26.01.2018 16:56

Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính

Chiến lược tài chính toàn diện đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên trong xây dựng, tổng hợp và đánh giá. Song các chuyên gia cũng nhận định, tài chính toàn diện cần một độ phủ rộng, nhưng phải có ưu tiên trọng tâm, không thể là đa mục tiêu.

 

Cuối tháng 11/2017, giao dịch tài chính qua điện thoại di động tăng 81% về giá trị giao dịch, qua internet tăng 66,99%

Chưa bao giờ vấn đề nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các cá nhân, DNNVV và DN siêu nhỏ, hay nói cách khác là tài chính toàn diện lại được đề cập nhiều như hiện nay. Với hỗ trợ của WB, NHNN đang xây dựng Khung Chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam. Song, theo các chuyên gia, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong cả một hành trình để hướng tới sự toàn diện. Tài chính toàn diện cần nhiều hơn thế.

Ths. Ngô Thị Thu Trà, Trưởng phòng Thống kê kinh tế, Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho rằng, để có thể đưa ra các chiến lược, lộ trình, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện thiết thực, hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết theo chuỗi thời gian từ bên cung và bên cầu. Những dữ liệu này giúp cơ quan quản lý đo lường, đánh giá chính xác thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân của những hạn chế và khả năng hấp thụ giải pháp.

Theo quan sát, hiện nay các cơ quan quản lý của Việt Nam chưa có cuộc điều tra nào về tài chính toàn diện đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Cuộc điều tra về tiếp cận tài chính FAS của IMF chỉ thống kê các chỉ số ở mức chung, khái quát toàn hệ thống và tổng hợp được rất ít số liệu về Việt Nam (chỉ thu thập được 3/12 chỉ tiêu bên cung theo Bộ chỉ số G20).

Nói tới giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bên cầu cho Việt Nam, bà Trà cho rằng: cần tận dụng triệt để và tạm thời sử dụng các số liệu về DN của CIC và NHNN. Để đánh giá thực trạng tài chính toàn diện của cá nhân, cần gấp rút tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ để thu thập số liệu đánh giá về tình hình tiếp cận dịch vụ tài chính của cá nhân ở các vùng miền, độ tuổi, giới tính, thu thập khác nhau trên phạm vi toàn quốc.

Chiến lược tài chính toàn diện đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên trong xây dựng, tổng hợp và đánh giá. Song các chuyên gia cũng nhận định, tài chính toàn diện cần một độ phủ rộng, nhưng phải có ưu tiên trọng tâm, không thể là đa mục tiêu.

“Chúng ta phải xác định rõ một vài ưu tiên chiến lược, đòi hỏi trong chiến lược phải xây dựng kế hoạch hành động triển khai cụ thể. Và những kế hoạch đó phải có sự xâu chuỗi, đan xen các trình tự triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất”, một chuyên gia cho hay.

Không chỉ vậy, cần chú trọng chất lượng hơn số lượng. Ví dụ như số lượng người có tài khoản ngân hàng tăng bao nhiêu không quan trọng bằng việc số tài khoản đó có mức độ hoạt động ra sao.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, NHCSXH chia sẻ thêm về việc cần chú trọng khâu thanh toán. Bởi theo ông Nhân, nếu thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển được với những công nghệ thích hợp thì có thể phát triển những dịch vụ khác như bảo hiểm, tiết kiệm...

Lấy đơn cử trường hợp Trung Quốc, việc phát triển TTKDTM ở quốc gia này thậm chí còn dễ dàng hơn sử dụng tiền mặt, bởi họ có thể thanh toán bằng các hình thức như QR Code hay thanh toán di động. Và việc thanh toán qua điện thoại di động còn làm giảm chi phí đầu tư hệ thống ATM/POS.

Theo ông Nhân, đối với những người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn (đối tượng ít cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính), có thể chia thành hai nhóm: trên và dưới 45 tuổi. Với nhóm trên 45 tuổi, họ rất khó tiếp cận với công nghệ một cách thành thạo nên có thể vẫn phải sử dụng tài chính theo truyền thống. Nhưng những người dưới 45 tuổi, luôn mong muốn tiếp cận hình thức tài chính kỹ thuật số mới thì sẽ thuận lợi hơn cho việc cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại.

Tuy nhiên, cũng có một vấn đề là theo quy định hiện hành, khách hàng muốn sử dụng các dịch vụ của những đơn vị làm trung gian thanh toán thì phải có tài khoản ngân hàng. Chính điều này phần nào hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân ở những vùng sâu, vùng xa.

Chính vì thế, thời gian tới, theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), nên bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho tài khoản giao dịch. Theo đó có thể quản lý tài khoản giao dịch theo số dư. Ví dụ, với những hạn mức thanh toán thấp thì khách hàng không cần thiết phải có chứng minh thư hoặc làm những thủ tục như mở tài khoản ngân hàng. Đã có nhiều quốc gia triển khai theo hướng đó và thực tế tốc độ phổ cập tài chính rất nhanh.

Ông Sơn cho biết, NHNN đang xây dựng thông tư để mở rộng điểm tiếp cận cho dịch vụ thu hộ, chi hộ đối với những đơn vị đang thực hiện thí điểm làm trung gian thanh toán hiện nay. Tuy nhiên, thông tư này cũng liên quan tới một số văn bản pháp lý cao hơn như Luật NHNN, Luật Các TCTD… Do đó, quan điểm và tư duy của những người xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng cần có sự thống nhất và thấu hiểu rõ ràng hơn. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan