18.06.2009 14:21

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ giám sát chặt chẽ luồng tiền cung ra thị trường

 
Mặc dù chính sách chống suy giảm kinh tế đang được ưu tiên, nhưng NHNN vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền.
Mặc dù chính sách nới lỏng tiền tệ đang được ưu tiên, nhưng đó là nới lỏng một cách thận trọng. Các biện pháp giám sát luồng tiền cung ra thị trường được tiến hành gắt gao, để đảm bảo tiền đến đúng địa chỉ.

Trao đổi với báo giới ngày 17.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định như trên.

Chưa có dấu hiệu bất ổn


Song hành với gói giải pháp kích cầu của Chính phủ là hiện tượng nóng lên nhanh chóng của thị trường chứng khoán (TTCK) và mới đây là thị trường nhà đất. Liệu có khả năng dòng tiền hỗ trợ sản xuất lại chảy qua các kênh đầu cơ ngắn hạn? Nếu hiện tượng đó xảy ra, vấn đề phát sinh không chỉ ở chỗ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất không đi đến đúng địa chỉ, mà còn tạo nên nguy cơ rủi ro cao.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, quy chế kiểm soát tín dụng đang được áp dụng từ 8 năm nay là theo chuẩn mực quốc tế: "Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm kiểm soát tín dụng của mình. Chúng tôi thấy diễn biến tăng trưởng tín dụng vừa rồi tác động mạnh mẽ nhất là gói hỗ trợ lãi suất. Việc cho vay thỏa thuận với một số đối tượng tiêu dùng, cho vay phát hành thẻ cũng được triển khai, nhưng luồng tiền theo kiểm soát quy chế này chưa thấy có gì bất ổn".

Đại diện NHNN cũng cho biết ngay chiều ngày 17.6, sẽ có quyết định phân công Thống đốc, phó thống đốc kiểm tra các đoàn kiểm tra. NHNN cũng sẽ kiểm tra trên diện rộng đối với 3 lĩnh vực chính: Quản lý ngoại hối, hỗ trợ lãi suất và an toàn hoạt động tín dụng.

Kiểm soát cung tiền, khống chế lạm phát


Chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ lãi suất đang cung một lượng lớn tiền ra lưu thông và làm dấy lên các lo ngại về tái lạm phát. Đại diện NHNN cho biết, cũng đã nhận được nhiều khuyến cáo phải tính ngay đến chuyện dừng các chính sách hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, nguyên nhân của rủi ro lạm phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ là vốn hỗ trợ không đến đúng mục tiêu và không hiệu quả. Do đó, kiểm tra giám sát thực hiện giải ngân vốn kích cầu là nhiệm vụ NHNN sẽ triển khai thực hiện mạnh.

"Nếu có thay đổi gì trong chính sách thì cũng không thể tạo nên một "cú sốc lãi suất". Mức hỗ trợ 4% hiện là rất lớn, nên không thể chấm dứt hoàn toàn một cách cơ học tại một thời điểm. NHNN sẽ có phương án, có lộ trình "giảm sốc" và phối hợp các biện pháp khác như thuế" - Thống đốc cho biết.

Theo số liệu của NHNN, định hướng điều hành 6 tháng cuối năm 2009 là kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 30%. Số liệu ước tính 6 tháng đã cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,36% và tăng trưởng tín dụng đạt 17%. "Năm 2009 có đặc thù là vòng quay tín dụng chậm hơn bình thường, nên NHNN đã báo cáo Chính phủ khống chế ở mức 30%. Mặc dù chính sách chống suy giảm kinh tế đang được ưu tiên, nhưng NHNN vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền.

Đến tháng 5.2009, mới thực hiện có 43% chỉ tiêu Chính phủ phê duyệt và hiện vẫn còn xấp xỉ 40%. Chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, nhưng phải nới lỏng, một cách thận trọng và phù hợp với chính sách vĩ mô, chứ không tung một lượng tiền ra để tác động mạnh mẽ cho thị trường" - Thống đốc khẳng định.

Liên quan đến nguy cơ lạm phát, đại diện NHNN nhấn mạnh, ngoài giám sát dòng tiền hỗ trợ lãi suất, kích cầu, một trong những trọng tâm nữa là kiểm soát hoạt động đầu cơ hàng hóa.
Theo Báo Lao động

Các tin liên quan