Dòng tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, nên tuy tăng thấp song vẫn phát huy hiệu quả tích cực
Tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp hay cao?
Báo cáo tại Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 4/10, tín dụng tăng 9,89%. So với mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cùng kỳ năm 2017 (11,02%) con số này khá khiêm tốn và còn cách xa mục tiêu 17% cho cả năm 2018. Lãnh đạo NHNN cho rằng, tín dụng tăng trưởng theo sát các chỉ tiêu đề ra và đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn vào số liệu TTTD trên, một chuyên gia ngân hàng phân tích: so với mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 7,86% thì tín dụng chỉ tăng khoảng 1,66% trong quý III là hơi thấp, thậm chí còn thấp hơn mức tăng bình quân của 2 quý đầu năm. Diễn biến trên dường như khá trái ngược với thông lệ mọi năm khi tín dụng thường tăng nhanh vào nửa cuối năm.
Dòng tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, nên tuy tăng thấp song vẫn phát huy hiệu quả tích cực
Xu hướng tín dụng tăng chậm dường như không quá gây bất ngờ đối với thị trường. Bởi từ đầu năm đến nay NHNN liên tục ban hành các Chỉ thị, văn bản nhắc nhở các TCTD kiểm soát tốt tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn. Gần đây nhất, Thống đốc NHNN một lần nữa khẳng định định hướng điều hành tín dụng chặt chẽ qua Chỉ thị 04 với thông điệp không điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các ngân hàng trong năm 2018. Đây là biện pháp nhằm ổn định thanh khoản quan trọng hơn là hướng dòng vốn tín dụng vào các mục tiêu hiệu quả.
“Từ năm 2016 đến nay, tốc độ TTTD giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc, cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay.
Định hướng kiểm soát chặt TTTD của NHNN, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng là phù hợp, không nhất thiết cố gắng thúc đẩy tín dụng bằng mọi cách để đạt mục tiêu tăng 17%. Lý giải nhận định của mình, vị này cho hay, tín dụng luôn được coi là động lực tăng trưởng kinh tế. Nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2018 gần như đã đạt được. Đây là cơ hội để chính sách tiền tệ tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát thay vì phải lo cả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như những năm trước.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhất trí quan điểm trong bối cảnh hiện nay, dù dư địa tín dụng còn nhiều nhưng không nên đẩy mạnh TTTD cao, nhất là khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng. Ngay cả các tổ chức quốc tế WB, ADB… cũng khuyến nghị Việt Nam nên hạ chỉ tiêu TTTD xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.
Mặc dù, dư địa tín dụng còn nhiều, nhưng TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, định hướng TTTD của NHNN hiện tại chỉ ở mức 15%, nếu có nhu cầu đột biến phát sinh thì tối đa là 17% không thể vượt hơn. Quan điểm thận trọng này, theo TS. Hùng, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Có thể tốc độ tăng trưởng nguồn vốn hiện tại của nhiều ngân hàng đang rất tốt nên họ muốn mở rộng đầu tư tín dụng. Nhưng đó chỉ là thời điểm trước mắt, còn nguồn vốn của họ có ổn định hay không lại là việc khác. Quan điểm của tôi là không thể “ăn xổi”. Các ngân hàng cứ tăng trưởng tín dụng cao lên, trong khi vốn huy động không kịp bù đắp sẽ dẫn tới khó khăn thanh khoản, lại phải huy động lãi suất cao, hoặc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Như vậy, làm sao đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay tốt cho khách hàng được. Vì thế, NHNN giao tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn”, TS. Hùng lý giải thêm.
Điều hành tín dụng thận trọng
Thừa nhận sức ép lạm phát là có, nhưng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, diễn biến lạm phát đang trong tầm kiểm soát của NHNN. CPI bình quân 10/2018 so với cùng kỳ 2017 tăng 3,60%, vẫn thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Trong khi lạm phát cơ bản tháng 10 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
“Kết quả tích cực trên nhờ cách điều hành thận trọng và linh hoạt của Chính phủ cũng như việc thực thi CSTT theo nguyên tắc lạm phát mục tiêu, lấy ổn định làm nền tảng của NHNN. Vì vậy, chỉ số lạm phát dự kiến đến cuối năm vẫn duy trì như mục tiêu đề ra, lãi suất tiếp tục được ổn định”, TS. Nghĩa đưa ra lời nhận xét và cho rằng, với cách điều hành như vậy, dù mức TTTD có ở mức 16 – 17% cũng không gây áp lực lớn lên lạm phát.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, NHNN cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh dần chỉ tiêu phân bổ tín dụng cho từng ngân hàng. Cách phân bổ này có thể áp dụng cho một số ngân hàng yếu mà chưa đảm bảo chỉ số an toàn vốn tối thiểu. Còn đối với những ngân hàng lành mạnh có thể áp dụng chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu và các chỉ tiêu về quản lý rủi ro để kiểm soát tốc độ TTTD.
“Việc nên hay không nên quản lý bằng cách giao hạn mức TTTD hàng năm cho các ngân hàng cũng đã được đặt ra nhiều lần trong thời gian qua. Tôi nghĩ NHNN cũng muốn thực hiện điều này. Song, trong hệ thống vẫn còn những ngân hàng yếu kém nên để đảm bảo an toàn cho hệ thống, chắc chắn NHNN cần phải có thêm thời gian mới gỡ barie này”, một chuyên gia đưa ra quan điểm.
Về định hướng điều hành tín dụng, trong buổi làm việc với đại diện một tổ chức quốc tế, lãnh đạo NHNN cho biết, phương châm điều hành của NHNN mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro. Theo đó, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động, phối hợp điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, TTTD theo định hướng đề ra, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Tuy nhiên, để hỗ trợ CSTT trong việc kiểm soát lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh, TS. Nghĩa khuyến nghị Chính phủ cũng cần thận trọng trong việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như là y tế, giáo dục, điện... Mặc dù những điều chỉnh này tuy là cần thiết, nhưng mức độ và thời điểm điều chỉnh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt nên tránh việc điều chỉnh giá nhiều mặt hàng một lúc, có thể khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao, gây khó cho CSTT.
Thời báo Ngân Hàng13.11.2024
30.10.2024