01.08.2012 00:00

Thanh Hóa - Hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND cơ sở

Trong những năm gần đây hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thử thách. Song, với sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, cùng với nỗ lực của các QTDND và kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành nên hoạt động QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động, trở thành một bộ phận kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của địa phương.


Những kết quả đã đạt được của hệ thống QTDND trong những năm qua chứng tỏ đây là một loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn nông nghiệp nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 66 QTDND cơ sở, trong quá trình hoạt động, các QTDND đã từng bước vươn lên, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa phương thức huy động vốn đáp ứng phát triển KT-XH trên các địa bàn, kết quả kinh doanh hàng năm luôn tăng trưởng, ổn định, năm sau cao hơn năm trước (tăng 15%). Đến đầu tháng 6-2012 nguồn vốn huy động của hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng 24,1% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm.

Bên cạnh đó với chức năng của mình, Chi nhánh QTDND Trung ương Thanh Hóa đã linh hoạt vận dụng các cơ chế điều hòa tiền tạm thời nhàn rỗi của các QTDND cơ sở gửi tại chi nhánh một cách phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho những quỹ cơ sở khi có nhu cầu gửi vốn, vay vốn với số lượng tiền lớn. Chi nhánh đã chủ động cho xe chuyên dụng hỗ trợ cho quỹ cơ sở, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ các quỹ cơ sở nắm bắt quy luật theo mùa vụ, đưa ra những dự báo sát về tình hình tiền tệ trong những tháng cuối năm, cân đối nguồn vốn để bảo đảm khả năng chi trả cho hệ thống.

Dư nợ cho vay của hệ thống QTDND chiếm khoảng 4,5% thị phần tín dụng trên địa bàn và vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 70%, vốn cho vay của QTDND cơ sở tập trung phục vụ phát triển nông nghiệp, mở mang ngành nghề, xây dựng nông thôn mới và một phần vốn cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, giải quyết tốt an sinh xã hội, góp phần khá quan trọng vào việc ổn định chính trị, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.

Kết quả đạt được của hệ thống QTDND cơ sở đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Đến nay tất cả các QTDND cơ sở đều có trụ sở hoạt động khang trang và từng bước được nâng cấp cơ sở vật chất công nghệ tin học, hầu hết các quỹ đã vượt qua những khó khăn ban đầu, hoạt động có lãi và có tích lũy đầu tư vào cơ sở vật chất nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, bảo đảm được khả năng thanh toán và chi trả. Đặc biệt, trong những tháng qua, một số QTDND đã vươn lên mở rộng quy mô, mở rộng địa bàn hoạt động. Mặt khác, các QTDND đã nghiêm túc triển khai các quyết định về lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam tại từng thời kỳ do NHNN quy định. Nhờ đó, hoạt động của QTDND cơ sở ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và phục vụ thành viên tốt hơn, đồng thời các QTDND cơ sở đã xây dựng được đội ngũ cán bộ bước đầu đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và phát triển an toàn, bền vững. Điển hình như các QTDND: Định Tường (Yên Định), Quảng Ngọc (Quảng Xương), Ngư Lộc (Hậu Lộc), thị trấn Triệu Sơn...

Những tháng cuối năm 2012, tình hình kinh tế được dự báo chưa hết những khó khăn, hệ thống QTDND sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiệm vụ của hệ thống rất nặng nề, cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa của tất cả các quỹ cơ sở và sự đồng tình, ủng hộ và quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cấp ủy, chính quyền các địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp và môi trường thuận lợi cho hoạt động hệ thống QTDND, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển KT-XH, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương...

Sự phát triển ổn định của các QTDND cơ sở đã trở thành một kênh cung ứng vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cùng với những kinh nghiệm đối phó với diễn biến bất lợi của thị trường, những thách thức, khó khăn trong hoạt động tín dụng thời gian qua, tin rằng hệ thống QTDND cơ sở sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Thanh Hóa online

Các tin liên quan