01.11.2017 15:51

Thêm bước tiến cho tín dụng tiêu dùng

Đi cùng với quá trình tạo lập khung pháp lý cho thị trường tài chính tiêu dùng là hoạt động truyền thông về các vấn đề liên quan đến tài chính tiêu dùng. 

 

Trong ba năm 2015-2017 vừa qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có sự phát triển vượt bậc nhờ đòn bẩy tín dụng. Nếu như năm 2011 dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 160,35 nghìn tỷ đồng, đến cuối năm 2015 đã lên mức 583 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống các TCTD hiện đã lên đến 886 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng so với tổng dư nợ nền kinh tế cũng có mức tăng 6% năm 2011 lên 11,4% năm 2016. Cơ cấu trên thị trường thay đổi đáng kể, nếu như năm 2011 cho vay tiêu dùng chủ yếu thuộc về các NHTM, thì đến nay còn sự góp mặt đáng gờm của các công ty tài chính. Tỷ trọng cho vay nhóm công ty tài chính trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng từ mức dưới 1% năm 2011 đến nay chiếm khoảng trên 12%.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh như vậy? Phải thừa nhận rằng, nền kinh tế hội nhập đã góp phần làm thay đổi thói quen người tiêu dùng của Việt Nam. Làm gia tăng nhu cầu vay tiền cho mục đích tiêu dùng đối với những mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt. Nhưng điều đó là chưa đủ, điểm nhấn cho sự đột phá này chính là quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường. Theo đó, từng bước tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về pháp lý cho hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng trong quá trình hoạt động. Đồng thời một khuôn khổ pháp lý tương đối phù hợp cho sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng cũng đã chính thức được thiết lập.

Trong đó, đáng kể nhất là quy định cho vay tiêu dùng và gần đây nhất NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng. Theo đó, cần phân biệt rõ giữa hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Cùng với đó Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là bước hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường tài chính tiêu dùng. Sự ra đời của các quy định mới đây đã cho phép đơn giản hóa một số thủ tục cho vay.

Trong đó khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống không cần xây dựng phương án, dự án, mà chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân về việc sử dụng vốn của khách hàng. Đi cùng với quá trình tạo lập khung pháp lý cho thị trường tài chính tiêu dùng là hoạt động truyền thông về các vấn đề liên quan đến tài chính tiêu dùng. Việc thông tin về tín dụng tiêu dùng được thực hiện dưới nhiều hình thức nhằm giúp người dân hiểu được vay tiêu dùng và quản lý tài chính cá nhân, để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay. NHNN cũng đã quy định các công ty tài chính, NHTM phải niêm yết minh bạch, rõ ràng điều kiện vay vốn, lãi suất vay để tránh người dân hiểu không đúng về hoạt động cho vay tiêu dùng.  

Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, so với nhu cầu tiêu dùng và mức độ phát triển thị trường tài chính tiêu dùng trên thế giới thì thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn nhỏ bé. Cơ cấu thị trường còn chưa cân đối, thị phần cho vay tiêu dùng vẫn tập trung phần lớn ở một vài công ty tài chính và các NHTM. Hiện có 4/16 công ty tài chính đang chiếm 80% thị phần cho vay của công ty tài chính tiêu dùng.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển bền vững còn rất nhiều thách thức phải đối mặt. Trong đó phải kể tới sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và sự ra đời ngày càng đa dạng các sản phẩm tài chính tiêu dùng, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 theo nguyên tắc thuận lợi, nhanh và bảo mật. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa khung pháp lý cho phù hợp với những xu hướng mới và diễn biến mới của thị trường tài chính tiêu dùng. 

Theo Thời báo Ngân hàng 

Các tin liên quan