21.03.2018 07:00

Rủi ro khi dùng sổ bảo hiểm xã hội để bảo đảm vay tiền tại QTDND

Trong thời gian qua, nhiều khách hàng của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) dùng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để bảo đảm vay tiền. Việc dùng sổ BHXH để bảo đảm mang lại nhiều rủi ro cho bên nhận bảo đảm là QTDND và bên bảo đảm là người vay.

1. Cơ sở pháp lý của việc dùng sổ bảo hiểm xã hội để bảo đảm khi vay tiền tại QTDND

Theo điều 96 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH. Cũng theo điều 18 của Luật này, người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH. Những quy định trên, được hiểu, một là, sổ BHXH là thuộc sở hữu của của người lao động; hai là, sổ BHXH là cơ sở để người lao động nhận được một khoản tiền khi xuất hiện điều kiện được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, thất nghiệp…

Bên cạnh đó, theo điều 293, 295 của Bộ Luật Dân sự 2015, người có nghĩa vụ  được quyền dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.Thêm nữa, điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Nghĩa là, các chủ thể được quyền thỏa thuận những nội dung mà pháp luật không cấm.

Từ những phân tích trên, hiện tại, việc dùng sổ BHXH để bảo đảm vay tiền tại QTDND là không trái với quy định của pháp luật.

2. Rủi ro khi dùng sổ bảo hiểm xã hội để bảo đảm tại QTDND

Theo trên, việc dùng sổ BHXH để bảo đảm vay tiền tại QTDND là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên,vì pháp luật chưa có quy định cụ thể nên việc dùng sổ BHXH để bảo đảm vay tiền tại QTDND mang lại nhiều rủi ro cho bên nhận bảo đảm QTDND và bên bảo đảm là người lao động.

Rủi ro lớn nhất của bên nhận bảo đảm là nguy cơ không thu hồi được vốn và lãi của khoản vay. Vì khi nhận bảo đảm là BHXH thì có thể xảy ra hai trường hợp sau:

Một là, sau khi vay tiền, người lao động báo mất sổ với cơ quan BHXH. Hiện tại, thủ tục cấp lại sổ khá đơn giản. Theo quy định tại điều 27, 29, 33 Quyết định 595/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 14/04/2017, có hiệu lực ngày 01/05/2017, quy trình cấp lại sổ BHXH đơn giản, nhanh từ trình tự đến thời gian thực hiện. Quy trình cụ thể như sau:

Bước 1: Người lao động làm tờ khai mất sổ BHXH theo mẫu;

Bước 2: Người lao động có thể nộp tại đơn vị mình làm việc hoặc tự mình nộp tại bộ phận một cửa của Cơ quan BHXH. Nếu người lao động nộp tại đơn vị thì đơn vị xác nhận tờ khai và gửi tờ khai qua bưu điện cho bộ phận một cửa của cơ quan BHXH.

Bước 3: Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH viết giấy hẹn và chuyển tới bộ phận chức năng của BHXH.

Toàn bộ quy trình trên không quá 10 ngày, trường hợp cần xác minh thời gian đóng BHXH ở nhiều tỉnh hoặc nhiều đơn vị làm việc khác nhau thì thời hạn không quá 45 ngày.

Khi được cấp sổ lại, người lao động có thể cầm sổ BHXH này để nhận trợ cấp BHXH một lần với đầy đủ giấy tờ thật và người thật. Rõ ràng, lúc này, bên nhận bảo đảm sổ BHXH là QTDND có nguy cơ không thu hồi được vốn và lãi của khoản vay, bởi sổ BHXH họ giữ không còn giá trị.

Hai là, theo điều 299 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên bảo đảm hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Theo đó, khi người lao động không thanh toán được khoản vay, bên nhận bảo đảm phải gửi công văn đến cơ quan BHXH để yêu cầu chi trả. Tuy nhiên, người lao động tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Cụ thể, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Nghĩa là, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ chi trả cho chính người lao động hoặc thân nhân của họ. Trong trường hợp này, bên nhận bảo đảm cũng rất khó thu hồi vốn và lãi của khoản vay.

Đối với người lao động mang sổ BHXH bảo đảm để vay tiền, rủi ro của họ là quyền lợi về BHXH không được bảo đảm. Vì theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong hồ sơ yêu cầu thanh toán các chế độ, luôn có yêu cầu về sổ BHXH, mà sổ BHXH họ đã mang bảo đảm nên họ có thể không nhận được các chế độ trợ cấp của BHXH. Ngoài ra, nếu gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sổ mới mà bị cơ quan BHXH phát hiện, người lao động sẽ bị xử lý hành chính.

3. Kết luận

Như đã trình bày ở trên, việc dùng sổ BHXH để bảo đảm vay tiền tại tổ QTDND là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên,vì pháp luật chưa có quy định cụ thể nên việc dùng sổ BHXH để bảo đảm vay tiền tại QTDND mang lại nhiều rủi ro các bên. Trong đó, rủi ro lớn nhất của bên nhận bảo đảm là không thu hồi được vốn và lãi của khoản vay. Do đó, nhằm hạn chế những rủi ro cũng như những tranh chấp phát sinh sau này liên quan đến việc thế chấp sổ BHXH, tác giả có một số đề xuất sau.

Một là, các doanh nghiệp, cơ quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền đến người lao động về những hậu quả pháp lý khi mang sổ BHXH đi bảo đảm, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân cố tình khai báo gian dối.

Hai là, khi có khách hàng là người lao động dùng sổ BHXH để bảo đảm vay vốn, QTDND cần thông báo đến nơi làm việc của người lao động và cơ quan BHXH về việc này nhằm hạn chế việc người lao động khai báo mất sổ BHXH.

 

Th.s Nguyễn Thị Dịu Hiền

Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên

Các tin liên quan