Gói kích cầu đã trải qua một phần chặng đường. Dư luận đang quan tâm tới hiệu quả của gói kích cầu này và nguy cơ lạm phát mà nó có thể tạo ra. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay dư luận đang quan tâm đến mối quan hệ giữa gói kích cầu của Chính phủ và nguy cơ lạm phát mà gói kích thích này có thể gây ra. Ông đánh giá mối quan hệ này thế nào?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài của chúng ta, khiến kinh tế nước ta rơi vào suy giảm. Để chống suy giảm, chúng ta buộc phải đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông trong thời gian ngắn và đương nhiên tạo ra nguy cơ tái diễn lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát có tái diễn trên thực tế hay không phụ thuộc vào việc chúng ta triển khai gói kích cầu như thế nào.
Lạm phát xảy ra khi tiền đổ vào lưu thông mà không giúp tạo ra một lượng hàng hóa tương ứng để cân đối với lượng tiền trên. Việc chia giá trong sự tương quan như thế sẽ khiến giá cả tăng lên hay là lạm phát xuất hiện.
Vì vậy, chúng ta phải ngừa lạm phát ngay trong quá trình triển khai gói kích cầu bằng việc rót tiền vào đúng từng địa chỉ cụ thể để tiền vốn nhanh chóng được chuyển thành hàng hóa. Đồng thời sử dụng hình thức phát hành trái phiếu để huy động tiền nhàn rỗi sẵn có trong lưu thông phục vụ cho gói kích cầu.
Trong trường hợp lạm phát có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng, chúng ta sẽ tiến hành một số biện pháp mạnh tay hơn như nâng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc... như chúng ta đã từng làm trong năm 2008.
PV: Trong tổng gói kích cầu, gói hỗ trợ lãi suất bị dư luận cho là có thể trở thành thủ phạm chính của lạm phát (nếu xảy ra) vì họ nghi ngờ hiệu quả của gói hỗ trợ này. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Như đã nói ở trên, gói hỗ trợ lãi suất sẽ phát huy tác dụng tốt nếu được triển khai đúng đối tượng và kịp thời. Chủ trương là đúng, song trên thực tiễn triển khai, có thể sẽ nảy sinh mặt trái. Chỉ có điều, chúng ta phải tìm cách hạn chế tối đa mặt trái này.
PV: Ông có đề cập đến giải pháp huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho gói kích cầu. Tuy nhiên, các đợt phát hành trái phiếu vừa qua đều không thành công do lãi suất trần Chính phủ đưa ra thấp hơn yêu cầu của các nhà thầu. Theo ông, có cách nào giải quyết được vấn đề này không?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Chỉ có cách là nâng lãi suất lên thôi. Chính phủ buộc phải chấp nhận mức lãi suất cao như là một phần của khoản chi kích cầu để trước mắt "giải cứu" nền kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Khi kinh tế hồi phục rồi thì tự nhiên sẽ có nguồn thu từ chính công chúng (qua thuế) để bù đắp lại khoản "ứng trước" này. Về dài hạn, không ai thiệt cả, chỉ là tạm thời "lọt sàng xuống nia" thôi.
Trong lúc xu hướng tiêu dùng của dân chúng giảm xuống như hiện nay, việc chấp nhận trả lãi cao để huy động vốn trong dân có thể ví như là tiêu tiền hộ dân. Đó là cách để kích cầu từ chính sức mua của dân chúng.
PV: Dường như các NHTM cũng đang thiếu vốn và biểu hiện bằng xu hướng tăng lãi suất huy động đang diễn ra?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Điều đó đúng. Các NHTM đang cần vốn để cho vay đối với các khách hàng truyền thống giúp các khách hàng này tồn tại được qua giai đoạn suy giảm kinh tế; đáp ứng nhu cầu cho vay tiêu dùng... mặc dù chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ra thấp, ngân hàng có thể bị giảm sút lợi nhuận và buộc phải tính đến các giải pháp cắt giảm chi phí hoạt động. Thêm nữa, các NHTM cũng phải đảm bảo khả năng thanh khoản giữa lúc lãi suất thấp khiến tiền gửi dân cư dịch chuyển sang các lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, vàng...
PV: Vừa rồi, Ngân hàng Thế giới có điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 từ mức -1,7% giảm xuống còn -2,9%. Điều này ảnh hưởng thế nào đến triển vọng kinh tế nước ta và Chính phủ có phải tính đến khả năng tăng cường gói kích cầu không?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Chắc chắn là có ảnh hưởng. Một nền kinh tế mà kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn hơn cả GDP như kinh tế nước ta sẽ chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ động thái nào của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá trị thấp, cầu ít co giãn với thu nhập nên mức độ ảnh hưởng không nhiều như các nước phát triển. Họ có thể từ bỏ ý định sắm xe xịn chứ không thể thôi ăn, thôi mặc được.
Về khả năng điều chỉnh gói kích cầu, hiện tại Chính phủ chưa có chủ trương, chỉ tập trung vào làm tốt những chính sách đã đặt ra và đang triển khai.
PV: Xin cảm ơn ông!