03.08.2015 09:25

Thông tư số 10/2015/TT-NHNN Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách...

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN là (i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; (ii) Tổ chức, cá nhân được vay vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

NHNN thực hiện hỗ trợ nguồn vốn đối với các TCTD cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ theo quy định hiện hành, bao gồm: Tái cấp vốn đối với các TCTD cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chính sách hỗ trợ khác.

Tại Điều 4 của Thông tư này cũng quy định cụ thể về việc cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới. Theo đó, khách hàng quy định tại khoản 1 Điều 12, khoản 13 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được TCTD chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện 01 lần đối với một khoản nợ kể từ thời điểm Thông tư số 10/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành. TCTD cũng xem xét cho vay mới để phục hồi sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi. Ngoài ra, căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, TCTD xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm của các khoản cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tối đa bằng 100% so với tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm tương ứng của khoản cho vay lĩnh vực khác. TCTD quyết định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm của khoản vay trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản báo đảm đó nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Bên cạnh đó, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN cũng nêu rõ hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nơ, xóa nợ đối với trường hợp khách hàng bị thiệt hại về tài sản do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng; trách nhiệm cụ thể của TCTD, các đơn vị thuộc NHNN.

Thông tư số 10/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2015. Thông tư này thay thế Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của NHNN hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

SBV/VNBA

Các tin liên quan