18.05.2007 14:35

Tấm gương về đạo đức

 
Ðạo đức cách mạng theo Bác Hồ không chỉ dừng lại đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình mà còn là đạo đức xã hội. Ðạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày, được phát triển và củng cố.

Trong cuốn: Ðường kách mệnh (1927), Người dành một chương viết về "Tư cách một người cách mệnh". Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người dùng từ "tư cách" và "đạo đức" như: "Tư cách các đội viên du kích, tư cách người công an cách mạng", cũng có khi Người dùng từ "đạo đức", đó là những đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm hoặc "nhân cách".

Ðến tháng 12-1958, Người cho in một chuyên luận trên Tạp chí Học tập với nhan đề: Ðạo đức cách mạng. Ở tác phẩm này, Người đã nêu một cách đầy đủ, hoàn chỉnh khái niệm đạo đức. Bác căn dặn: "Chớ nên ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Phải chí công vô tư và có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Ðó là đạo đức của người cộng sản".

Khái niệm mà Người nêu lên mang tính cách mạng và khoa học, trên cơ sở khẳng định những giá trị đạo đức truyền thống và tiếp thụ, phát triển tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức mới đòi hỏi người cách mạng lấy nó làm nền tảng mà Người gọi đó là đạo đức cách mạng.  Nội dung khái niệm đạo đức cách mạng đã được Người chiêm nghiệm thực hành trong suốt cuộc đời của mình.

Ðạo đức cách mạng theo Bác không chỉ dừng lại đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình mà còn là đạo đức xã hội. Ðạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày, được phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Bác là hiện thân của đạo đức cách mạng. Suốt đời, Người "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Lối sống giản dị, thanh cao mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ, mọi giới đồng bào, đồng chí chúng ta noi theo.

Vấn đề đạo đức là một bộ phận rất quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, vì nó có sức sống mãnh liệt. Nó là một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam. Bác là người đã làm giàu trí tuệ của mình bằng những giá trị cao qúy trong kho tàng văn hóa dân tộc và của nhân loại. Khi nắm được quy luật và làm chủ bản thân, có tư duy độc lập và sáng tạo, luôn khám phá cái mới và thực hiện cái mới, kết hợp lý luận với thực tiễn, kết hợp giữa trí tuệ sáng suốt và năng lực tổ chức, giữa nói và làm.

Ngưỡng mộ Người, Ê-len Tuốc-me-rơ, trong cuốn Sách Vàng về Việt Nam, Nhà sách Viện Hàn lâm Béc-lin, 1966 viết: " Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin"... Và Ðây-vít Han-bớc-xtơn trong cuốn: "Hồ", Nhà xuất bản Răng-đôn Hao-xơ, Niu Oóc 1971: "Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này".

Do tính mới mẻ và tiêu biểu, đạo đức mới đòi hỏi sự vươn lên, đi trước của ý thức, tự giác của con người biểu hiện ở tinh thần làm việc hết mình vì chủ nghĩa xã hội với hiệu quả cao nhất, ở niềm vui trong sáng tạo và cống hiến. Bên cạnh đó, đạo đức mới đối lập với thói ăn bám, lười biếng, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, lãng phí, hà lạm của công, làm dối, làm ẩu, cùng những tệ quan liêu, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, sợ cái mới, bảo thủ, trì trệ.

Phẩm chất chủ yếu của đạo đức cách mạng là tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là những chuẩn mực bắt buộc phải có trong đạo đức mới của con người mới xã hội chủ nghĩa.

Ðạo đức mới, vì thế từ trong bản chất là sản phẩm mới của thời đại mới; kế thừa những yếu tố tốt đẹp trong quan hệ đạo đức truyền thống của nhân dân lao động: lòng yêu nước, thương dân, tinh thần trọng lẽ phải, đạo lý, công bằng, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân...
Ðạo đức mới Việt Nam ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu. Ðó là sự kết hợp truyền thống đạo đức Việt Nam và quan niệm đạo đức theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ðó là lẽ sống, là ánh sáng soi đường cho hôm nay và mai sau.
Theo Báo Nhân dân

Các tin liên quan