Kỳ 1: Nỗ lực trong tiến trình hợp tác đa phương
Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” do nước chủ nhà đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao trong cộng đồng quốc tế cũng như khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vinh dự góp phần tạo nên những thành công chung đó thông qua việc tích cực tham gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác APEC trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Những nỗ lực của ngành Ngân hàng mở ra phương hướng hợp tác cụ thể, thực chất trong thời gian tới giữa các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính toàn diện.
Ngay từ khi trở thành thành viên của APEC vào năm 1998, NHNN đã chủ động xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó đề cập đến tình hình thực hiện các quy định của pháp luật và cơ chế điều tiết các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Xây dựng các chiến lược ngắn, trung và dài hạn để thực hiện Kế hoạch Hành động này một cách hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đã được vạch ra cho toàn khối…
Hàng năm, việc thực thi Kế hoạch Hành động này được rà soát theo ba nội dung chính: Cập nhật những thay đổi về tình hình và cơ chế quản lý hiện tại trong các lĩnh vực cam kết; Tổng kết lại các cam kết trong kế hoạch ngắn hạn mà Việt Nam đã thực hiện, những nội dung chưa thực hiện được hoặc chưa hoàn thiện theo như cam kết ban đầu; Và nghiên cứu, đưa ra những bổ sung cần thiết để thực hiện đầy đủ các cam kết trước đây và đưa ra các kế hoạch triển khai trong thời gian tiếp theo nhằm thực hiện mục tiêu tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại.
Diễn đàn thường niên về Tài chính Toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017
Với chủ trương của Chính phủ về tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với các nền kinh tế thành viên APEC, cùng với việc thực hiện các cam kết song phương và đa phương về đầu tư, Việt Nam đã công bố và cập nhật thường xuyên Kế hoạch Hành động về tự do hóa đầu tư và thuận lợi hóa thương mại trong APEC.
Việc thúc đẩy Kế hoạch là một tín hiệu tích cực gửi đến cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế, mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. So với nhiều lĩnh vực, độ mở và tiến độ thực hiện các cam kết về tự do hóa và mở cửa thị trường trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam là khá tích cực. Từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm hợp tác và đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan hệ hợp tác song phương với các nền kinh tế APEC trong lĩnh vực ngân hàng đã, đang được triển khai mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiêu sâu. NHNN đã chủ động, tích cực xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác song phương với các Ngân hàng Trung ương (NHTW), cơ quan quản lý tiền tệ, tổ chức tài chính của nhiều nền kinh tế APEC thuộc khu vực ASEAN (như Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan); khu vực Đông Bắc Á (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); các nước châu Âu (như Liên bang Nga), châu Đại Dương (như Úc, New Zealand); và châu Mỹ (như Mỹ, Canada) nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
NHNN cũng đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác về trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng với cơ quan quản lý ngân hàng của các nền kinh tế APEC để tăng cường năng lực thanh tra giám sát đối với các định chế tài chính. Ngoài ra, NHNN ký kết các văn bản hợp tác kỹ thuật, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan quản lý các nền kinh tế APEC để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm và thông tin của các cơ quan này cho quá trình phát triển hệ thống ngân hàng, tài chính trong nước.
Đặc biệt, trong tiến trình hợp tác APEC đa phương, NHNN phối hợp cùng Bộ Tài chính tham gia các hoạt động hợp tác trong Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP). Đây vốn là diễn đàn hợp tác APEC về tài chính - ngân hàng được khởi nguồn vào năm 1994 tại Honolulu, Mỹ và được thực hiện theo 3 cấp từ thấp đến cao là cấp quan chức cấp cao, cấp thứ trưởng và cấp bộ trưởng.
Việc hợp tác trong khuôn khổ FMP được thực hiện hàng năm thông qua: Các chủ đề hợp tác - các vấn đề nước chủ nhà APEC quan tâm và ưu tiên hợp tác trong năm và thông thường mỗi năm sẽ có từ 3 - 4 chủ đề; Các sáng kiến hợp tác – những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa chủ đề hợp tác của năm, bao gồm các hội thảo, các nghiên cứu với kết quả đầu ra là báo cáo, khuyến nghị chính sách hoặc một cơ chế hợp tác mới có sức lan tỏa trong các nền kinh tế thành viên APEC.
Từ APEC 2015, đặc biệt là sau khi các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Kế hoạch Hành động Cebu (CAP) tại Phillipines đưa ra định hướng hợp tác của FMP đến năm 2025 thì việc tham gia của các NHTW trong các chủ đề/sáng kiến hợp tác tài chính APEC ngày càng trở nên đa dạng và sâu sắc. CAP về tài chính - ngân hàng bao gồm bốn lĩnh vực: Thúc đẩy hội nhập tài chính; tăng cường cải cách và minh bạch tài khóa; Cải thiện bền vững tài chính; và đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng tài chính. Trong mỗi lĩnh vực này, hàng năm sẽ có các chủ đề hợp tác cụ thể do nước chủ nhà đề xuất.
Là nước chủ nhà của APEC năm nay, Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC và các đối tác quốc tế về bốn chủ đề ưu tiên trong Tiến trình hợp tác FMP năm 2017, bao gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Và Tài chính toàn diện.y
(Kỳ II: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và dấu ấn “Tài chính Toàn diện”)
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024