Ninh Giang là một huyện nông nghiệp, có 28 xã – thị trấn, dân số 152 nghìn người, trong đó 90% dân số sống tại nông thôn, 75% làm nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 5 tổ chức ngân hàng, 03 QTDND đang hoạt động, tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 6/2013 là 1183 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt khoảng 900 tỷ đồng trong đó 03 QTDND vốn huy động hết tháng 6/2013 khoảng 202 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 173 tỷ đồng. 3 Quỹ hoạt động trên địa bàn 10 xã, 1 xã là địa bàn mở rộng của đơn vị huyện bạn (Xã Quang Khải – Tứ Kỳ).
Các QTDND huyện Ninh Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1996 và đều nằm trong giai đoạn thí điểm. Do vậy, không tránh khỏi những tồn tại, khó khăn như thành viên các quỹ còn quá ít (30 thành viên/quỹ), cán bộ vừa thiếu vừa yếu, thực hiện nhiệm vụ huy động vốn nhiều khi còn sử dụng sai mục đích, sai địa chỉ quá nhiều, địa bàn hoạt động gói gọn trong 1 xã, cho nên phát triển thành viên, tăng huy động vốn rất khó khăn. Đặc biệt là nhận thức của cấp Ủy, chính quyền và nhân dân về mô hình QTDND còn rất hạn chế.
Thực hiện đề án “củng cố chấn chỉnh hoạt động QTDND”, đặc biệt là quán triệt và thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 của Bộ chính trị về “củng cố, hoàn thiện và phát triển QTDND” thì các cấp ủy, đảng chính quyền trong huyện Ninh Giang có sự thay đổi nhận thức rất toàn diện, chúng tôi xác định và đánh giá cao vai trò của các QTDND, tránh hiểu lầm như các hợp tác xã tín dụng trước đây. Do vậy, huyện ủy - UBND huyện Ninh Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã có QTDND phải khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa các quỹ theo đánh giá của UBND tỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng phương hướng nhiệm vụ củng cố, hoàn thiện quỹ theo tinh thần Chỉ thị 57 của Bộ chính trị và Chỉ thị 28 của tỉnh ủy Hải Dương. Huyện ủy, UBND huyện đã yêu cầu Đảng ủy xã có các quỹ hoạt động phải xây dựng nghị quyết chuyên đề của lãnh đạo.
Từ quan điểm lãnh đạo trên, trong thời gian ngắn, hoạt động của 3 quỹ đã có bước tiến nhanh, tổ chức đã thay đổi, chất lượng cán bộ được nâng lên. Từ những cán bộ có tâm huyết, tuổi cao được thay thế bằng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đến nay 100% cán bộ có trình độ trung cấp đến Đại học chuyên ngành ngân hàng hoặc tài chính. Thành viên các quỹ từ 130 người đến nay đã tăng lên 5.357 người. Từ địa bàn một quỹ đến nay đã hoạt động trên địa bàn 10 xã, từ vốn huy động ban đầu đạt khoảng 40 triệu đồng đến nay huy động được 202 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng 173 tỷ đồng, phục vụ ban đầu của các quỹ là huy động vốn giúp đỡ tành viên phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay thành viên đã phát triển thêm ở nhiều thành phần kinh tế, phục vụ đa dạng hơn về phát triển kinh tế xã hội. Trụ sở giao dịch trước đây là đi thuê, đi mượn đến nay 3 quỹ đã có các trụ sở chính khang trang, thể hiện rõ là đơn vị kinh doanh tiền tệ có khả năng cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khác. Hình thức phục vụ cũng đa năng hơn, từ chỉ huy động vốn và cho vay đến nay có thể còn làm thêm chức năng chuyển tiền. Đặc biệt quan trọng là các quỹ đã thực hiện công tác tin học rất hiệu quả, báo cáo nhanh, kiểm tra kiểm soát nhanh hiệu quả.
Công tác báo cáo với cấp ủy, chính quyền xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo được các quỹ coi trọng. Do vậy, công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền hỗ trợ giúp các quỹ xác định đối tượng, đôn đốc đối tượng vay vốn, trả nợ tương đối tốt, không có nợ quá hạn nợ xấu.
Với vấn đề mở rộng địa bàn, pháp triển thành viên. Đây là nội dung phát triển, hoàn thiện quỹ rất khó khăn và hệ trọng. UBND huyện rất coi trọng chất lượng cán bộ quản lý điều hành của các quỹ, công tác kiểm tra giám sát của ngân hàng Nhà nước, công tác chuẩn bị cán bộ địa bàn mới. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền về hoạt động của QTDND và địa điểm giao dịch của từng xã. Chúng tôi xác định địa bàn nào có đủ điều kiện với các nội dung nêu trên thì cho mở rộng hoạt động của quỹ đến địa điểm mới. Kết quả các xã được QTDND mở rộng đến hoạt động khá hiệu quả, bộ máy gọn nhẹ, chất lượng cán bộ được tuyển chọn chất lượng hơn, trách nhiệm cán bộ tín dụng được nâng cao, giải quyết được nhiều việc làm; nhận thức và năng lực cấp ủy, chính quyền về kinh tế dịch vụ có quyền chuyển biến toàn diện, trách nhiệm cao vì chúng tôi chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo địa phương nên tham gia vào thành viên của các quỹ vừa bảo đảm được công tác lãnh đạo, vừa tăng thu nhập từ tiết kiệm vốn của gia đình.
Với những kết quả đó, Ninh Giang rất vinh dự được UBND tỉnh và Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương đánh giá là đơn vị làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các QTDND, đặc biệt QTDND xã Hồng Thái liên tục là đơn vị dẫn đầu tỉnh với vốn huy động hiện nay là 82 tỷ đồng, dư nợ cho vay 74 tỷ đồng, hoạt động trên địa bàn 5 xã và đã được Hiệp hội QTDND Việt Nam tặng 2 giải thưởng Bông lúa vàng 1 cho tập thể, 1 cho cá nhân trên địa bàn.
Phát huy kết quả nêu trên, huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang trong thời gian tới vẫn phải thường xuyên thực hiện nghiêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, các chính sách mới của Nhà nước cụ thể như sau:
Một là: Yêu cầu UBND các xã - thị trấn, các QTDND phải thực hiện nghiêm Nghị định 41/2010/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện cho các thành viên của Quỹ vay vốn với cơ chế chính sách thông thoáng của Nhà nước.
Hai là: Yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã có các quỹ hoạt động được thực hiện ký giao dịch đảm bảo với quan điểm tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Ba là: Đối với quỹ có nguyện vọng mở rộng địa bàn phải thực hiện đầy đủ các điều kiện về quản lý, về nhân lực phải chất lượng, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an toàn vốn huy động và giải ngân nguồn vốn vay. Đặc biệt là đảm bảo chế độ cho cán bộ của các quỹ.
Bốn là: Đảng ủy, chính quyền các xã có quỹ hoạt động phải thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát, xác minh tài sản, hỗ trợ huy động vốn, đôn đốc trả nợ vốn. Trong công tác lãnh đạo cần quan tâm đến công tác phát triển Đảng viên tại các quỹ, phấn đấu mỗi QTDND có 1 chi bộ, có như vậy mới thực hiện toàn diện công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và chính quyền đối với các quỹ.
Năm là: Thực hiện công tác giao ban với các QTDND, hàng quý có sự tham gia của chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh để thống nhất công tác chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, khắc phục khó khăn do thực tế đặt ra, tạo điều kiện cho các Quỹ hoạt động hiệu quả.
Với tầm quan trọng của các QTDND ở khu vực nông thôn là rất cần thiết, với hội nghị quan trọng này chúng tôi đề nghị lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng hợp tác xã quan tâm về cơ chế chính sách, về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, để quỹ hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn./.