Quy trình cho vay tín dụng thuận tiện đáp ứng chu cầu tài chính của người dân phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong đời sống đã góp phần đẩy tín dụng đen lùi xa Phong Vân.
Phong Vân - xã xa trung tâm nhất của huyện Ba Vì và TP. Hà Nội nay chẳng khác gì phố xá chốn phồn hoa Hà thành. Những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì đã trải khắp. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đèn đường sáng từng ngõ xóm. Song ít có ai biết rằng chỉ hơn chục năm trước thôi, cũng từ trên triền đê sông Hồng này nhìn xuống, nhà tranh, mái ngói cấp 4 là chủ đạo vấn vít giữa mây gió. Chỉ đến khi chuyển mình trong cơ cấu kinh tế mới với sự trợ lực của QTDND Phong Vân, mảnh đất này mới thực sự thay da đổi thịt.
Phong Vân là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Ba Vì, lại thuần nông nên trước đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm. Bước vào xây dựng nông thôn mới đầu những năm 2010, Phong Vân có xuất phát điểm tương đối thấp so với các xã trên địa bàn huyện với số tiêu chí đạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xã định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh “dồn điền đổi thửa”, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, đặc biệt là việc hướng tới phát huy tiềm năng, ưu thế để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh doanh, dịch vụ như vận tải đường sông, chế biến nông lâm sản và nghề thủ công đan lát, nghề mộc và các nghề xây dựng. Ngày đó, với ý chí từ chính quyền và người dân, bài toán vốn để phát triển kinh tế tưởng như khó khăn nhất hóa ra lại dễ giải khi QTDND Phong vân tận tâm đồng hành cùng các thành viên.
Cán bộ QTDND Phong Vân luôn đặt quyền lợi thành viên lên trên hết
Đến thăm gia đình chị Ngô Thị Thúy Hằng hiện đang là chủ của đại lý gạo Kiên Hằng, chị bảo cơ ngơi sản nghiệp của chị vài chục tỷ đồng bây giờ bắt nguồn từ sự giúp đỡ của QTDND Phong Vân. Trước năm 2007, vợ chồng chị cũng xoay xở đủ nghề từ kinh doanh gỗ, đến ước mong cho chồng làm máy xúc ủi, song kinh tế vẫn chẳng xoay chuyển. Cuối cùng chị tính đến việc mở đại lý bán gạo.
Buôn bán gạo vốn là nghề mưu sinh khi chị mới 12 tuổi, nhà nghèo, 5 chị em gái, cha bộ đội xuất ngũ, lớp 6 chị bỏ học đi bán gạo. “Ngày đầu đi bán lãi 2 cân gạo nấu cơm ăn, mình thấy sướng lắm bởi ngày thường ăn ngô khoai là chính”. Thế rồi làm lâu nó như cái nghiệp, lại thêm sự quyến luyến nên suốt những năm sau này, chị vẫn buôn bán nhỏ lấy tiền nuôi 4 đứa con ăn học. Muốn mở lớn, nhưng không có vốn, chị lần hồi đến ngân hàng trên huyện, song, đi lại vài lần không có kết quả. Rồi chị đến QTDND. Hiểu được gia cảnh, cũng như biết chị đã có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề này, QTDND Phong Vân đã cho vay 50 triệu đồng để cùng nguồn vốn tích lũy của gia đình mở đại lý gạo Kiên Hằng. “Lúc đầu, hai vợ chồng làm cả tháng kiếm được 10 triệu đồng thu nhập mừng lắm”, chị kể. Làm nghề buôn bán, song “bố em là bộ đội, nên từ nhỏ đã rèn dạy cho chúng em từ lời ăn, ý ở, sống chân thật”, chị tâm sự. Cũng chính vì thế mà khách hàng quý mến đến mua bán gạo với chị ngày càng đông từ khắp Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Kinh doanh dần mở rộng quy mô, chị vay thêm quỹ mua máy tời để bốc xếp gạo, rồi tiếp đến đầu tư hai dàn máy xay xát 10 tỷ đồng, trạm điện hơn một tỷ đồng, chưa kể tiền mua đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư xe tải. Tính giá vốn tổng tài sản của chị hiện khoảng 30 tỷ đồng, nhưng tính theo giá thị trường phải cao gấp rưỡi. Bình quân mỗi ngày chị bán ra 100 tấn gạo. “Gia đình tôi được như ngày hôm nay, phải cảm ơn QTDND Phong Vân rất nhiều. Các cô chú ấy hiểu, thông cảm nên nhiệt tình giúp đỡ vốn cho chúng tôi phát triển kinh tế”, chị nói.
Không chỉ hỗ trợ kịp thời, quỹ luôn tư vấn cho thành viên phương án tài chính tốt nhất, từ việc mức vay phù hợp với từng loại hình kinh tế như cho vay nuôi lợn là bao nhiêu, cá là bao nhiêu, chi phí cho chuồng trại là bao nhiêu. Tiếp đó, quỹ lên các phương án với phân kỳ trả nợ rõ ràng để các hộ lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện kinh tế của mình, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn và thu hồi nợ cho chính QTDND.
Quỹ cũng có chính sách ưu đãi riêng với thành viên đặc biệt khu vực nông nghiệp - nông thôn với lãi suất ưu tiên, thậm chí thấp hơn cả NHTM. Thủ tục vay dễ dàng nhanh chóng cùng sự thấu hiểu thành viên đã đưa lượng thành viên tham gia quỹ lên 1.400 thành viên, trong đó hiện thành viên vay vốn hơn 800 người. So với dân số toàn xã 1.800 hộ, số thành viên của quỹ đã chiếm gần 78% số hộ. Nguồn vốn tín dụng QTDND trở thành nguồn chủ lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với dư nợ đạt 125,39 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao với nợ xấu chỉ chiếm 0,38%/tổng dư nợ.
Chị Ngô Thị Hằng chia sẻ về thành quả từ vay vốn
Đặc biệt, nguồn vốn của QTDND Phong Vân cũng góp phần nuôi dưỡng truyền thống hiếu học của mảnh đất này với mỗi năm bình quân 50-60 cháu vào đại học. Giám đốc QTDND Phong Vân, Nguyễn Thị Lan cho biết, có hộ gia đình nay đã chuyển ra thành phố sống, quỹ đã cho vay cả 4 con đi học đại học. Còn gia đình vay cho 1-2 con đi học thì rất nhiều. Hàng năm đóng góp quỹ khuyến học địa phương 5-10 triệu đồng để tặng quà khích lệ con em thành viên và người dân địa phương đạt thành tích học tập tốt, đỗ đại học. Quy trình cho vay tín dụng thuận tiện đáp ứng chu cầu tài chính của người dân phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong đời sống đã góp phần đẩy tín dụng đen lùi xa Phong Vân. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần đưa Phong Vân cán đích NTM vào năm 2015 và đạt mức thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng trong năm 2019 này.
Không chỉ có người dân Phong Vân được hưởng lợi, từ năm 2018, QTDND Phong Vân đã mở rộng hỗ trợ thành viên sang địa bàn xã Cổ Đô là xã có điều kiện địa khí hậu và kinh tế tương đồng với Phong Vân và cũng chưa có một TCTD nào đóng ở đó. Ngay sau khi mở rộng địa bàn, quỹ đã bắt nhịp cùng với định hướng địa phương hỗ trợ vốn cho thành viên phát triển kinh tế. Hiện tại Cổ Đô đã có 66 thành viên vay vốn của quỹ với dư nợ 20 tỷ đồng tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Ví như gia đình chị Trần Thị Kim Yến, bệnh dịch lợn năm 2018 đã khiến gia đình chị gần như mất trắng khối tài sản 100 con lợn thịt và 20 con lợn nái. Lại thêm phải chờ thời gian sau dịch, đến nay chị vẫn chưa thể tái đàn. Để đảm bảo thu nhập phục vụ đời sống và nuôi con ăn học, chị lên kế hoạch mở rộng quy mô nuôi gà thả cá. Vừa kịp lúc QTDND Phong Vân mở rộng hoạt động sang Cổ Đô. Vay 500 triệu từ đây, chị đầu tư 300 triệu cứng hóa bê tông ao nuôi cá. 200 triệu còn lại để mua cám, giảm được rất nhiều chi phí so với việc trước đây mua nợ, phải gánh thêm một phần lãi khá lớn. “Không chỉ tiếp cận vốn dễ dàng, lãi suất vay thấp hơn cả NHTM giúp vợ chồng tôi giảm chi phí đầu tư”, chị Yến cho biết thêm. Chị cho biết, năm nay chị bán được được 20 tấn cá trắm, mè, rô phi cùng 3000 con gà, trừ chi phí, thu nhập cũng ngót nghét 200 triệu đồng.
Song điều mà Giám đốc Lan tâm đắc hơn cả những con số phát triển đó là sự thấu hiểu và chia sẻ của quỹ đối với thành viên và người dân địa phương. “Thành viên gửi 500.000 đồng chúng tôi cũng đón tiếp chu đáo, bởi chúng tôi hiểu những đồng tiền nhỏ bé ấy là sự chắt chiu, tảo tần sớm nắng chiều mưa của họ”. Việc hỗ trợ thành viên không vì mục tiêu lợi nhuận cũng nhìn thấy rõ khi mỗi năm quỹ trích bình quân 50 triệu đồng đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào của địa phương.
Giám đốc Nguyễn Thị Lan cho biết, tới đây, quỹ sẽ mở rộng thành viên trên địa bàn xã Cổ Đô, đồng thời gia tăng nguồn vốn huy động để đầu tư vào những lợi thế kinh tế của 2 xã Cổ Đô và Phong Vân đẩy nhanh tiến trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024