25.03.2014 14:29

Tái cơ cấu hệ thống QTDND: Lộ trình cho một chặng đường dài

"Quỹ tín dụng là của nhân dân, do người dân lập ra để phục vụ tại chỗ, do đó phải trả nó về đúng với mục tiêu, bản chất. Có như vậy, những giá trị ưu việt mới được khơi nguồn, sức sống bền lâu. Và đây là tiền đề vững chắc để tích lũy vào giá trị tài sản và thương hiệu của chính các QTDND để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khá quyết liệt hiện nay" - ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho biết.

Với vai trò là “Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân”, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác có quan hệ mật thiết với tiến trình xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Trước thềm Đại hội thành viên thường niên 2013 của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam về một số nội dung liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, đổi mới và thực hiện liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống QTDND.

Thưa ông, trong bối cảnh nhiều NHTM đang mở rộng thị phần về nông thôn. Vậy bí quyết nào mà hệ thống QTDND hoạt động với quy mô nhỏ vẫn phát triển ổn định?

 Bí quyết nằm chính ở mô hình tổ chức và sứ mệnh của hệ thống QTDND trong quá trình xây dựng và phát triển hơn 20 năm qua. QTDND là mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, do người dân làm chủ; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.

Mô hình và mục tiêu này rất phù hợp với người dân Việt Nam, nhất là ở các vùng nông thôn vốn mang nặng “tình làng, nghĩa xóm” và nó đã trở thành một sợi dây liên kết chặt chẽ, gắn bó các thành viên nỗ lực, chung tay để vun đắp cho ngôi nhà chung ngày càng phát triển.

Hơn thế, đây cũng là một trong các trụ cột cung cấp vốn ở khu vực nông thôn bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tài chính vi mô, tạo cho người dân nhiều cơ hội để lựa chọn kênh cung cấp vốn phù hợp cho mình, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn. Vì thế, việc phát triển hệ thống QTDND cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là NHNN Việt Nam.

Các điều kiện, thủ tục vay vốn của QTDND với thành viên cũng thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, vì vậy mô hình QTDND đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngân hàng Hợp tác đang thực hiện tái cấu trúc với thành công ban đầu khi chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên dường như sự “chuyển mình” của các QTDND thành viên còn hơi chậm?

Tái cấu trúc là một nội dung lớn và quan trọng, do đó cần phải thận trọng, có bước đi thích hợp, phải xác định rõ nội dung cần làm để đảm bảo ổn định của hệ thống. Hoạt động của gần 1.200 QTDND là rất đa dạng (về quy mô, địa bàn, năng lực quản trị điều hành, thành viên, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ...). Do đó, cần phải có đánh giá toàn diện, tổng kết để từ đó xác định rõ nội dung cần củng cố, chấn chỉnh.

Trong năm 2013, NHNN Việt Nam đã tổng kết 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, chúng ta cũng đã có đề án tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác và QTDND; các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện tái cơ cấu cũng đã và đang được ban hành, như: Thông tư 31/2012/TT-NHNN quy định về Ngân hàng Hợp tác xã, Thông tư 03/2014/TT-NHNN về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống, Thông tư về QTDND và một số văn bản chỉ đạo khác sẽ được ban hành trong thời gian tới.

 Việc chuyển đổi Quỹ tín dụng Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác theo Thông tư 31/2012/TT-NHNN của NHNN là bước đi trước, nhằm tăng cường các năng lực và điều kiện pháp lý đảm bảo xác lập rõ hơn vai trò của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống, tạo cơ sở hỗ trợ tốt hơn cho quá trình tái cơ cấu các QTDND.

Đối với tái cơ cấu các QTDND, lần này chủ yếu tập trung vào khắc phục những hạn chế, bất cập trong nội tại của các QTDND, nhằm điều chỉnh, hướng hoạt động của hệ thống theo đúng mục tiêu, tôn chỉ, phục vụ thành viên, phát triển theo đúng các chuẩn mực của nguyên tắc hợp tác xã, đổi mới chính sách thành viên, nâng cao năng lực quản trị điều hành và một số nội dung khác.

 Tới đây, khi Thông tư quy định về QTDND ra đời sẽ là nền tảng để triển khai mạnh mẽ tái cấu trúc hệ thống theo đề án đã vạch ra.

 Ngân hàng Hợp tác đã và đang có kế hoạch gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Trong tái cơ cấu lần này, Ngân hàng Hợp tác được giao nhiều trách nhiệm và quyền hạn đối với các QTDND. Để thực hiện được trọng trách này, mặc dù còn nhiều khó khăn, năng lực tài chính hạn chế, việc chuyển đổi mới hoàn thành chưa lâu, nhiều công việc đang phải tiếp tục hoàn thiện, tuy nhiên với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi đang nỗ lực từng bước ban hành và thực hiện Quy chế Điều hòa vốn; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống; chế độ thực hiện báo cáo thống kê đối với QTDND; hướng dẫn ý kiến đối với nhân sự (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc...) QTDND trước khi bầu; phối hợp với Hiệp hội QTDND xây dựng các chương trình đào tạo cho QTDND phù hợp với yêu cầu mới...

 Đại hội thành viên năm 2013, tổ chức vào ngày 25/3/2014 sẽ xem xét thông qua một số nội dung này đểlàm cơ sở cho Hội đồng quản trị ban hành thực hiện.

Thời gian tới Ngân hàng Hợp tác tiếp tục triển khai hệ thống thông tin báo cáo đối với các QTDND, phục vụ mục đích điều hòa vốn, giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống, tư vấn, phối hợp hoạt động. Đồng thời, hỗ trợ QTDND về đào tạo theo các chương trình dự án, xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ.

Tới đây, Ngân hàng Hợp tác cũng sẽ phát hành thẻ ghi nợ nội địa theo hướng vừa là thẻ thành viên vừa là thẻ thanh toán, để phát hành cho thành viên các QTDND. Hiện nay, Ngân hàng Hợp tác cũng đang nghiên cứu sản phẩm cho vay hộ nông dân phục vụ nông nghiệp nông thôn thông qua các đầu mối ở xã, phường với sự phối hợp giữa Ngân hàng Hợp tác và các QTDND. Nếu sản phẩm này được triển khai sẽ tăng thêm giá trị đầu tư trực tiếp đến các hộ gia đình phục vụ sản xuất, tăng cường 

mục tiêu liên kết nông thôn thành thị. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mở rộng dịch vụ thanh toán cũng được chú trọng trong năm 2014, trong đó phấn đấu tăng trưởng cho vay trong hệ thống trên 30%/năm (năm 2013 là 32%).

Được biết hiện nhiều ngân hàng đang “tạm thời dư thừa” nguồn vốn. Vậy vấn đề điều hòa nguồn vốn trong hệ thống như thế nào?

Quy mô hoạt động hệ thống QTDND tuy nhỏ nhưng cũng đã xuất hiện dấu hiệu này, đây là một tín hiệu khác thường. Nếu như những năm trước đây vào dịp Tết và có thể sau Tết Nguyên đán áp lực về sử dụng vốn, thanh khoản luôn là một khó khăn đối với Ngân hàng Hợp tác và các QTDND. Ngoài việc vừa phải đảm bảo thanh khoản cho bản thân mình, vừa phải lo hỗ trợ các QTDND nên áp lực này càng lớn. Ngân hàng Hợp tác (lúc đó là Quỹ tín dụng Trung ương) phải khai thác tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi từ QTDND, vừa tìm kiếm các nguồn vốn khác trên thị trường (vay các TCTD, vay liên ngân hàng, đẩy mạnh huy động dân cư...).

Tuy nhiên, từ năm 2013 và đặc biệt những tháng đầu năm 2014 nguồn vốn huy động tương đối dồi dào, trong khi đó sử dụng vốn lại hạn chế. Nhu cầu vay của các QTDND không cao, nhiều Quỹ điều chuyển nguồn vốn điều hòa về Ngân hàng Hợp tác tương đối nhiều, gây áp lực “tạm thời dư thừa” tương đối lớn.

Giải pháp xử lý ra sao, thưa ông?

Giải pháp để xử lý những khó khăn tạm thời này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Một mặt, bản thân Ngân hàng Hợp tác phải tích cực tìm kiếm, đẩy mạnh các kênh đầu tư, như phối hợp với các QTDND phát triển sản phẩm cho vay các hộ gia đình, cá nhân thông qua đại diện ở các xã, phường; cho vay đồng tài trợ; tháo gỡ khó khăn tăng cường cho vay thành viên; phát triển cho vay các đối tượng là cán bộ, giáo viên ở vùng nông thôn, đầu tư trái phiếu, tín phiếu...
Về lâu dài Ngân hàng Hợp tác sẽ phối hợp với các QTDND có kế hoạch, định hướng khai thác, sử dụng nguồn vốn hợp lý hơn, cần có thông tin đầy đủ để khuyến cáo, tư vấn kịp thời, đảm bảo cân đối “hợp lý tương đối” nguồn vốn điều hòa để chủ động, tránh áp lực. Đặc biệt khi Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Thông tư về QTDND được triển khai đồng bộ thì chúng ta cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn, linh hoạt hơn, vì nguồn vốn điều hòa này sẽ được vận hành, khai thác tối đa giữa Ngân hàng Hợp tác với các QTDND.

Con đường và lộ trình tái cơ cấu đã dần hoàn thiện, vậy điểm tựa nào để Ngân hàng Hợp tác và các QTDND có thể sớm về đích?

Đây là thời điểm mà cả hệ thống QTDND phải chung sức chung lòng thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu hệ thống. Có thể, trong quá trình tái cơ cấu, hoạt động của một số QTDND sẽ bị tác động, ảnh hưởng và thực tế cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại khi thực hiện chấn chỉnh; song cần nhận thức rằng chúng ta tái cơ cấu, đổi mới là hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Quỹ tín dụng là của nhân dân, do người dân lập ra để phục vụ tại chỗ, do đó phải trả nó về đúng với mục tiêu, bản chất. Có như vậy, những giá trị ưu việt mới được khơi nguồn, sức sống bền lâu. Và đây là tiền đề vững chắc để tích lũy vào giá trị tài sản và thương hiệu của chính các QTDND để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khá quyết liệt hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


 

 

Đỗ Minh

Các tin liên quan