03.12.2007 00:00

Quỹ tín dụng "tình làng nghĩa xóm"

 
 Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQVN Phạm Thế Duyệt tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Riêu cùng một số bà mẹ ở ấp Lộc Hoà.
Đầu tháng 11, trong dịp tháp tùng Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQVN Phạm Thế Duyệt về dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tôi tận mắt chứng kiến ở ấp Lộc Hoà (xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có một quỹ tín dụng cấp... "ấp" mang đầy tình làng nghĩa xóm, đã gắn kết bà con khác đạo - khác dân tộc vào một khối, cùng nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Từ 100 triệu đồng

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, không chỉ Bí thư và Trưởng ấp, mà cả Linh mục chánh xứ và đông đảo bà con giáo dân đều tự hào về Quỹ tín dụng ấp Lộc Hoà. Giám đốc quỹ là ông Nguyễn Văn Kỳ - người nhỏ nhắn quắc thước, ánh mắt đầy nghị lực, nói với tôi bằng giọng trầm ấm: "Muốn hiểu vì sao chúng tôi lại mạnh dạn thành lập quỹ tín dụng cấp... "ấp", trước hết ông phải khái quát được tình hình chung của xã".

Ông kể: Tây Hoà là một xã được chia tách từ xã Trảng Bom 2 vào năm 1994, diện tích trải dọc theo hai bên quốc lộ 1A, quy tụ 7 dân tộc anh em. Trước đây, đường sá trong xã quanh co chật hẹp, nắng bụi, mưa sình. Cả xã chỉ có 30% số nhà xây cấp 4; có 4% số hộ có tivi; 15% số hộ có xe gắn máy và 34% số hộ có điện sinh hoạt.

Bà con chủ yếu dựa vào đất để sản xuất cây lương thực kết hợp với chăn nuôi, có một số hộ buôn bán và làm dịch vụ nhỏ... Phần lớn bà con ở đây đều nghèo và có nhu cầu vay vốn làm ăn.

Đảng uỷ, UBND xã đã họp bàn, nhận thấy quỹ đất để sản xuất nông nghiệp ở địa phương là một vùng đất đỏ badan rất thích hợp với các loại cây công nghiệp như càphê, điều, tiêu..., nhưng vốn đâu?

Ngân hàng thì chưa "với tay" tới dân, còn dân nghèo cần những nguồn vốn nhỏ thì lại không có tài sản thế chấp. Trước bối cảnh trên, Đảng uỷ, UBND xã Tây Hoà đã bàn với Linh mục chánh xứ, chọn và giao cho ấp Lộc Hoà vận động thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Lộc Hoà với phương châm "liên kết mọi người với nhau, hỗ trợ nhau về vốn để phát triển sản xuất".

Sau khi nghiên cứu kỹ đề án, rút ra những điểm khác nhau giữa HTX tín dụng cũ và mô hình quỹ tín dụng nhân dân, làm rõ một số quan điểm của Đảng và Nhà nước được thể chế hoá trong Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi mới tiến hành tuyên truyền vận động bà con đóng góp.

Do ấp Lộc Hoà có tới 65% số hộ theo đạo Thiên chúa, nên sau khi Bí thư và Chủ tịch xã cùng Linh mục chánh xứ xung phong góp vốn ban đầu, Trưởng ban hành giáo và các hộ dân cũng tự nguyện tham gia.

Chỉ trong vòng 3 tháng đã vận động được 100 triệu đồng vốn điều lệ. Ông Kỳ cười rạng rỡ: "Thế là đến cuối năm 1995, Quỹ tín dụng Lộc Hoà được Ngân hàng Đồng Nai cấp phép hoạt động".

Đến 20 tỉ đồng tiền gửi

Tôi đã tới trụ sở Quỹ tín dụng Lộc Hoà đặt tại số 66/4 ấp Lộc Hoà. Khi nói về "cái thuở ban đầu" của quỹ, Linh mục chánh xứ Trần Văn Minh lắc đầu, chép miệng: "Gian truân lắm! Bởi dư âm đổ vỡ của các HTX tín dụng trước đây đã làm mất lòng tin của bà con. Nhưng chúng tôi quyết tâm làm bằng được, vì có làm được thì mới mong bà con có vốn làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
 
Với quyết tâm trên, chúng tôi bắt tay vào các "chiến dịch" vận động. Vận động từ các thành viên sáng lập và nhân viên của quỹ phải thực sự đoàn kết, kiên trì, khắc phục khó khăn trước mắt, sau đó vận động đến người dân để họ nhận thức được rằng Quỹ tín dụng Lộc Hoà là của dân, do dân và gần dân.

Bà con cùng nhau thành lập nhằm mục đích góp vốn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có năng suất hiệu quả kinh tế cao, mở rộng ngành nghề bằng nhiều mô hình khác nhau, tạo ra việc làm, từng bước làm cho ấp mình không còn hộ đói, giảm hộ nghèo, ngày càng có nhiều hộ khá, tăng hộ giàu...".

Linh mục Trần Văn Minh xác định: "Nhận thức đó cũng chính là động lực phát huy tình làng nghĩa xóm, bà con lấy tinh thần đoàn kết tương trợ làm sức mạnh để cùng nhau phát triển kinh tế. Chính vì vậy không chỉ bà con trong ấp, mà cả xã đã tích cực tham gia xây dựng Quỹ tín dụng Lộc Hoà".

Ông Trần Văn Kỳ thông báo: Tính đến 31.10.2007, đã có tổng cộng 1.321 thành viên vay vốn, chiếm 75% số hộ của xã. Trong đó, diện nghèo có 156 thành viên, 95 thành viên là người dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn hiện nay là 25 tỉ đồng, trong đó có tới 20 tỉ đồng (chiếm 80% tổng nguồn vốn của quỹ) được huy động từ nguồn tiền gửi của bà con.

Ông Kỳ tự hào nói: "Cứ nhìn nguồn tiền gửi là có thể khẳng định được niềm tin trong dân đối với Quỹ tín dụng Lộc Hoà. Qua đó nó còn thể hiện rất rõ tính đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của bà con".

Cùng nhau phát triển kinh tế

Qua tìm hiểu thực tế, được biết: Từ đầu năm 1996 đến 31.10.2007, Quỹ tín dụng Lộc Hoà đã phát vay tới 12.744 lượt thành viên, với doanh số lên tới gần 167 tỉ đồng, trong đó có 375 lượt hộ nghèo và 298 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn làm ăn.

Từ nguồn vốn trên, hàng trăm hộ bà con ấp Lộc Hoà và xã Tây Lộc đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm... Sau một thời gian, hầu hết các hộ chăn nuôi đã lập trang trại tập trung.

Tiêu biểu là trang trại của hộ anh Nguyễn Anh Hải: Lúc chưa có Quỹ tín dụng Lộc Hoà, anh chỉ buôn bán nước đá và có 5 con heo. Được quỹ hỗ trợ về vốn, nay hộ anh đã có hàng trăm con heo nái và 500 con heo thịt.

Anh phấn khởi bày tỏ: "Kết quả tình làng nghĩa xóm đấy ông ạ. Không vốn, gia đình tôi có làm mửa mật cũng chẳng khá được". Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển, từ 108 hộ nay nâng lên 584 hộ, tăng 447% so với thời điểm chưa có Quỹ tín dụng Lộc Hoà, đã giải quyết việc làm cho 960 lao động trực tiếp là người trong xã.

Thắt chặt tình làng nghĩa xóm

Trao đổi với chúng tôi, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Riêu (85 tuổi, có 3 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) cười móm mém: "Sắp nhỏ làm giỏi lắm. Quỹ tín dụng Lộc Hoà đã trở thành cầu nối để bà con tương trợ giúp đỡ nhau về vốn".

Cha xứ Trần Văn Minh giải thích thêm: "Với phương thức gửi tiền tại chỗ để cho người tại chỗ vay, tuy chỉ có 20 tỉ đồng nhưng nghĩa tình thì rất bao la. Bà con đã thực sự thoát nạn cho vay nặng lãi, nạn bán sản phẩm non. Do đồng vốn được cung ứng đúng lúc, kịp thời, cộng với bản chất cần cù, tiết kiệm nên việc sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy mà số hộ nghèo trong xã theo chuẩn mực cũ đã xoá 100%, số hộ nghèo theo chuẩn mực mới giảm 50%".

Đơn cử, hộ anh Nguyễn Tiến Đạt (ngụ khu 2, ấp Lộc Hoà) trước thuộc diện xoá đói giảm nghèo, từ khi được vay vốn từ Quỹ tín dụng Lộc Hoà để làm ăn, đến nay gia đình anh đã mua được xe tải nhẹ, có một cửa hàng bán tạp hoá ở chợ Lộc Hoà.
 
Trường hợp hộ anh Tằng Ưn Hùng (người dân tộc Hoa) cũng vậy, trong tay có nghề làm bánh quy nhưng cuộc sống gia đình anh lại rất khó khăn vì thiếu vốn. Từ khi được vay vốn, đến nay anh đã là chủ lò bánh quy, cuộc sống gia đình ổn định, thậm chí anh còn giải quyết được việc làm cho 8 lao động tại chỗ.

Hộ anh Hồ A Hóng cũng thế, trước kia gia đình anh chủ yếu trồng lúa, cuộc sống rất chật vật. Từ khi được vay vốn, anh đầu tư vào chăn nuôi, đến nay hộ anh đã có một đàn heo 80 con, cộng với 5 con bò và một ao cá diện tích hàng ngàn mét vuông...

Tới tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp Lộc Hoà, chứng kiến sự đoàn kết của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, giáo xứ và bà con giáo dân trong việc xây dựng Quỹ tín dụng Lộc Hoà để cùng nhau phát triển, Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQVN Phạm Thế Duyệt xúc động nhận xét:

"Không gì thắt chặt tình làng nghĩa xóm hơn là việc bà con giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong làm ăn kinh tế, xoá đói giảm nghèo và Quỹ tín dụng Lộc Hoà là một mô hình hết sức sinh động nói lên điều đó".

Theo Báo Lao Động

Các tin liên quan