05.11.2015 08:59

Tín dụng hướng tới kinh tế tập thể

 

Ở góc độ chính sách tín dụng, có thể thấy rằng thời gian qua bằng việc nâng mức cho vay tín chấp đối với các trang trại, HTX từ 500 triệu đồng/năm lên 1 tỷ đồng/năm, Nghị định 55/2015 của Chính phủ cũng như Thông tư số 10/2015 của NHNN đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để các TCTD mạnh dạn cấp vốn vào khu vực kinh tế tập thể.

Agribank vừa tổ chức ký kết hỗ trợ tín dụng cho 5 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ tại Ninh Thuận. Theo đó, các HTX nông nghiệp như Gò Đền, Tân Hà, Công Hải đều được Agribank cam kết tài trợ 500 triệu đồng vốn lưu động; các HTX khác như Bảo An và Bình Quý cũng được cho vay vốn từ 200-300 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Việc Agribank mạnh dạn cung ứng vốn cho các đơn vị kinh tế tập thể nói trên cho thấy, hiện nay hoạt động cho vay đối với các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đã bắt đầu có những dấu hiệu tốt lên. Điều này chứng tỏ rằng, những thay đổi trong chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN, cũng như sự chủ động đổi mới từ bản thân các HTX đã bắt đầu có sự kết hợp để tạo ra hiệu ứng tích cực.

Ở góc độ chính sách tín dụng, có thể thấy rằng thời gian qua bằng việc nâng mức cho vay tín chấp đối với các trang trại, HTX từ 500 triệu đồng/năm lên 1 tỷ đồng/năm, Nghị định 55/2015 của Chính phủ cũng như Thông tư số 10/2015 của NHNN đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để các TCTD mạnh dạn cấp vốn vào khu vực kinh tế tập thể.

Đến thời điểm này, hầu như ít có HTX nào làm ăn có lãi mà bị các NHTM từ chối khi có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Không những vậy, nhiều NHTM như Agribank, LienVietPostBank… còn chủ động thiết kế gói tín dụng dành riêng cho các HTX, tổ hợp tác với những ưu đãi chuyên biệt về lãi suất và điều kiện vay vốn.

Trong khi đó, nhìn từ phía các HTX, tâm thế ỉ lại, trông đợi vào sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách gần như cũng đang được thay đổi mạnh bằng tư duy kinh tế thị trường. Điều này thể hiện ra khi mà bản thân các đơn vị hợp tác xã cũng ý thức được rằng nếu không tự lớn mạnh, không chứng minh được tài chính và phương án kinh doanh thì không có NHTM nào dám hợp tác rót vốn.


Ghi nhận gần đây cho thấy, bằng việc tự cấu trúc lại, ở khu vực ĐBSCL đã có hàng trăm HTX nông nghiệp có nguồn vốn từ 1-10 tỷ đồng.


Chẳng hạn tại Tiền Giang, trong tổng số 45 HTX nông nghiệp hiện hữu đã có 12 HTX làm ăn hiệu quả, xã viên có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với làm ăn riêng lẻ. Tại Cần Thơ đã có 132 HTX được xếp vào các mô hình kinh tế tập thể khá, giỏi. Trong khi đó, tại Đồng Tháp có hàng chục HTX tự mình đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh như một công ty cổ phần với số vốn mỗi đơn vị lên tới vài chục tỷ đồng, tổng tài sản hàng trăm tỷ đồng…


Như vậy, rõ ràng ở thời điểm này tiếng nói chung giữa các NHTM và các HTX đã ngày càng được thể hiện một cách rõ nét. Tín hiệu này cho thấy các chính sách ưu đãi tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể đã đến thời điểm “chín muồi”, tạo điều kiện tăng trưởng mạnh vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì thế nếu NHTM nào nhanh chóng bắt nhịp được những thay đổi từ khối khách hàng là các HTX kiểu mới để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp thì sẽ có nhiều cơ hội dồn vốn bền vững vào bộ phận kinh tế này.


Hà Minh/TBNH

Các tin liên quan