tiền là 9.150 ngàn đồng, được nhân dân và khách hàng đánh giá cao.Trong năm 2012 nhiều tập thể và cá nhân của các Quỹ tín dụng ở Yên Bái đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy Ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Yên Bái khen thưởng. Trong đó phải kể đến tập thể Quỹ Nam Cường và Giám đốc điều hành Vũ Văn Quang, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng Bằng khen. Trong 3 tập thể Quỹ tín dụng xuất sắc nhất được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen thì có 2 ở thành phố Yên Bái, đó là Quỹ Nguyễn Thái Học và Quỹ Nguyễn Phúc.
Có thể nói dù hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân còn nhiều khó khăn do những lý do khách quan và cả chủ quan. Mà khó khăn lớn nhất là đa số thành viên Quỹ tín dụng nhân dân là những người có thu nhập thấp, nguồn vốn góp theo điều lệ của các Quỹ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (3,50%) trong tổng nguồn vốn nên năng lực tài chính của các Quỹ cũng hạn chế theo, nhất là trong việc cho vay các món lớn. Các Quỹ lại phải cạnh tranh với nhiều loại hình Ngân hàng đang tồn tại. Nhưng không thể không khẳng định những đóng góp tích cực của các Quỹ tín dụng nhân dân vào việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố cũng như trong toàn tỉnh. Thành công của 5 Quỹ tín dụng nhân dân ở thành phố Yên Bái và 12 Quỹ khác ở các địa bàn huyện và thị xã sẽ là những cơ sở thực tiễn quan trọng; có thể coi đó là những “tín hiệu xanh” để chúng ta tiếp tục phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ở địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung, theo tinh thần Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị: “Xây dựng và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân là một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn”.
Ký sự của Nguyễn Hiền Lương