28.05.2019 08:04

Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh

“Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%” là mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Nhiều NHTM đang nỗ lực triển khai ứng dụng ngân hàng số, thúc đẩy TTKDTM 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, chi phí hợp lý.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) (Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016) và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018).

Đồng thời, NHNN đã có văn bản số 2198/NHNN-TT ngày 29/3/2019 chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công…

Nhờ đó, hoạt động thanh toán tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng. Đặc biệt, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) - hệ thống xương sống của nền kinh tế tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử liên ngân hàng trong toàn quốc. Hết quý I/2019, hệ thống IBPS đã xử lý 37 triệu giao dịch tương ứng với giá trị 20 triệu 691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018).

Đến cuối tháng 3/2019, trên toàn quốc có 18.668 ATM và 261.705 POS. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong quý I/2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ...

“Cũng trong quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng gần 70% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018. TTKDTM trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Tính đến nay, hệ thống IBPS đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh; đã có khoảng 50 chi nhánh NHTM hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố”, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin.

Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, chỉ đơn cử dịch vụ thẻ và ebanking là hai trong số các dịch vụ có yếu tố “số hoá” khá cao nhưng rất nhiều nhà băng phải loay hoay hàng chục năm, phát hành ra rất nhiều thẻ, mở nhiều user ebanking nhưng tỷ lệ sử dụng thanh toán còn thấp. Chính bởi vậy để thay đổi tư duy, thói quen đó của khách hàng thì từng ngân hàng cũng phải tìm cách để có sự hấp dẫn và gần gũi hơn với khách hàng.

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc chuyển đổi Techcombank cũng nhận thấy, cùng với sự tiện ích thì giá trị cộng thêm sẽ giúp khách hàng thẻ thay đổi thói quen, giảm dần giao dịch tiền mặt từ ATM để chuyển sang giao dịch thanh toán hàng hoá dịch vụ, tăng cường gắn kết giữa ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Để thúc đẩy TTKDTM tăng tốc, thì đòi hỏi phải có sự đồng bộ về nền tảng công nghệ. Đối với các nhà băng, chính là chiến lược triển khai ngân hàng số. Như Vietcombank đã thành lập Ban triển khai và đang nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân hàng số, bước đầu phát triển và cung ứng cho khách hàng nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại (VCBPay, QR code…). Một trong 8 mục tiêu chiến lược được Vietcombank đề ra trong Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh: Giải pháp trọng tâm đặt ra là hướng tới trở thành ngân hàng đi đầu trong hệ thống về chuyển đổi số và áp dụng dịch vụ ngân hàng số, là ngân hàng phục vụ Chính phủ điện tử. Vietcombank cũng đã đề xuất Chính phủ xem xét cho phép Vietcombank là ngân hàng thí điểm phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu xây dựng các giải pháp TTKDTM tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho các công dân, tổ chức.

Một trường hợp khác như MB, khi xác định tầm nhìn phấn đấu “trở thành ngân hàng thuận tiện nhất”, nhà băng này đã triển khai đồng bộ và quyết liệt 4 chuyển dịch chiến lược, trong đó có ngân hàng số.

Theo CEO của nhà băng này, bên cạnh việc chú trọng số hoá, tự động hoá các khâu trong phục vụ khách hàng, MB tập trung tăng cường năng lực kinh doanh số, tổ chức kinh doanh trực tiếp trên kênh số và kênh đối tác chiến lược, bán chéo trên kênh truyền thống; tái cấu trúc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp hệ thống quản lý quy trình BPM phục vụ chuyển dịch số… 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan