Phát triển bền vững là một khái niệm mới và đang dần trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể hiểu phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nói cách khác, để phát triển bền vững phải bảo đảm phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng song song với việc bảo vệ và gìn giữ môi trường. Ðể đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... đều phải chung sức thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường.
Cho đến nay, ý thức về việc phát triển bền vững trên khía cạnh môi trường hay xã hội đối với nhiều nước đã trở nên quen thuộc, tuy nhiên, gần đây, người ta mới nhắc nhiều đến phát triển bền vững trên khía cạnh kinh tế với quan niệm về “tài chính bền vững” tức là việc duy trì một nền kinh tế bền vững với cấu phần quan trọng cốt lõi là các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Như vậy, nói đến phát triển bền vững của một ngân hàng trước hết là nói đến sự bền vững tài chính của ngân hàng đó. Theo Carl-Jonhan Lindgren, các ngân hàng thương mại (NHTM) được coi là lành mạnh tài chính hay phát triển bền vững khi khả năng tài chính và hoạt động của ngân hàng này đạt tới hiệu quả nhất định để có thể tồn tại, chịu đựng và chống đỡ các tác động bất lợi của môi trường bên ngoài. Như vậy, một NHTM có thể đảm bảo được khả năng thanh toán những khoản nợ tại mọi thời điểm xác định và không gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế và cộng đồng dù có những tác động từ các diễn biến bất lợi của nền kinh tế - xã hội là một ngân hàng lành mạnh hay phát triển bền vững.
Sự bền vững về tài chính còn được định nghĩa là việc cung cấp vốn và các giải pháp quản lý rủi ro cho các dự án cũng như là các hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy hoặc không gây trở ngại đến sự thịnh vượng, bảo vệ môi trường và tạo sự công bằng cho xã hội (theo IFC). Và như vậy, sự bền vững về ngân hàng được định nghĩa là quá trình tồn tại lâu dài với hoạt động cung cấp các dịch vụ và sản phẩm cho khách hàng nhưng phải đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo ra sự công bằng cho xã hội.
Không thể phủ nhận rằng, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng tài chính ở mỗi quốc gia giữ vai trò quan trọng, quyết định sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và phát triển bền vững của quốc gia đó. Ðặt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, yêu cầu về ổn định tài chính hay phát triển bền vững khu vực tài chính - ngân hàng không những đang trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu mà còn là một trong những trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều nước. Theo đó, ngân hàng bền vững đã, đang và sẽ trở thành một triết lý nền tảng của các ngân hàng. Hoạt động của NHTM vì thế, không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhân viên và các cổ đông của ngân hàng, mà còn mang lại lợi nhuận cho khách hàng. Rộng hơn nữa, nó còn phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong khi phải ngăn chặn hoặc ít nhất là phải giảm thiểu bất kỳ tác động quá mức đến xã hội và môi trường, đồng thời đòi hỏi các ngân hàng phải thực hiện các bước để cải thiện xã hội và môi trường.
Tác động hội nhập quốc tế tới việc ổn định và phát triển bền vững khu vực ngân hàng
Tự do hóa ngành Tài chính, Ngân hàng là sự thay đổi trong chức năng trung gian kinh tế vĩ mô, giúp giảm chi phí giao dịch, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, tăng đầu tư và doanh số giao dịch, qua đó góp phần cải thiện hiệu quả tăng trưởng. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của thị trường tài chính và ngân hàng quốc tế tới thị trường trong nước cũng là một nhân tố không nhỏ gây mất ổn định tài chính và từ đó, tác động đến việc duy trì một sự phát triển bền vững và lâu dài.
Tác động thực của hội nhập hay tự do hóa tài chính và ngân hàng đến tăng trưởng và phát triển bền vững luôn là vấn đề khó xác định, một phần vì tác động này phân tán ở tất cả các hoạt động kinh tế, phần khác liên quan đến các chính sách kinh tế.
Với Việt Nam, sau khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, môi trường và thể chế hoạt động của hệ thống ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những thách thức lớn gắn với rủi ro thị trường, tỷ giá, thanh khoản, nợ xấu... làm tăng tính tổn tương của hệ thống trước môi trường vĩ mô có nhiều biến động. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì giám sát vĩ mô thận trọng và việc phân tích rủi ro trong toàn hệ thống. Rõ ràng, việc xây dựng và phát triển một khuôn khổ chính sách cũng như các công cụ chính sách để phản ứng lại những biến động trên thị trường tài chính, đồng thời cung cấp những công cụ giám sát rủi ro trong khi vẫn thực hiện việc hội nhập là rất cần thiết để phát triển hệ thống một cách bền vững.
Tổng quan về khu vực ngân hàng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế
Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, hệ thống NHTM Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trên cả hai phương diện số lượng và chất lượng.
Xét về mặt số lượng: Từ đầu thập niên 1990, khối NHTM cổ phần Việt Nam phát triển nhanh chóng. Cùng với sự phát triển của khối ngân hàng này, năm 1992, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản chấp thuận sự gia nhập thị trường của các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự có bước phát triển mạnh mẽ. Sự hiện diện và hoạt động của hàng loạt các ngân hàng nước ngoài, như: ANZ, Citibank, HSBC… lần lượt đăng ký đặt văn phòng đại diện rồi chi nhánh vào thời gian này. Cùng với việc thực hiện lộ trình mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng theo cam kết, một số TCTD nước ngoài như HSBC, ANZ còn thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ðể chiếm lĩnh thị phần, các NHTM tăng nhanh việc mở thêm nhiều phòng giao dịch, chi nhánh trên toàn quốc. Nhờ đó, các NHTM đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng tăng lên của nền kinh tế. Tính đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bao gồm 5 NHTM nhà nước (2 trong số 5 NHTM nhà nước đã được cổ phần hóa); 34 NHTM cổ phần (trong số này, 11 ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài); 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; và 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xét về mặt chất lượng: Năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam đã được cải thiện nhờ chiến lược tăng nhanh vốn tự có và quy mô tổng tài sản, góp phần đáng kể trong việc tạo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, chất lượng dịch vụ được cải thiện, các ngân hàng cũng đã quan tâm đầu tư đúng mức vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực. Công tác quản trị điều hành ngày càng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Cùng với lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa hội nhập trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng ngày càng sôi động, với sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước. Chất lượng hoạt động cũng được cải thiện đáng kể do phải tuân thủ những quy định về an toàn hoạt động và sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng theo lộ trình mở cửa.
Tuy nhiên, những khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong những năm gần đây cùng với chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát đã khiến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Kèm theo đó là những bất cập trong công tác quản trị của chính bản thân các ngân hàng đã khiến các NHTM Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu, ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển bền vững của toàn hệ thống. Ðiều này đặt ra yêu cầu trong việc phải xác định và xây dựng được một bộ các chỉ tiêu có thể đánh giá được các mức độ phát triển bền vững của khu vực tài chính - ngân hàng nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung, đặt trong mối tương quan với các điều kiện xã hội và môi trường tương ứng.
Các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển bền vững khu vực ngân hàng
Hiện nay, có khá nhiều bộ chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững của các quốc gia, phổ biến nhất là bộ chỉ tiêu do Liên hiệp quốc soạn thảo, ngoài ra còn có bộ chỉ tiêu ”Phát triển bền vững Dow Jones” (Dow Jones Sustainability Indexes) hay bộ chỉ tiêu của tổ chức Global Reporting Initiative (GRI). Hầu hết các bộ chỉ tiêu đều được thiết lập nhằm đánh giá thành tích của từng quốc gia trên ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp lớn. Ví dụ về khía cạnh môi trường, mỗi nước sẽ đánh giá lượng khí thải CO2 trong năm qua hoạt động sản xuất và kinh doanh, lượng nước sạch đã sử dụng, tổng lượng tiêu thụ các loại năng lượng (điện, xăng dầu…), tổng lượng rác thải… Các quốc gia cũng phải giải trình về chiến lược của mình trong tương lai về việc giảm thiểu có lộ trình các chỉ số nêu trên. Về khía cạnh xã hội, bộ chỉ số tập trung vào việc đánh giá có hay không phân biệt đối xử về giới tính trong vấn đề lương bổng (lương trung bình của lao động nam và lao động nữ), tỷ lệ nữ đảm trách các trách nhiệm lãnh đạo, các vấn đề đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, tổng kinh phí cho các hoạt động từ thiện... Tuy nhiên, các bộ chỉ tiêu này lại chưa đề cập đến việc đánh giá sự phát triển bền vững trên khía cạnh kinh tế nói chung và khu vực tài chính ngân hàng nói riêng.
Với hệ thống ngân hàng, đến nay, chưa có một bộ chỉ tiêu chính thức đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực này. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những phân tích nêu trên, theo quan điểm của tác giả, hệ thống các tiêu chí đánh giá sự phát triển ổn định và bền vững của ngân hàng Việt Nam phải đồng thời thỏa mãn yêu cầu về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc song song với việc đáp ứng các khía cạnh bền vững khác của ngân hàng, cụ thể:
- Bền vững về kinh tế: Sự phát triển của NHTM phải đảm bảo mọi hoạt động của NHTM được thiết lập và duy trì trên cơ sở đảm bảo sự lành mạnh của các tương tác kinh tế. Khi đó, các hoạt động của NHTM như huy động vốn, đầu tư, tín dụng… đều phải được đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa một bộ phận, một loại hình hoạt động với các bộ phận và các loại hình hoạt động khác của ngân hàng, giữa hệ thống NHTM trong nước, trong thị trường tài chính và đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế. Nếu phá vỡ sự cân bằng lành mạnh này thì sẽ gây ra những bất ổn và thiếu bền vững của NHTM.
- Bền vững về chính trị - xã hội: Xã hội có lòng tin đối với ngân hàng khi ngân hàng đó hoạt động hiệu quả, có năng lực tài chính tốt, đảm bảo chi trả cho mọi nhu cầu rút tiền của khách hàng (tức là khả năng thanh khoản tốt). Ðặc biệt, sự phát triển ổn định của ngân hàng còn giúp phòng ngừa rủi ro khủng hoảng. Lịch sử phát triển của ngân hàng nói riêng cho thấy khủng hoảng tài chính luôn gắn liền với những bất ổn về chính trị, xã hội, thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Hệ thống tài chính nói chung và hệ thống NHTM nói riêng là một bộ phận nhạy cảm của nền kinh tế. Nếu khu vực này phát triển không lành mạnh sẽ tạo ra các tương tác tiêu cực đến các khu vực khác và có thể gây suy yếu toàn bộ nền kinh tế, đồng thời dẫn đến những bất ổn về chính trị và xã hội. Do đó, việc duy trì bền vững về chính trị, xã hội trong phát triển NHTM chính là việc hoạt động an toàn, phòng ngừa rủi ro gây khủng hoảng hệ thống tài chính.
- Bền vững về môi trường: Các hoạt động của NHTM phải hỗ trợ cho nền kinh tế chuyển dịch đến một cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo ra các hàng hóa công cộng như đường xá, cầu cống, các công trình thủy lợi, các dự án trồng rừng, giúp gia tăng lợi ích cho cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường.
Với những quan điểm này, căn cứ vào tình hình chung của toàn hệ thống cũng như những nội dung cơ bản trong “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020” đã được phê duyệt theo Quyết định số 432/QÐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, có thể đưa ra một số tiêu chí cơ bản sau cho sự phát triển ổn định và bền vững của các NHTM nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng - tài chính nói chung:
Một là, các tiêu chí phản ánh sự bền vững về mặt kinh tế của ngân hàng
Các chỉ tiêu này được thể hiện thông qua quy mô, tỷ lệ, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn và tài sản; khả năng sinh lời cũng như năng lực tài chính của ngân hàng:
(1) Quy mô, tỷ lệ, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn
Quy mô nguồn vốn là tổng số dư trên các tài khoản tiền gửi, tài khoản phát hành giấy tờ có giá, các tài khoản tiền vay và tài khoản vốn chủ sở hữu. Số dư trên các tài khoản này càng lớn chứng tỏ quy mô nguồn vốn. Quy mô của nguồn vốn càng lớn và tăng trưởng ổn định thì NHTM càng có khả năng cạnh tranh cao.
Tỷ lệ hay cơ cấu của nguồn vốn có thể được nghiên cứu theo thời hạn, khoản mục hay thị trường huy động vốn. Các tiêu chí này được xác định bằng tỷ lệ của từng nguồn vốn trên tổng nguồn vốn. Các tiêu chí này được xác định bằng tỷ trọng của từng nguồn vốn nói trên.
Ở Việt Nam, tính đến tháng 3/2013, vốn tự có của toàn hệ thống đạt khoảng 425 nghìn tỷ đồng, bằng 12,5 lần so với cuối năm 2004 (34.673 tỷ đồng). Trong đó, khối NHTM nhà nước vốn tự có đạt 137 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng trên 1.300 triệu USD. Nhóm các NHTM cổ phần: vốn tự có đạt 183 nghìn tỷ đồng, tức là quy mô vốn điều lệ bình quân của các NHTM cổ phần chỉ khoảng trên 4,9 nghìn tỷ đồng (khoảng trên 240 triệu USD). Nếu so sánh khu vực thì quy mô vốn tự có của các NHTM Việt Nam còn tương đối hạn chế. Ðiều này ảnh hưởng tới năng lực chống đỡ các cú sốc tài chính trong và ngoài nước, đồng thời những tổn thương với hệ thống NHTM sẽ lập tức gây hiệu ứng sốc tới toàn bộ nền kinh tế.
Như vậy, khi có quy mô nguồn vốn và cơ cấu hợp lý sẽ cho phép NHTM tạo lập được một ngân quỹ phù hợp để phòng ngừa rủi ro thanh khoản. Ngoài ra, ngân hàng cũng có cơ sở để thực hiện chiến lược phát triển đa dạng các hoạt động kinh doanh như cho vay, đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại khác để gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro hướng tới phát triển ổn định và bền vững.
(2) Quy mô, tỷ lệ, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng của tài sản
Quy mô tài sản là tổng số dư trên các tài khoản phản ánh tài sản của ngân hàng. Cũng giống như quy mô nguồn vốn, tổng số dư trên các tài khoản phản ánh tài sản có quan hệ cùng chiều với quy mô tài sản. Tốc độ tăng trưởng của tài sản càng lớn thì quy mô tài sản của ngân hàng càng gia tăng. Khi quy mô tài sản được mở rộng đặc biệt là sự tăng trưởng của những khoản mục tài sản có khả năng sinh lời tốt là điều kiện để ngân hàng gia tăng lợi nhuận theo yêu cầu của các chủ sở hữu để tồn tại và phát triển.
Tỷ lệ hay cơ cấu thời hạn và cơ cấu danh mục tài sản là tỷ trọng của từng khoản mục tài sản trên tổng tài sản theo các tiêu chí trên. Mỗi ngân hàng có mục tiêu hoạt động và nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau, nên tỷ trọng của khoản mục cho vay phản ánh nét đặc trưng trong hoạt động của ngân hàng đó cần phải chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, sự đa dạng của cơ cấu danh mục tài sản cũng phản ánh chiến lược phân tán rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động và mức độ thâm nhập, tiếp cận sâu rộng với khách hàng và nền kinh tế của ngân hàng. Mặt khác, tỷ trọng các khoản mục cho vay theo lĩnh vực còn cho biết ngân hàng đó có đầu tư cho các ngành tạo ra các hàng hóa công cộng để gia tăng lợi ích cho cộng đồng và góp phần thực hiện các chương trình quốc gia để bảo vệ môi trường hay không.
(3) Thị phần của ngân hàng
Thị phần của ngân hàng là phần thị trường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Các sản phẩm dịch của ngân hàng rất đa dạng từ các sản phẩm huy động vốn đến các sản phẩm cho vay. Nên, thị phần của ngân hàng là lớn hay nhỏ được đánh giá thông qua thị phần nguồn vốn, thị phần vốn huy động và thị phần tín dụng.
Một NHTM phát triển bền vững là một ngân hàng có quy mô nguồn vốn và quy mô tài sản không ngừng gia tăng qua các năm. Bên cạnh đó, cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn phải hợp lý. Mặt khác, ngân hàng phải giành được thị phần vượt trội so với các ngân hàng khác, duy trì và mở rộng thị phần.
(4) Năng lực tài chính
Năng lực tài chính là nhân tố có tính quyết định năng lực cạnh tranh cũng như khả năng ổn định bền vững trước tác động của các cú sốc tài chính từ bên ngoài tới hoạt động của ngân hàng. Rõ ràng việc ổn định lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là vấn đề khó khăn bởi với năng lực tài chính khá yếu của hầu hết các NHTM Việt Nam thì sẽ rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc tài chính, đồng thời với lộ trình mở cửa thị trường tài chính thì việc thua thiệt trong cạnh tranh cũng sẽ là rất khó tránh khỏi. Như vậy, muốn phát triển bền vững thì trước hết cần quan tâm trực tiếp đến việc duy trì một năng lực tài chính ổn định, với một nguồn vốn dồi dào.
(5) Khả năng sinh lời
Khả năng sinh lời được tính toán thông qua các chỉ tiêu ROA và ROE, ở đây cần quan tâm đến tỷ lệ lợi tức trên tài sản so sánh với tỷ lệ vốn trên tài sản. Tỷ lệ lợi tức trên tài sản nếu có cao nhưng tỷ lệ vốn trên tài sản lại thấp thì khả năng quay vòng vốn và phát triển lâu dài cũng chưa được đảm bảo. Do đó, các ngân hàng cần duy trì lợi nhuận ổn định song song với việc tích lũy và tìm nguồn để mở rộng và duy trì một nguồn vốn mạnh và bền vững.
Hai là, các tiêu chí phản ánh sự bền vững về mặt chính trị, xã hội
Các chỉ tiêu này phải phản ánh tính an toàn của một ngân hàng trong điều kiện kinh tế xã hội bình thường hay có nhiều biến động. Nói cách khác, nó thể hiện năng lực quản trị của mỗi ngân hàng, đặc biệt là khả năng dự báo và phòng ngừa rủi ro, bù đắp những tổn thất xảy ra trọng hoạt động tín dụng, khả năng sẵn sàng chi trả, thanh toán cho khách hàng. Như vậy, có thể xét đến một số tiêu chí sau:
(1) Các tiêu chí đo lường mức độ các loại hình rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái, rủi ro tác nghiệp, rủi ro quốc gia, rủi ro chính trị...
Khả năng phòng ngừa rủi ro thanh khoản, lãi suất, hối đoái được đánh giá thông qua sự tương xứng về cấu trúc kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn, sự tương xứng giữa giá trị tài sản và giá trị nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất, sự cân đối trong trạng thái ngoại hối của ngân hàng.
Khả năng phòng ngừa rủi ro tín dụng được đánh giá thông qua quy trình cấp tín dụng và mức độ chấp hành quy trình này của các cán bộ tín dụng. Nếu quy trình cấp tín dụng chặt chẽ và cán bộ tín dụng chấp hành nghiêm quy trình này thì chất lượng các khoản tín dụng cấp ra tốt, giảm thiểu nguy cơ mất vốn. Chất lượng khoản tín dụng đã được cấp được phản ánh thông qua các tiêu chí: tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ (không nên vượt quá 2%); tỷ lệ nợ quá hạn theo các nhóm khác nhau trên tổng dư nợ; tỷ lệ nợ không thể thu hồi trên tổng dư nợ; tỷ lệ lãi còn tồn đọng chưa thu được trên tổng dư nợ...
Tỷ lệ nợ xấu tăng cao báo hiệu một sự phát triển không bền vững, và nguy cơ đổ vỡ là rất lớn. Ở Việt Nam, nợ xấu lại tập trung vào một số ngành nghề chính với tỷ trọng cao như kinh doanh bất động sản, tàu thủy… Việc cơ cấu lại và xử lý dứt điểm các khoản nợ không thể hoàn thành được trong ngắn hạn mà đòi hỏi một lượng thời gian và công sức tương đối lớn. Các ngân hàng cũng cần chú trọng đến việc quản trị rủi ro tín dụng, kiểm soát và thẩm định các khoản vay một cách rõ ràng, song song với việc xây dựng một chính sách tín dụng chặt chẽ để duy trì một dịch vụ tín dụng lành mạnh và ổn định.
Khả năng bù đắp những tổn thất xảy ra trong hoạt động tín dụng được phản ánh thông qua các tiêu chí như: hệ số khả năng bù đắp các khoản cho vay bị mất (được tính bằng dự phòng tín dụng trên nợ không thể thu hồi); dự phòng trên nợ quá hạn; dự phòng trên nợ xấu đã thanh lý; dự phòng trên nợ khó đòi.
Khả năng sẵn sàng chi trả và thanh toán cho khách hàng được tính qua chỉ tiêu tỷ lệ khả năng chi trả. Tỷ lệ này được xác định qua tỷ lệ giữa tài sản có thể thanh toán ngay trên tài sản nợ phải thanh toán ngay.
(2) Tiêu chí đo lường mức độ an toàn hoạt động
Mức độ an toàn của một ngân hàng có thể được phản ánh thông qua hệ số an toàn vốn tối thiểu - CAR. Hệ số này phản ánh tỷ lệ vốn tự có tối thiểu ngân hàng phải đạt được trên tổng tài sản có quy đổi theo rủi ro. Ðây là hệ số quan trọng liên quan chặt chẽ đến vấn đề an toàn thanh khoản ở các NHTM, qua đó giúp đánh giá mức độ ổn định hay phát triển bền vững của nhiều ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng Việt Nam khi tình trạng vốn vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh tín dụng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu như CAR thấp hơn ngưỡng 8% thì nguy cơ rủi ro cao, nhưng nếu như duy trì hệ số này quá cao cũng là điều đáng quan ngại bởi nó làm suy giảm hiệu quả trong kinh doanh của NHTM.
Basel II xác định CAR theo công thức:
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR = Vốn tự có/ (Rủi ro tín dụng + Rủi ro thị trường + Rủi ro hoạt động khác)
Hiện tại hệ số CAR của một số NHTM cổ phần ở mức khá cao và cao hơn so với qui định của Basel II. Tuy nhiên, nếu tính đủ rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường vào mẫu số của công thức tính hệ số CAR, đồng thời tính trên số vốn tự có thực của các NHTM vào tử số như yêu cầu của Basel II thì hệ số CAR của các NHTM sẽ giảm khá nhiều.Về mặt nguyên tắc, hệ số CAR cao thì mức độ rủi ro thanh khoản càng thấp. Mặc dù vậy, ở một khía cạnh nào đó nếu hệ số này luôn duy trì ở mức quá cao cũng chúng tỏ đồng vốn không được sử dụng hiệu quả và điều này lại tác động xấu đến khả năng phát triển bền vững của chính ngân hàng trong tương lai.
(3) Năng lực quản trị điều hành
Mô hình tổ chức và quản lý của các NHTM ở Việt Nam đang được chuyển đổi từ cấu trúc theo chức năng (tín dụng, ngoại hối,..) sang mô hình cấu trúc theo nhóm khách hàng, loại dịch vụ (ngân hàng doanh nghiệp - bán buôn, ngân hàng cá nhân - bán lẻ). Một số các TCTD áp dụng các mô hình quản lý theo thông lệ quốc tế (quản lý rủi ro, quản lý tín dụng, quản lý tài sản nợ). Mặc dù vậy, hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập đối với năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng như: không có nhiều thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị ngân hàng; thiếu sự rõ ràng về vai trò của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành. Thực tế hiện nay cấu trúc quản trị ở các ngân hàng Việt Nam, thường nghiêng nhiều về việc tuân thủ các quy định hơn là đánh giá và giảm thiểu rủi ro tín dụng hoặc các rủi ro khác trong hoạt động ngân hàng. Bộ máy điều hành sẽ tác động trực tiếp đến quá trình phát triển và chất lượng kinh doanh của từng ngân hàng, do đó, đây cũng có thể coi là một yếu tố đánh giá tiềm năng phát triển một cách ổn định và bền vững của từng ngân hàng nói riêng và của toàn hệ thống nói chung.
(4) Chất lượng nguồn nhân lực
Nhìn một cách tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực nói chung vẫn là vấn đề bất cập đối với Việt Nam và cũng là trở lực đối với chiến lược phát triển kinh tế hiện nay của nước ta. Theo các tư liệu nghiên cứu cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam còn khá thấp. Theo xếp hạng của Legatum Institute, Việt Nam đứng thứ 82/110 quốc gia khảo sát về giáo dục, với (-0,80) điểm vào năm 2011, giảm từ mức (-0,39) điểm năm 2009. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng, lành nghề tồn tại từ giai đoạn trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục và cũng không dễ cải thiện trong tương lai gần. Ðiều này cũng có nghĩa là chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là thách thức lớn trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Ba là, các tiêu chí phản ánh sự bền vững về môi trường
Ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt vì công cụ và đối tượng kinh doanh tiền tệ. Tiền tệ được xem là huyết mạch của nền kinh tế, còn ngân hàng là nơi tạo ra dự trữ và bơm máu. Chính vì vậy, hoạt động của NHTM có ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.
Có nhiều tiêu chí đánh giá sự đóng góp của từng ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường thông qua các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Chẳng hạn như chương trình tín dụng xanh, tỷ lệ đầu tư, cho vay vào các dự án, công trình liên quan đến môi trường: trồng cây, xây dựng nhà máy năng lượng sạch, các dự án nước sạch... Ngoài ra, cũng có thể tính đến việc các ngân hàng sử dụng năng lượng điện, nước tiết kiệm, các chiến dịch quảng bá về sản phẩm thân thiện với môi trường (khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy thay vì túi nilon; khuyến khích nhận sao kê qua mạng thay vì in trực tiếp để tiết kiệm chi phí...); tỷ lệ đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng cho các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa...
Những dự án này sẽ gây hiệu ứng tích cực đến sự phát triển kinh tế nói chung. Sự phát triển kinh tế không chỉ được đánh giá là sự tăng trưởng về lượng mà còn là sự thay đổi về chất (sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực). Như vậy, khi một ngân hàng phát triển bền vững thì hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế cùng phát triển, tức là phát triển bền vững môi trường kinh tế.
KẾT LUẬN
Một ngân hàng sẽ phát triển bền vững khi đạt được cùng lúc ba sự cân bằng: (i) sự cân bằng giữa lợi nhuận kỳ vọng với mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể chấp nhận được; (ii) sự cân bằng giữa lợi ích của ngân hàng và lợi ích của khách hàng; (iii) cân bằng giữa gia tăng lợi ích cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, những bất ổn tài chính trong nước và quốc tế có chiều hướng gia tăng, việc duy trì một chiến lược kinh doanh phù hợp để tăng lợi nhuận và cạnh tranh thành công đã là một điều khó với các ngân hàng, phát triển thế nào để không làm ảnh hưởng đến các lợi ích trong tương lai - hay nói cách khác là duy trì “tài chính bền vững” lại càng khó hơn. Ðóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, những bất ổn từ hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, hệ thống các TCTD nói chung và hệ thống NHTM Việt Nam nói riêng cần phải thực hiện các giải pháp cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện, nhằm tiến tới phát triển bền vững trong tương lai.
Theo SBV