"Thời điểm cuối năm, việc huy động vốn không dễ dàng, do đó, khả năng tăng trưởng tín dụng như đầu năm của các ngân hàng thương mại là khó diễn ra"
Không ít ý kiến cho rằng, nên dừng hỗ trợ lãi suất vì không nên tiếp tục bao cấp giá vốn, tạo nên sự ỷ lại cho doanh nghiệp, đồng thời tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Nhưng vì sao Nhà nước vẫn tiếp tục kéo dài hỗ trợ lãi suất? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói:
- Hiện nay, các đánh giá chính thống đều chung nhận định rằng: cơ chế hỗ trợ lãi suất vừa qua đã đạt được mục tiêu góp phần duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, an toàn hệ thống ngân hàng.
Nhưng bên cạnh đó, do tình hình sản xuất chung vẫn còn khó khăn, hơn nữa, chủ trương của Chính phủ trong năm 2010 là tập trung các giải pháp kích thích kinh tế nên việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất là cần thiết. Tuy nhiên, đợt hỗ trợ này chủ yếu tập trung vào khoản vay trung - dài hạn cho sản xuất, hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chỉ kéo dài hết quý 1/2010 và mức hỗ trợ cũng giảm xuống 2%/năm.
Để ngăn ngừa suy giảm kinh tế, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại lựa chọn giải pháp hỗ trợ lãi suất thay vì hành động như ngân hàng trung ương các nước khác?
Phải thấy rằng, trong số các gói kích thích kinh tế của các nước thực hiện vừa qua, chính sách tài khoá đóng vai trò cơ bản và quan trọng, chính sách tiền tệ hỗ trợ để ổn định kinh tế vĩ mô và tránh sự sụp đổ hệ thống ngân hàng.
Chẳng hạn, một số ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn xuống mức 0% - 1% /năm cho các ngân hàng thương mại vay để làm giảm lãi suất liên ngân hàng và gián tiếp giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhưng doanh nghiệp nước họ vẫn phải vay với lãi suất cao bởi rủi ro tín dụng tăng lên.
Ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố lãi suất tái cấp vốn từ 0% - 0,25%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay thương mại với lãi suất từ 6% - 6,6%/năm, thậm chí còn cao hơn trước khủng hoảng.
Với Việt Nam thì sao? Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và đề xuất phương án hạ lãi suất cơ bản, tái cấp vốn xuống mức thấp (dưới 7%/năm) để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhưng không có tính khả thi.
Bởi lẽ, khi đó lãi suất huy động thấp hơn lạm phát và không phù hợp cung - cầu vốn thị trường. Cũng có một số ý kiến khác cho rằng, nên hạ lãi suất cơ bản xuống, đồng thời hạ lãi suất huy động tiền gửi để có thể hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Quan sát hình thức thì có vẻ dễ chấp nhận nhưng nếu xem xét kỹ về tập quán, thu nhập bình quân và đặc điểm của nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thì thấy rằng, phần lớn chúng được hình thành nhờ tuyệt đại bộ phận người dân, cán bộ tích lũy được để gửi vào tiết kiệm. Vì thế, trong bất cứ một giải pháp nào, Ngân hàng Nhà nước cũng phải giải quyết hài hòa quyền lợi người gửi tiền và người vay tiền.
Với lựa chọn giải pháp tăng khối lượng tiền cung ứng thì không thể thực hiện bởi bài học nhãn tiền từ năm 2007 do lượng tiền trong lưu thông tăng đột biến, từ đó xảy ra hàng loạt hệ lụy như thị trường tiền tệ, ngoại hối bất ổn, lãi suất hai chiều giảm đột biến, làm tăng giá cả thị trường và không loại trừ hiện tượng bong bóng chứng khoán và bất động sản.
Từ những phân tích trên, có thể thấy giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng là hoàn toàn phù hợp và có hiệu quả.
Hiện đang có lo ngại tăng trưởng nóng dư nợ tín dụng trước ngày 31/12/2009 để được hưởng mức hỗ trợ 4% - chênh lệch 2% so với mức hỗ trợ 2% trong quý 1/2010. Thống đốc nhận định vấn đề này như thế nào?
Mặc dù những tháng cuối năm nhu cầu tín dụng tăng nhưng tôi khẳng định không có khả năng ào ào xin vay vốn vì muốn vay được, bên vay phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường do các ngân hàng thương mại đưa ra theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, trong bối cảnh không ít doanh nghiệp đang có lượng tồn kho hàng hóa cao, sẽ chẳng bao giờ có chuyện vì 2% hỗ trợ lãi suất để vay thêm tiền trong khi nhu cầu vốn không cao.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động tín dụng trái với pháp luật, nhằm tập trung vốn cho khu vực sản xuất có nhu cầu vốn thực sự.
Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, “room” dư nợ tín dụng của họ đã vượt quá 30% nhưng kế hoạch lợi nhuận của họ chưa đạt, trong khi nhu cầu vay vốn vẫn cao, liệu Ngân hàng Nhà nước có nới hạn mức cho các ngân hàng thương mại?
Hết 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 29,3%, dự kiến cả năm có thể vượt quá 30%. Với hạn mức này hiện nay là tương đối phù hợp vì điều hành chính sách tiền tệ phải đặt trong mối tương quan vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa phải ngăn ngừa tái diễn lạm phát.
Hơn nữa, thời điểm cuối năm, việc huy động vốn không dễ dàng, do đó, khả năng tăng trưởng tín dụng như đầu năm của các ngân hàng thương mại là khó diễn ra.