Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác (NHHT) đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với phóng viên TBNH xung quanh vấn đề tái cơ cấu NHHT theo lộ trình đã được Chính phủ và NHNN Việt Nam phê duyệt. Website Hiệp hội xin trân trọng gửi tới các QTDND hội viên toàn văn bài phỏng vấn trên.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác
Ông có thể cho biết tình hình thực hiện tái cơ cấu của NHHT
trong thời gian qua?
Thực
hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2012 về việc cơ
cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, thời gian qua NHHT đã triển khai nhiều
chính sách phù hợp và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu,
tập trung vào ba nội dung chính như sau:
Thứ
nhất, NHHT đã thực hiện thành công bước tái cơ cấu lớn là chuyển đổi mô hình
hoạt động từ QTDTW thành NHHT mà vẫn đảm bảo mọi hoạt động bình thường, liên
tục và thông suốt.
Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy từ trụ sở chính đến các chi nhánh và nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, NHHT cũng đã chú trọng mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại các địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện nhằm hỗ trợ, phục vụ tốt hơn cho các QTDND thành viên.
Thứ
hai, hiện NHHT đang xây dựng đề án tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng để trình
Thống đốc NHNN và Chính phủ. Cùng với việc nâng cao năng lực tài chính, NHHT
luôn coi công tác đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển
bền vững: Năm 2012, NHHT đã thành lập Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ
với hai cơ sở đào tạo tại Hưng Yên và Thanh Hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo
nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ của NHHT cũng như đội ngũ cán bộ của hệ
thống QTDND theo tinh thần Thông tư 31/2012/TT-NHNN.
Thứ
ba, NHHT cũng tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như:
Hiện đại hóa công nghệ thanh toán và phát triển các dịch vụ tiện ích thanh toán
hiện đại để mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nghiên cứu và
xây dựng các sản phẩm mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường tính
liên kết hệ thống.
Song
song với đó, NHHT luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm
tra, giám sát nhằm giảm thấp nợ xấu và hạn chế rủi ro đạo đức.
Với vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”, xin ông nói rõ hơn
về việc thực hiện các quyền hạn, trách nhiệm của NHHT đối với các QTDND?
Thời
gian qua, NHHT tiếp tục tập trung nguồn lực rà soát, chỉnh sửa, ban hành các
văn bản nhằm triển khai thực hiện quyền hạn, trách nhiệm đối với hệ thống
QTDND.
Trong
hệ thống các văn bản nói trên, Ban lãnh đạo NHHT đặc biệt quan tâm xây dựng các
văn bản trình đại hội thành viên thông qua nhằm triển khai thực hiện
quyền hạn, trách nhiệm của NHHT đối với hệ thống QTDND như: Văn bản số
177/QC/HĐQT-NHHT về Quy chế điều hòa vốn đối với QTDND; Văn bản số
159/2013/CV-NHHT ngày 16/8/2013 về việc tham gia ý kiến nhân sự đối với QTDND;
Văn bản số 178/CV-NHHT ngày 28/3/2014 về việc hướng dẫn gửi báo cáo của QTDND
cho NHHT; Văn bản số 179/QC-NHHT ngày 28/3/2014 về Quy chế quản lý và sử dụng
Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn)…
Cùng với việc tổ chức thành công Đại hội thành viên NHHT năm 2013 (tháng 3/2014), NHHT cũng đã thông qua các Quy chế điều hòa vốn, Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn với sự nhất trí của 100% đại biểu tham dự Đại hội. Bộ máy tổ chức, nhân sự Ban quản lý và điều hành Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND đã được thành lập và kiện toàn, Quỹ đã đi vào vận hành nhằm hỗ trợ bảo đảm an toàn cho hệ thống QTDND.
Trong
đó chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ (đặc
biệt là kiểm tra sử dụng vốn vay), việc thực hiện các quy định về an toàn của
QTDND để khuyến cáo, cảnh báo với QTDND về những sai sót, vi phạm hoặc nguy cơ
có thể xảy ra nhằm giúp QTDND kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Nhờ
đó, chất lượng hoạt động của QTDND ngày được nâng cao.
Vai
trò "Ngân hàng của các QTDND" cũng đang được xác lập và khẳng định
với việc nghiên cứu và cung ứng nhiều sản phẩm ngân hàng hiện đại như hệ thống
phần mềm giao dịch ngân hàng điện tử CF-ebank để chuyển giao cho các QTDND,
nhằm cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho các QTDND phục vụ thành viên và dân chúng
ở khu vực nông thôn thông qua hệ thống thanh toán điện tử của NHHT.
NHHT
cũng đã nghiên cứu và cho ra đời mẫu thẻ thành viên đối với QTDND, theo đó, mẫu
thẻ thành viên gắn chíp điện tử với tài khoản thanh toán cá nhân của thành
viên. Thẻ tích hợp tính năng của thẻ thành viên và thẻ thanh toán, nên rất đa
dạng về dịch vụ như: chuyển tiền điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...;
đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện và tăng khả năng liên kết hệ thống.
Đặc
biệt, xác định nhiệm vụ góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND là
nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn vừa qua, NHHT luôn quan tâm, xem
xét, giải quyết kịp thời cho vay hỗ trợ khả năng chi trả tiền gửi đối với những
QTDND đang gặp khó khăn về thanh khoản và luôn đảm bảo mức cho vay hỗ trợ chi
trả tối đa theo quy định hiện hành; qua đó góp phần đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đảm
bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND.
Còn 4 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2015. Ông có thể
cho biết NHHT có hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu trong giai đoạn 2011 -
2015 theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam phê duyệt?
Với
những nỗ lực hiện có, về cơ bản có thể tin tưởng NHHT sẽ cán đích tái cơ cấu
cùng với những trợ giúp từ NHNN, Bộ Tài chính và Chính phủ.
Kế
hoạch phát triển mạng lưới cũng sẽ cán đích với việc đến hết năm 2015, theo
Quyết định 55/QĐ-NHNN.m của Thống đốc NHNN về phê duyệt đề án tái cơ cấu của
NHHT thì sẽ có thêm 4 chi nhánh để phục vụ chủ yếu các QTDND. Về chất lượng tài
sản dự kiến trong năm 2015 hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó tập trung xử lý
nợ xấu, mục tiêu xử lý giảm nợ xấu đến cuối năm 2015 là dưới 2,0% so với tổng
dư nợ.
Ngoài
ra, các mục tiêu nâng cao khả năng giám sát đối với các QTDND, vai trò ngân
hàng đầu mối hệ thống QTDND thông qua công tác điều hòa vốn; trách nhiệm và
quyền hạn đối với QTDND theo quy định tại Thông tư 31 và Thông tư 03 cũng đang
được nghiêm túc triển khai thực hiện.
Riêng
vấn đề tái cơ cấu bộ máy quản trị, điều hành dự kiến được hoàn thành trong năm
2015 và tiếp tục hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Hiện NHHT đang kiện toàn
bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiện đại và chuyên nghiệp, đảm bảo khả năng
thực hiện nhiệm vụ điều hòa, cân đối vốn trong hệ thống QTDND; Kiện toàn và
nâng cao năng lực quản trị, điều hành của HĐQT và các bộ phận chuyên trách trực
thuộc HĐQT.
Hoàn
thành việc ban hành và triển khai thực hiện các Quy chế quản trị, điều hành và
hệ thống cơ chế, quy chế nghiệp vụ phục vụ quá trình hoạt động kinh doanh của
NHHT cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của NHHT.
Trong quá trình tái cấu trúc, khó khăn nhất đối với NHHT là
gì, thưa ông?
Bên
cạnh những kết quả đã đạt được, NHHT vẫn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể trong
những tháng đầu năm, các QTDND không tăng trưởng được về tín dụng gây nên tình
trạng thừa vốn gửi về NHHT. Trong khi đó, NHHT bị hạn chế trong giới hạn tăng
trưởng tín dụng ngoài hệ thống, không được dùng vốn điều hòa để mua trái phiếu
cũng như không được tính số dư tiền gửi của QTDND để cho vay trung dài hạn, vì
thế NHHT phải chịu lỗ khi mang gửi trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất
thấp hơn lãi suất nhận vốn điều hoà, gây ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.
Nguồn
vốn điều lệ của NHHT hiện còn nhỏ hơn so với vốn điều lệ của hệ thống QTDND,
ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ các QTDND thành
viên cho vay phát triển sản xuất kinh doanh cũng như việc đầu tư về công nghệ
thông tin làm hạn chế năng lực cạnh tranh của NHHT, đặc biệt là sau khi chuyển
đổi.
Một
khó khăn nữa là năng lực quản trị điều hành của một số QTDND còn hạn chế, việc
chấp hành các chỉ tiêu an toàn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến có thể mất
khả năng chi trả, hoặc vi phạm quy định việc cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi
đối với QTDND gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp NHHT buộc phải cho vay vì
nhiệm vụ và sự an toàn chung của hệ thống nhưng chưa có cơ chế riêng về xử lý
rủi ro đối với các khoản cho vay này.
NHHT
hoạt động vì mục tiêu hỗ trợ điều hòa vốn, chăm sóc, tư vấn cho hệ thống QTDND
nên có những đặc thù riêng so với các NHTM khác. Nhưng hiện nay một số cơ chế,
chính sách mới ban hành không có quy định đặc thù đối với NHHT dẫn đến nhiều
bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của NHHT.
Vậy NHHT có đề xuất gì để có thể hoàn thành trọng trách được
Đảng, Chính phủ và NHNN đã giao?
Bên
cạnh việc cần hỗ trợ đủ vốn điều lệ, NHHT đang rất cần sự hỗ trợ của NHNN và
các bộ, ngành trong việc tháo gỡ những rào cản pháp lý như đối với nội dung quy
định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư 36, đề nghị NHNN xem xét, bổ sung quy định áp
dụng riêng đối với NHHT, theo đó cho phép NHHT được phép tính nguồn vốn ngắn
hạn bao gồm cả các khoản tiền gửi của QTDND tại NHHT.
Bên
cạnh đó, đề nghị NHNN Việt Nam sớm ban hành Thông tư quy định về mạng lưới NHHT
và QTDND, Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá
sản đối với hệ thống TCTD là hợp tác xã và các văn bản pháp quy khác tạo hành
lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động,
nhằm chấn chỉnh, uốn nắn và hướng dẫn các QTDND hoạt động đúng mô hình tổ chức
hợp tác xã, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững
theo mục tiêu chung của hệ thống.
Hàng
năm, NHNN cần tổ chức hội nghị đánh giá, tổng kết tình hình tái cơ cấu hoạt
động của hệ thống TCTD là hợp tác xã, bao gồm NHHT và các QTDND.
NHNN
và các bộ, ngành cũng cần quan tâm và tạo điều kiện để NHHT được tiếp cận nguồn
vốn của các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế; qua đó có thể tranh thủ
được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và học tập phương pháp quản lý, kỹ thuật
tiên tiến để NHHT tiếp nhận, chuyển giao đến các QTDND, tạo điều kiện cho hệ
thống QTDND theo kịp sự phát triển chung của toàn ngành Ngân hang.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
13.11.2024
30.10.2024