Quỹ tín dụng phát huy vai trò cấp vốn nhỏ tốt hơn ngân hàng
Hệ thống ngân hàng đã về các vùng sâu, vùng xa, nhưng người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do những điều khoản cho vay vốn còn nhiều phức tạp và chưa linh động đối với nhiều khoản vay. Sự hình thành và phát triển của hệ thống QTDND đã góp phần lấp “lỗ hổng” trong hoạt động ngân hàng ở nông thôn.
Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn từ QTDND
Sự ra đời và hoạt động của QTDND đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của người nông dân, hạn chế được tệ nạn cho vay nặng lãi và các hình thức biến tướng của nó ở nông thôn. Nhiều địa phương trước đây khi chưa có QTDND, nạn cho vay nặng lãi phát triển mạnh, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động của các QTDND, tình trạng này đã giảm hẳn. Thông qua việc cho vay, QTDND đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân thoát khỏi tình cảnh đói nghèo, đời sống được cải thiện. Nhiều hộ gia đình nhờ vay được vốn từ quỹ tín dụng đã vươn lên giàu có, nhiều thành viên QTDND đã trở thành những điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi.
Trên địa bàn TP. HCM, tính đến cuối tháng 5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thành lập và hoạt động cho 19 QTDND hoạt động trên 98 xã, phường, thị trấn thuộc 12 quận, huyện trên địa bàn. Vốn huy động tính đến thời điểm này đạt hơn 961 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cuối năm 2012. Tổng dư nợ của 19 quỹ TNDN đến cuối tháng 5 đạt trên 915 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,42%.
Dựa trên nền tảng mô hình tổ chức kinh tế tập thể và quản lý hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, hoạt động của các QTDND trên địa bàn Thành phố đã dần tạo được sự tín nhiệm của người dân, thành viên nơi quỹ hoạt động. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn, vùng sâu nơi các NHTM chưa có điểm giao dịch, một số quỹ tín dụng đã vươn lên và tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với các loại hình tổ chức tín dụng khác trên địa bàn.
Đến nay, các QTDND trên địa TP. HCM đã thu hút được 43.590 thành viên, bao gồm cá nhân, hộ gia đình và một số tổ chức kinh tế; giải quyết cho hơn 200.000 lượt thành viên và hộ gia đình vay vốn. Trong đó, có 50% các món vay không đủ tiêu chuẩn cho vay theo điều kiện của các NHTM, hoặc không thuộc đối tượng hỗ trợ bởi các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước như quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ giải quyết việc làm… Nhưng do có sự phối hợp của chính quyền địa phương, của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn hoạt động nên tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của các quỹ hiện chỉ chiếm 0,5% trên tổng dư nợ (5 tỷ đồng) và trường hợp có rủi ro sẽ được xử lý bằng quỹ dự phòng.
Hệ thống QTDND tại TP. HCM chỉ chiếm 0,05% trên tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn TP. HCM, nhưng hoạt động khá ổn định. Năm 2012, có 17/19 QTDND có lãi và nhiều quỹ có tỷ lệ cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng. Mức chia cổ tức cho các thành viên góp vốn của các quỹ trong năm 2012 đạt từ 14 - 20%.
Tuy nhiên, hoạt động của các QTDND đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Hầu hết QTDND hiện nay có quy mô nhỏ so với các loại hình TCTD khác, hoạt động chủ yếu ở khu vực ngoại thành, nông thôn, khách hàng chủ yếu là người lao động nghèo, buôn bán nhỏ nên khó cạnh tranh với loại hình TCTD khác. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn e dè đối với hoạt động của hệ thống QTDND, nên việc huy động tiết kiệm vẫn khó. Đa số quỹ tín dụng huy động vốn nhờ người thân hoặc mối quan hệ cá nhân, uy tín của từng thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành đối với người dân địa phương. Nhiều người dân chưa nhận thức rõ bản chất hoạt động của QTDND, mà đơn giản nghĩ rằng, việc trở thành thành viên QTDND là để được vay tiền, nên vẫn còn hạn chế trong việc đóng góp để xây dựng quỹ phát triển, góp phần quản lý và giám sát hoạt động của QTDND.