|
Ông Lê Cam - Chủ Tịch Hội đồng quản trị QTDND Xuân Trường |
Đã nhiều năm nay, Quỹ Tín dụng nhân dân Xuân Trường (Xuân Lộc-Đồng Nai) được đánh giá là “chỗ dựa tin cậy của người dân” vùng sâu, vùng xa nơi đây. Có được điều này là nhờ Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và các thành viên góp vốn đều thống nhất một quan điểm: “Cái gì có lợi cho xã viên và người dân thì làm”.
Luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu
Ông Lê Cam sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Hòa Khánh (Hòa Vang - TP. Đà Nẵng). Học hết trung học phổ thông, ông vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Câu nói của mẹ: “Mẹ nghèo không có gì cho con, chỉ cho con cái chữ để con biết cách làm người” đã đi theo ông suốt năm tháng.
Trường trải qua nhiều nhiều nhiệm vụ như phóng viên đài phát thanh và truyền hình, trưởng công an xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường... nên ông “hiểu người dân như hiểu chính bản thân mình”. Ông nhận ra rằng, vùng đất này màu mỡ, người dân có chí làm giàu nhưng do thiếu vốn nên không thể phát triển kinh tế được.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông quyết định đứng ra vận động mọi người góp vốn thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Xuân Trường. “Lúc ấy, thật khó khăn để thuyết phục mọi người bỏ tiền tham gia vào Quỹ vì dư âm sụp đổ của hệ thống HTX tín dụng vẫn còn đó. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và uy tín của những người tham gia góp vốn (hầu hết là cán bộ trong huyện, xã, các ban, ngành, đoàn thể) nên phần nào tạo sự yên tâm cho bà con”, ông nói.
Ngày đầu mới thành lập (năm 1994), Quỹ TDND Xuân Trường chỉ thu hút được 422 thành viên của 3 xã và 1 thị trấn tham gia với số vốn 900 triệu đồng nên chỉ giải quyết cho vay 2 triệu đồng/hộ, mỗi hộ được vay 2 lần trong năm. Số tiền tuy ít ỏi nhưng đến đúng tay người đang cần vốn chẳng khác nào “chết đuối vớ được cái phao”. Ông bộc bạch: “Mình cũng lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nên rất thông cảm với người dân. Những ai gặp rủi ro trong sản xuất, tôi bàn với anh em trong Hội đồng quản trị khoanh nợ, tiếp tục cho vay để phát triển sản xuất”.
Với phương châm “sát dân để hiểu dân”, Quỹ đã phối hợp với các trưởng ấp, chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên... giúp bà con xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đồng thời giám sát, hỗ trợ họ sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Nhờ vậy, độ rủi ro của Quỹ rất thấp (0,02%). Các quỹ khác thường có xu hướng mở phòng giao dịch ở trung tâm nhưng Quỹ TDND Xuân Trường làm ngược lại, mở 2 phòng giao dịch tại xã Suối Cao (xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc) để người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, giảm chi phí, thời gian đi lại... Chính vì vậy, uy tín của Quỹ ngày càng nâng cao, thu hút 3.197 hộ thành viên với số tiền 36 tỷ 698 triệu đồng, giải quyết cho mỗi hộ vay 22 triệu đồng/lượt, tăng gấp 10 lần năm 1994.
Chỉ tính riêng năm 2008, Quỹ đã giải quyết cho 1.466 lượt hộ vay 32 tỷ đồng, hỗ trợ vốn cho 10 trang trại, 325 hộ kinh doanh trên 10 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có 2.750 hộ có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Quỹ còn tích cực tham gia vào các công tác xã hội, từ thiện như: xây dựng 13 căn nhà tình nghĩa, tình thương; cấp 5 sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi sổ 1 triệu đồng) với tổng số tiền trên 50 triệu đồng.
Ông Cam cho biết: “Thời gian tới, Quỹ tiếp tục tăng vốn điều lệ, mở thêm các điểm giao dịch ở vùng sâu, vùng xa; đào tạo cán bộ-công nhân viên, nâng cao nghiệp vụ để giúp bà con tiếp cận đồng vốn nhanh gọn, chính xác, an toàn, tránh phiền hà cho dân”.
Thay da, đổi thịt nhờ được vay vốn
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng 40ha của mình, ông Trần Văn Khanh ở ấp Chà Rang, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) nói: “Trước đây, tôi chỉ biết trồng khoai mì, bắp, đậu để trang trải cuộc sống. Khi Quỹ TDND Xuân Trường ra đời, tôi mạnh dạn tham gia vào làm thành viên để vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua Quỹ, gia đình tôi vay trên 70 triệu đồng để tạo dựng trang trại. Hiện gia đình tôi đạt thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng. Khi có nguồn vốn nhàn rỗi, tôi lại tham gia gửi vào quỹ để giúp các hộ khác có vốn làm ăn. Đến nay, ấp đã có hơn 30 hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ Quỹ”.
Anh Trịnh Hải Đường, Giám đốc Quỹ TDND Xuân Trường khẳng định, phương châm hoạt động của Quỹ là “Cái gì có lợi cho dân là làm”. Theo đó, Quỹ đã hỗ trợ vốn cho 77 lượt phụ nữ nghèo với số tiền 107 triệu đồng; hỗ trợ vốn cho 87 lượt thành viên là người dân tộc 576 triệu đồng, giúp 612 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, theo ông Cam, để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn, rất cần các nguồn vốn hỗ trợ khác như Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, vốn 120, Chương trình 135, vốn xóa đói giảm nghèo...
Có thể thấy, Quỹ TDND Xuân Trường là kênh tiếp vốn khá hiệu quả, cần nhân rộng mô hình này tại các xã vùng sâu, vùng xa.