21.08.2013 00:00

“Tam nông” là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo Tây nam bộ đã đi kiểm tra việc sơ kết  05 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH khóa X,  về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ. Qua làm việc với lãnh đạo các địa phương, những thành tựu, kết quả của chính sách tam nông đã được khẳng định trong thực tiễn .

 Một chủ trương rất cần thiết và đúng đắn

   Theo nhận định của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, Nghị quyết 26 được sự nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội nên sớm đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Không chỉ  Nghị quyết 26, khu vực Tây Nam Bộ cũng như các vùng nông thôn khác trong cả nước còn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, như:

Nghị định số 61/2010/NĐ-CP  của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 289/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, Quyết định 48/2010/QĐ - TTg về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa ... Bản thân các địa phương trong vùng cũng có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn.


   “Tam nông” là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ

Nhờ chủ trương đúng đắn và các
 chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Chính phủ nên trong 5 năm qua bộ mặt nông nghiệp, nông thôn các tỉnh Tây Nam Bộ đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Thủy sản phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng cao về sản lượng và chất lượng; Sản xuất nông nghiệp trong khu vực đã xuất hiện các  mô hình có hiệu quả như: mô hình nuôi tôm trong nhà kính, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết giữa sản xuất lúa chất lượng cao gắn với  chế biến xuất khẩu…

   Một trong những kết quả đậm nét là Nghị quyết 26 đã góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tại Bạc Liêu, một trong những tỉnh nghèo nhất của khu vực, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 23 triệu đồng/năm, tăng 1,95 lần so năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Cà Mau cũng giảm 2%/năm trong 5 năm qua. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ được xóa nhà tạm…tăng khá.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Có thể khẳng định sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X), diện mạo nông thôn Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nam bộ nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Điều đó khẳng định đường lối chỉ đạo sáng suốt khi xác định “tam nông” là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ xuất phát điểm là quốc gia đang phát triển nhưng Việt Nam đã vượt qua nhiều nước trong khu vực nếu xét trên các tiêu chí về “điện-đường- trường-trạm”, cơ sở sinh hoạt văn hóa cộng đồng… ở khu vực nông thôn”.

  Kết quả đạt được chưa đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 26, đó là: Kết quả đạt được chưa đồng bộ, một số mặt còn chậm chuyển biến như vấn đề thu nhập của nông dân, chất lượng nông sản hàng hóa, thị trường đầu vào, đầu ra của hàng hóa nông; chưa  nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới; hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, y tế giáo dục, văn hóa thể thao chưa hoàn chỉnh… Lãnh đạo tỉnh ủy Cà Mau nói: “Sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, nhiều sản phẩm chủ lực không có thương hiệu,  nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến chưa ổn định; mô hình  liên kết “4 nhà” triển khai chậm, chưa thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về khách quan thì nông nghiệp nông thôn các tỉnh Tây Nam bộ có điểm xuất phát thấp, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn; giá cả thị trường, các mặt hàng nông sản và hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn vẫn chưa có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước. Nông sản, thực phẩm chủ yếu được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, phương thức sản xuất thủ công truyền thống nên việc hội nhập vào thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, gần đây kinh tế vùng chịu  tác động của suy giảm kinh tế thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra, đó là vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, xem nhẹ việc thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nên việc thực hiện các mục tiêu còn chậm; công tác phối hợp trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từng lúc, có việc chưa tốt…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã gợi ý nhiều vấn đề để các địa phương điều chỉnh nhận thức/mô hình trong một số chỉ tiêu về “nông thôn mới”. Ví dụ: Mô hình canh tác theo hộ ở nhiều địa phương không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa thị trường có quy mô lớn, khép kín từ nuôi trồng, thu mua, chế biến đến tiêu thụ; khái niệm và chỉ tiêu lao động nông thôn qua đào tạo nghề nên tính cả các chương trình phổ biến kiến thức khoa học-kỹ thuật, tập huấn cho nông dân (không nhất thiết phải được cấp chứng chỉ); để chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn thành công nên hướng người nông dân mở rộng sản xuất hàng hóa và tham gia các hoạt động thương mại; khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của từng vùng và tiểu vùng hướng vào sản xuất các sản phẩm lợi thế cạnh tranh cao…Đặc biệt Thống đốc nhấn mạnh đến tính cấp thiết của công tác quy hoạch, cơ cấu lại các ngành sản xuất, gắn quy hoạch với liên kết vùng, với xúc tiến thương mại; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Ngân hàng dồn vốn cho phát triển tam nông

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trong những năm gần đây, NHNN đã có nhiều chính sách để hỗ trợ đối với khu vực nông nghiệp nông thôn như hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra, thủy sản, lúa gạo, tái cấp vốn cho vay phục vụ cà phê, cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo... Các ngân hàng cũng đã dành một lượng vốn lớn để đầu tư cho lĩnh vực này. Dư nợ cho vay Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ năm 2008 trở lại đây liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân đạt khoảng 18%. Tính đến 31/12/2012, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các TCTD Việt Nam đạt 561.533 tỷ đồng, tăng 12,52% so với 31/12/2011 (cao hơn mức tăng trưởng 8,91% của dư nợ nền kinh tế) và tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008.

Đến ngày 30/6/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các TCTD (chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt khoảng 621.584 tỷ đồng, tăng 10,69% so với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng 4,5% tín dụng chung của nền kinh tế tại cùng thời điểm). Dự kiến trong năm 2013 cho vay lĩnh vực tăng khoảng từ 15-18%.

 Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vốn ngân hàng tập trung nhiều vào cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo; cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản…Tốc độ tăng trưởng tín dụng phục vụ tam nông luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực khác.  Hiện nay, ngành Ngân hàng đang triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, góp phần cùng Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao các mục tiêu của Nghị quyết 26.

Ngọc Lan (SBV)

Các tin liên quan