Theo đặc thù của QTDND, các tháng 6,7,8 trong năm luôn có số dư thấp nhất về cho vay, song đây cũng là thời điểm số dư tiền gửi của QTDND về Ngân hàng Hợp tác (NHHT) dồi dào nhất… Và giữa khoảng lặng “bình yên” này, có thể nhìn rõ hơn hoạt động tương tác của NHHT vai trò là NH của hệ thống QTDND.
Cho vay hợp vốn cũng được nhiều chi nhánh dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong quý IV
Điểm tựa phát triển hệ thống
Thành lập năm 2017 với hơn 2 năm hoạt động, song QTDND Tân Sơn đã khẳng định được vị thế của một mô hình HTX kinh doanh tiền tệ tín dụng có sự hỗ trợ của NHHT Chi nhánh Hà Nam. Có mặt từ ngày sơ khởi, NHHT đã hỗ trợ quỹ hoàn thiện các quy trình thủ tục cần thiết để xin NHNN cấp phép cũng như hỗ trợ nghiệp vụ để ngay khi thành lập quỹ có thể hoạt động trôi chảy, thuận lợi.
Chủ tịch HĐQT QTDND Tân Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết, những ngày đầu thành lập, vốn của quỹ ít, huy động từ thành viên đạt thấp. Thời điểm đó, NHHT cho vay đến 70% nguồn vốn của quỹ. Thời điểm sau khi quỹ đi vào hoạt động 6 tháng, nguồn vốn của quỹ là 3,5 tỷ đồng, thì NHHT cho quỹ vay 5 tỷ đồng. Trước đó, ngay từ tháng thứ 3 đi vào hoạt động, NHHT đã triển khai sản phẩm cho vay hợp vốn để vừa hỗ trợ quỹ mở rộng cho vay thành viên, nâng cao uy tín và niềm tin trong dân, vừa hỗ trợ các cán bộ nhân viên quỹ nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoàn thiện quy trình cho vay, thẩm định rủi ro.
Chủ tịch và giám đốc quỹ vẫn nhớ khoản vay hợp vốn lớn nhất để hỗ trợ thành viên Phan Văn Điệp kinh doanh vật liệu xây dựng với mức 500 triệu đồng, đến nay, khách hàng đã trả hết và tái tục vay quỹ 500 triệu để làm vốn lưu động kinh doanh. Ngay cả hiện nay, NHHT vẫn tận tâm hỗ trợ quỹ cho vay hợp vốn kể cả những món vay nhỏ đến 70 triệu đồng. Hiện dư nợ cho vay hợp vốn của NHHT Chi nhánh Hà Nam và quỹ đạt 5,79 tỷ đồng.
Ngoài ra NHHT đang cho quỹ vay vốn điều hòa 13,3 tỷ đồng. Những trợ lực của NHHT đã giúp quỹ đưa tăng trưởng dư nợ đến cuối tháng 6/2019 đạt 48 tỷ đồng và đã có lãi từ năm 2018. “Ngay cả việc NHHT luôn duy trì thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay tại các QTDND có dư nợ cũng mang lại lợi ích khi chỉ ra cho quỹ những điểm cần hoàn thiện hơn về mặt hồ sơ pháp lý, đảm bảo tính an toàn trong công tác tín dụng”, ông Chỉnh cho biết.
Với những quỹ không có dư nợ thường xuyên tại NHHT, mối liên kết cũng không vì thế mà suy giảm. Giám đốc NHHT Hà Nam cho biết, các quỹ này vẫn thường có nhu cầu hỗ trợ thanh khoản tạm thời khoảng vài trăm triệu đồng với thời gian vay dài nhất là 2 tháng.
Hay như ở Thanh Hóa hồi đầu tháng 4/2019, có QTD lâm vào cảnh khó khăn khi bị tung tin sắp phá sản khiến thành viên thi nhau đến rút tiền, ngày rút 500 – 700 triệu, chỉ trong mấy ngày tháng 4/2019 rút hơn 10 tỷ đồng. Trước tình hình đó, sự vào cuộc của NHNN cùng chi nhánh NHHT và chính quyền địa phương đã góp phần đẩy lùi tin đồn. Cùng với đó, NHHT cho vay hỗ trợ thanh khoản để quỹ dần lấy lại niềm tin và hiện đã ổn định hoạt động trở lại với nguồn vốn không chỉ đủ để mở rộng tín dụng mà còn dư thừa gửi vào NHHT.
Cùng với đó, NHHT đã kịp thời cho vay mở rộng tín dụng theo Quy chế điều hòa vốn, hỗ trợ hoạt động của QTDND làm ăn hiệu quả, hoạt động an toàn (QTDND Nghĩa Hồ, Bắc Giang); Cho vay QTDND đang trong giai đoạn củng cố, chấn chỉnh, phục hồi như QTDND Trung Chính (Thái Bình).
Đặc biệt, với việc triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06 của Thống đốc NHNN và Đề án tái cơ cấu hệ thống QTDND mà NHNN vừa phê duyệt hồi đầu năm, công tác đào tạo được NHHT đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc NHHT phối hợp với Hiệp hội QTDND và các trường tổ chức đào tạo nghiệp vụ, tại các địa phương, các chi nhánh cũng chủ động phối hợp cùng NHNN, Liên minh hợp tác xã tỉnh để mở các lớp nghiệp vụ theo chuyên đề theo nhu cầu thực tế của các quỹ. Cùng với các hoạt động giao lưu khác, mối tương tác và liên kết giữa NHHT và QTDND nhiều tỉnh ngày càng mật thiết gắn bó, góp phần tạo dựng uy tín cho hệ thống QTDND trong nhân dân và trong các cấp chính quyền tỉnh.
Không để thiếu vốn hỗ trợ thành viên
Báo cáo của NHHT cho thấy đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn hoạt động của NHHT là 35.120 tỷ đồng, tăng 4,14% so với 31/12/2018, trong đó vốn chủ sở hữu là 3.941 tỷ đồng, tăng 4,75%. Tiền gửi điều hoà QTDND là 19.160 đồng, tăng 4.254 tỷ đồng, tăng 28,54%.
Tổng sử dụng vốn đến 26/6/2019 là 35.120 tỷ đồng, tăng 4,14% so với 31/12/2018. Tổng dư nợ cho vay là 22.869 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các QTDND là 5.640 tỷ đồng, giảm 24,09% chủ yếu là do yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, chức trách nhiệm vụ của NHHT đối với hệ thống QTDND vẫn được đảm bảo trong 6 tháng đầu năm thông qua công tác điều hoà vốn, tiếp tục triển khai hiệu quả các sản phẩm cho vay đặc biệt là cho vay hợp vốn và cho vay thấu chi thanh toán.
Các dự án quốc tế đã và đang được NHHT triển khai có hiệu quả. Riêng dự án Hỗ trợ kỹ thuật “đẩy mạnh hệ thống QTDND (STEP)” đã hoàn thiện giai đoạn thí điểm về quản trị rủi ro cho 9 QTDND được lựa chọn và sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho 75 QTDND trong khuôn khổ dự án STEP cũng như nâng cao năng lực của cán bộ NHHT đối với cấu phần quản trị rủi ro và sản phẩm dịch vụ đã được NHHT thông qua để triển khai đào tạo trong thời gian tới.
Tính đến 30/6, tổng nguồn vốn huy động từ QTDND và tiết kiệm đạt 23.455 tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay QTDND và khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đạt 22.869 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động lớn hơn tổng vốn cho vay 586 tỷ đồng tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm khi nguồn vốn huy động từ QTDND bị rút đi trong khi dư nợ tiếp tục tăng lên sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và ảnh hưởng đến các tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Hoạt động cho vay hợp vốn cũng được nhiều chi nhánh dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong quý IV khi nhiều quỹ chạm trần tăng trưởng tín dụng mà NHNN đề ra, trong khi đó một số quỹ sử dụng sản phẩm hợp vốn để nâng cao mức vay cho thành viên hoặc do huy động vốn thấp hơn nguồn cầu tín dụng.
Chính vì vậy, để hoàn thành kế hoạch 2019, tăng trưởng tín dụng tối thiểu 20% đối với QTDND và tối đa 10% đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, NHHT cần tăng trưởng huy động vốn thêm 3.545 tỷ đồng so với số dư huy động đến thời điểm hiện nay. “Việc tập trung phát triển nguồn vốn hiện là mục tiêu quan trọng để ổn định tăng trưởng quy mô hoạt động cũng như đảm bảo các giới hạn tỷ lệ an toàn của NHHT từ nay đến cuối năm 2019”, lãnh đạo NHHT cho biết.
Để chủ động hỗ trợ thành viên, ban lãnh đạo NHHT cũng đã chỉ đạo các phòng ban hội sở chính và các chi nhánh bám sát diễn biến thị trường, điều hành lãi suất linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức huy động, nâng cao chất lượng các sản phẩm huy động truyền thống, phát triển các sản phẩm mới về cho vay và huy động.
NHHT cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện mở rộng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN nhằm đáp ứng vốn phát triển kinh tế và phục vụ đời sống khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh sản phẩm cho vay thông qua QTDND như cho vay liên kết, cho vay đồng tài trợ để các QTDND mở rộng dư nợ.
Từ nay đến cuối năm, NHHT sẽ tiếp tục triển khai Hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank) kết nối giao dịch điện tử tới các QTDND đáp ứng đủ điều kiện, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của NHHT và QTDND. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thương hiệu, vai trò và hoạt động của NHHT nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024