Nguồn vốn QTDND theo những vòng quay đã thẩm thấu vào trong các dự án đầu tư giúp người dân Vĩnh Thịnh tạo dựng sinh kế bền vững. Hiện quỹ có 905 thành viên, trong đó riêng vay bò sữa khoảng 300 thành viên
Chúng tôi đến Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc khi quỹ vừa chuyển lên ngôi nhà mới. Nói là nhà mới cũng không phải, bởi nó chỉ được mở rộng thêm phần hậu cho diện tích làm việc tăng gấp đôi, song mỗi cán bộ trong quỹ ai cũng hân hoan bởi như Giám đốc Nguyễn Văn Vân nói, mỗi đồng vốn trong quỹ là tài sản của các thành viên. Vì vậy, Quỹ không muốn lãng phí, mà chỉ mở rộng diện tích đủ để phục vụ các thành viên tốt hơn, quan trọng là tiết kiệm từng đồng vốn để cho thành viên vay, gia tăng chgửi gắm cả vào quỹ hàng chục năm nay.
Cho đến nay, QTDND xã Vĩnh Thịnh đã có bề dày 19 năm hoạt động. Cái thuận của quỹ là sự ủng hộ và tin tưởng của người dân ngay từ ngày đầu thành lập bởi thành viên sáng lập ngày đó là cán bộ cốt cán ở địa phương, các cán bộ hưu trí. Đặc biệt, đó những người sinh ra trên mảnh đất này, vừa thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân, vừa có kinh nghiệm từng hoạt động quản lý trên thương trường, lại vừa từng là người vay vốn như Giám đốc Nguyễn Văn Vân. Mục tiêu mà ngay từ ban lãnh đạo quỹ hướng đến là xây dựng một mô hình quỹ lấy chữ tín làm đầu với các thủ tục vay tiện giản và thuận lợi nhất để các thành viên từ tin tưởng đến vay rồi gửi tiền vào quỹ.
Ông Vân kể, hồi những năm 2000, người dân đã đặt kỳ vọng vào dự án bò sữa của Bỉ mang vào mảnh đất này, lúc đó một số ngân hàng cũng tham gia đầu tư, song đến năm 2006, mô hình này dường như thất bại bởi mối liên kết lỏng lẻo giữa đầu mối thu mua sữa và người dân. Cũng bởi vậy, sau năm 2006, khi chính quyền địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án chăn nuôi này ở Vĩnh Thịnh cũng như trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả.
Song, Ban lãnh đạo quỹ lại có lòng tin, tích cực cho vay vào dự án này, đặc biệt là khi có các thương hiệu như Vinamilk và Cô gái Hà Lan thu mua sản phẩm ở đây. Dòng vốn tín dụng dần được mở rộng đã có hiệu quả, tạo hiệu ứng dây chuyền tích cực, hình thành nên vùng chăn nuôi bò sữa cho toàn xã. Màu xanh của lúa dần nhường lại cho những đồng cỏ mênh mông và số lượng bò sữa cũng mỗi ngày một tăng theo những vòng quay vốn. Song không vì thế mà quỹ lơ là trong thẩm định dự án. Bên cạnh hướng dẫn, tư vấn người dân vay vốn, quỹ cũng cương quyết không cho vay những hộ dân chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thu mua sữa, chưa có mã vạch được nhà thu mua sữa công nhận. Chính cách làm này đã làm tăng dần tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, tạo niềm tin với nhà cung ứng, cũng là tạo cơ hội phát triển quy mô lớn hơn cho các hộ sản xuất.
Như hộ ông Nguyễn Văn Thành, thôn An Lão, sau thành quả chăn nuôi đôi bò sữa được tài trợ từ dự án của Bỉ, năm 2011, gia đình đã tiếp cận nguồn vốn của QTDND 50 triệu để mua thêm 2 con bò. Những vòng quay vốn và thành quả lao động đã giúp vợ chồng ông có được một đàn bò 20 con. Với mỗi con cho sản lượng 20 lít sữa/ngày và giá khoảng 12.500-14.000 đồng/lít, mỗi ngày gia đình có doanh thu tầm 5 triệu đồng. Cũng bởi hiệu quả từ việc chăn nuôi bò, vợ chồng ông đã bàn bạc để con trai và con dâu thôi việc ở khu công nghiệp về chăn nuôi bò sữa. Vừa qua, ông Thành đã bán đi 10 con bò và vay 700 triệu của QTDND để dịch chuyển trang trại từ nhà ra phía ngoài cánh đồng, và chuẩn bị mua thêm 20 con bò, tăng đàn lên 30 con.
Cán bộ Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Vĩnh Phúc và QTDND xã Vĩnh Thịnh thăm mô hình nuôi bò sữa của thành viên - gia đình ông Nguyễn Văn Thành
Những dự án chăn nuôi bò hiệu quả và ngày càng được mở rộng khiến một vùng quê Vĩnh Thịnh luôn trong tình trạng “đói vốn”, đây cũng là lý do, mối quan hệ giữa NHHT và QTDND trở lên thân tình trong nhiều năm qua. Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho quỹ phát triển cho vay chăn nuôi bò, Giám đốc Tân cho biết, quỹ đã tận dụng nguồn vốn ADB của NHHT để cho người dân vay dự án làm bioga, vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa hỗ trợ người dân tận dụng làm vật liệu đốt.
Quỹ luôn xác định, đạo đức là vấn đề quan trọng bậc nhất trong hoạt động, đặc biệt là với những người nông dân thuần phác ở quê. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo quỹ luôn yêu cầu cán bộ nhân viên là không được làm khó người dân. Hơn thế, từ sự am hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, Giám đốc Vân cũng xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động phát triển nhằm đáp ứng những nguyện vọng đó. Các thành viên đến vay vốn chỉ cần ủy quyền, cán bộ quỹ sẽ đi làm toàn bộ các thủ tục cần thiết và người dân chỉ cần đến để ký hoàn thiện hồ sơ.
Quan hệ quỹ và thành viên thêm khăng khít hữu cơ khi cán bộ quỹ cũng làm người dân để dân hiểu được công việc của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho quỹ. Như trước kia, hàng tháng, cán bộ quỹ vất vả đi thu lãi tại từng nhà dân, sau này, khi có quy định thu tại quỹ, lúc đầu, nhiều người không đúng hẹn, cán bộ quỹ gọi điện nhắc nhở, rồi mọi việc trở nên suôn sẻ hơn. Cùng với đó, với các hộ hết hạn vay, có nhu cầu vay lại quỹ cũng xử lý rất nhanh chóng. Sự thuận lợi trong tiếp cận vốn, đặc biệt là sự tin tưởng của thành viên với quỹ là nền tảng cơ bản để quỹ phát triển.
Trụ sở khang trang cùng trang thiết bị hiện đại của QTDND xã Vĩnh Thịnh
Bản thân ông Vân cũng luôn đi thực tế nắm bắt tình hình sử dụng vốn của thành viên, động viên họ phát triển mở rộng sản xuất.
Cứ như thế, nguồn vốn QTDND theo những vòng quay đã thẩm thấu vào trong các dự án đầu tư giúp người dân Vĩnh Thịnh tạo dựng sinh kế bền vững. Hiện quỹ có 905 thành viên, trong đó riêng vay bò sữa khoảng 300 thành viên.
Tính đến 30/9/2019, dư nợ cho vay của QTDND Vĩnh Thịnh đạt 75 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay NHHT 16,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã giúp quỹ nâng số đàn bò sữa trong xã lên 7.503 con bò sữa.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân Vĩnh Thịnh phát triển kinh tế, quỹ đặt mục tiêu tăng thành viên lên 1000 vào năm 2024 với vốn góp đạt 2 tỷ đồng. Mức tăng trưởng huy động vốn bình quân năm từ 10-15%, phấn đấu đến năm 2024 tăng đạt 100 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 110 tỷ đồng góp phần cùng thành viên xây dựng Vĩnh Thịnh ngày càng phát triển.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024