06.09.2007 14:56

Tác động vào nhận thức và hành động của mỗi người

Ngày 21-22.6 tại TPHCM, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức hội nghị sơ kết 4 tháng Cuộc vận động, đồng thời triển khai tế hoạch từ nay đến năm 2011.

Đồng chí Tô Huy Rứa – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại dịên từ 64 tỉnh, thành phố, hơn 40 bộ, ban, ngành, đoàn thể. Có hai bài tham luận phát biểu tại hội trường, 76 ý kiến phát biểu tại tổ và 21 bản tham luận gửi Ban tổ chức hội nghị. Có 5 tổ làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, bàn bạc các vấn đề thiết thực. Tổ thư ký đã tổng hợp các vấn đề thành 15 nhóm kiến nghị, đề xuất của các đại biểu với ban chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tổng kết hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa phát biểu: “Cuộc vận động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân nói chung, với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng nói riêng. Cuộc vận động là rất cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa to lớn, cơ bản và lâu dài. Mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động đã xác định ba mục tiêu lớn, hay có thể gọi là ba động lực cụ thể xây dựng đạo đức, đó là sự tự giác phấn đấu của mỗi người; sự giúp đỡ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân. Được ba điều đó sẽ tạo nên một nền tảng đạo đức tốt cho mỗi con người và cho toàn xã hội… Qua báo cáo của các ngành, địa phương và ý kiến phát biểu tại hội nghị, các dồng chí đã có sự nhất trí cao về những việc đã làm được, đồng thời nêu lên những khó khăn đang gặp phải trong quá trình triển khai, phân tích những nguyên nhân của khó khăn vướng mắc và đề xuất những giải pháp khắc phục”

Sau khi phân tích một số khó khăn, lúng túng, chậm trễ và thiếu chính xác trong chỉ đạo triển khai và nêu kết quả trong bước đầu thực hiện Cuộc vận động, đồng chí Tô Huy Rứa trao đổi một số vấn đề có tính định hướng và chỉ đạo:

Một là, cần coi trọng và làm tốt hơn nữa việc quán triệt trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nội dung của Cuộc vận động theo ba mục tiêu được nêu ở trên. Làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ những nội dung và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai là, cần xác định rõ Cuộc vận động là nhằm tác động vào nhận thức và hành động của mỗi người và phải đến với tất cả mọi người. Đó chính là phạm vi to lớn và sâu rộng của Cuộc vận động. Xác định học tập đạo đức Hồ Chí Minh là làm cho mình, cho gia đình, tập thể, cộng đồng, cho đất nước và dân tộc.
 
Ba là, việc tổ chức cuộc vận động phải kết hợp giữa công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, quản lý, giám sát của tổ chức đảng và quần chúng nhân dân. Ý thức đạo đức tự thân nó chưa thể trở thành hành vi đạo đức, nếu không kết hợp sự tự giác của mỗi cá nhân với sự giúp đỡ của tập thể và sự giám sát của xã hội. Vì vậy, bước tiếp theo của Cuộc vận động là lấy ý kiến quần chúng và xây dựng cơ chế giám sát đạo đức trong tập thể.
 
Bốn là, xây dựng chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban chỉ đạo Trung ương đã hướng dẫn để mọi người đều được tham gia, căn cứ vào tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, thảo luận dân chủ, xây dựng phương hướng, chuẩn mực đạo đức cụ thể cho đơn vị mình, lấy đó làm cơ sở cho việc rèn luyện, tu dưỡng và giám sát đạo đức.
 
Năm là, cuộc vận động là lâu dài, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn tiếp tục mãi về sau, bởi mục tiêu là xây dựng nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội, của dân tộc. Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, các đồng chí bí thư cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp là người có vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong việc xác định nhiệm vụ và chương trình công tác mà còn ở sự nêu gương. Vì vậy, các đồng chí cán bộ trong Ban chỉ đạo các cấp phải gương mẫu và luôn coi đây là nhiệm vụ có tính chất quan trọng hàng đầu.
Theo Báo Lao Động

Các tin liên quan