10.04.2008 14:45

Quỹ tín dụng nhân dân - hình thức tín dụng hiệu quả, phù hợp ở nông thôn hiện nay

 
Nhân dân đến giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Minh Dân (Triệu Sơn).
Sau 8 năm hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở tỉnh hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển 43 QTDND hoạt động ở 13 huyện, thị và 26 HTX có hoạt động tín dụng nội bộ.

Hiện số QTDND đã thu hút trên 3.000 thành viên tham gia với tổng nguồn vốn hoạt động của 43 quỹ là 408,481  tỷ đồng. Bình quân mỗi quỹ có nguồn vốn hoạt động đạt trên 9 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ bình quân toàn tỉnh là 470 triệu đồng; vốn huy động tại chỗ đạt 5,5 tỷ đồng; nguồn vốn vay bình quân từ quỹ tín dụng Trung ương là 2 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân hàng năm đạt từ 25-30%. Hiện tại các QTDND trên địa bàn đã giải quyết cho gần 16 nghìn lượt thành viên vay vốn với doanh số cho vay 215 tỷ đồng, bình quân 14 triệu đồng/món vay. Tổng dư nợ cho vay của cả hệ thống đạt 378,451 tỷ đồng, bình quân dư nợ đạt 8 tỷ đồng/quỹ.

Trong hoạt động tín dụng, các QTDND với lợi thế là những món vay nhỏ, lẻ, thủ tục đơn giản, thời gian làm việc linh hoạt, cán bộ tín dụng là người luôn thường xuyên với khách hàng nên giám sát được việc sử dụng vốn vay, quá trình luân chuyển vốn. Hơn nữa việc tính toán cho vay sát với nhu cầu vay vốn, mục đích, chu kỳ sản xuất kinh doanh nên các QTDND bảo đảm thu nợ kịp thời. Vì thế hạn chế được rủi ro trong tín dụng.
 
Cùng với việc huy động vốn, các QTDND đã chủ động trong việc cho vay, thường xuyên bám sát định hướng phát triển kinh tế tại địa phương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hoá ngành nghề, mở rộng kinh doanh, dịch vụ để mở rộng kế hoạch đầu tư cho vay đúng hướng giúp thành viên phát huy được hiệu quả vốn vay. Một số QTDND như Định Tường, Tân Ninh... còn tích cực hướng dẫn cho thành viên sử dụng vốn vay đầu tư vào các ngành nghề mới đạt hiệu quả.

Đánh giá chung theo các tiêu chí hiện nay các QTDND trên địa bàn toàn tỉnh đều hoạt động khá. Với việc đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển các ngành nghề, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cho các đối tượng đi xuất khẩu lao động vay vốn... hệ thống QTDND trên địa bàn đã góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, làm cho người dân tin tưởng vào các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Để hình thức tín dụng này được mở rộng và hoạt động có hiệu quả, các địa phương nên tạo điều kiện nâng cao vị thế, môi trường hoạt động bằng việc cho thuê, mượn đất lâu dài để xây dựng trụ sở giao dịch vì hầu hết các QTDND hiện nay đều đang phải thuê, mượn đất của UBND xã (ngoài một số quỹ hoạt động khá đã dành vốn tích lũy xây dựng trụ sở mới như QTDND xã Tân Ninh, Dân Lý (Triệu Sơn). QTDND là mô hình kinh tế HTX, hoạt động với mục đích tương trợ cộng đồng, nguồn vốn hoạt động là tự huy động lại hoạt động trong môi trường nông thôn nên tiềm ẩn rất nhiều khả năng rủi ro. Để hệ thống QTDND hoạt động có hiệu quả cần hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo cán bộ, tăng cường, hướng dẫn,  kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm về hoạt động tín dụng nội bộ, tạo điều kiện cho các HTX thực hiện tín dụng nội bộ được an toàn hiệu quả.  
Theo Báo điện tử Thanh Hóa

Các tin liên quan