|
Lãnh đạo Hiệp hội tại một buổi tọa đàm ở QTDTW chi nhánh Quảng Bình |
Tôi cứ nghĩ khi đi thực tế cơ sở ngày nghỉ thứ 7 sẽ chẳng làm được việc gì, thôi thì lang thang với chiếc máy ảnh may ra chớp được cái gì chăng.
Buổi sáng hôm ấy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) thật bình lặng. Tạt vào một quán cà phê bên đường, cảm nhận đầu tiên là cà phê ở đây thật ngon, rất sánh, đậm và thơm ngào ngạt. Tình cờ nhìn qua bên đường, thấy trụ sở Quỹ tín dụng Nhân dânTrung ương (QTDTW) chi nhánh Quảng Bình rất uy nghi với ngọn cờ tung bay trên nóc nhà. Tôi lấy điện thoại di động gọi cho anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc chi nhánh, chỉ chưa đầy mươi phút sự ồn ào của anh đã đến với quán. Hoá ra bàn bên cạnh chúng tôi là các khách hàng của anh Hải, màn chào hỏi thật nhanh và tôi chắc chắn trong lòng, được việc rồi đây.
Dáng người nhỏ thó và chắc nịch, anh Dương Minh Hiến, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) xây dựng tổng hợp Nam Hà (Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) bắt tay chúng tôi hồ hởi: Từ khi thành lập công ty, trên 10 năm nay tôi chỉ quan hệ vay vốn với QTDTW chi nhánh Quảng Bình. Nhờ có vốn vay của quỹ mà công ty ăn nên làm ra. Rồi anh cho biết, doanh số hoạt động bình quân năm của công ty đạt gần 30 tỷ đồng giá trị xây lắp, lương công nhân đạt 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách 260 triệu đồng/năm, dư nợ tín dụng thường xuyên với quỹ 4 tỷ đồng và không bao giờ có nợ quá hạn. Anh Hiến tâm đắc: ông Hải dù là người làm "tiền" nhưng lại giỏi nghề xây dựng, chính ông Hải đã chỉ cho tôi rất nhiều cung cách làm ăn, giúp đỡ tận tình về thủ tục vay vốn và các dịch vụ ngân hàng khác, sự kịp thời nhanh chóng trong giao tiếp của quỹ là cái cần nhất đối với các doanh nghiệp chúng tôi.
Chuyện đang rôm rả, bỗng anh Hải bảo chúng tôi, ngày nghỉ nhưng nhà báo cứ đi sẽ biết các doanh nghiệp họ có nghỉ không, rồi anh gọi điện thoại cho lái xe.
Qua cầu Nhật Lệ, cây cầu đẹp nhất của thành phố Đồng Hới bắc qua sông Nhật Lệ, xe đưa chúng tôi sang vùng quê Mẹ Suốt. Tượng đài Mẹ Suốt anh hùng cao đẹp đứng bên bờ sông Nhật Lệ hướng ra biển xa như nhắc nhở chúng tôi về sự hiên ngang, bất khuất của Mẹ Suốt và của người dân Quảng Bình. Con đường ra biển đến cơ sở vay vốn của quỹ đang được quy hoạch còn ngổn ngang đất đá. Cả một vùng cát trắng, những cồn cát nhấp nhô chạy dài dọc bờ biển lúp súp cây dại. Xa xa đã thấy những đầm, hồ được cải tạo, những dàn máy chạy xả khí, xục nước tung bọt trắng xoá, những hồ nuôi tôm thẻ của Công ty TNHH thuỷ sản Hưng Biển. May sao giám đốc công ty Trần Vĩnh Dũng có nhà, cùng chúng tôi ra thẳng nơi có 2 chiếc xe ôtô tải đông lạnh đang nhập hàng bên bờ hồ. Gió biển lạnh và rào rạt lắm. Gần 2 chục công nhân đang hối hả thu hoạch tôm đưa lên xe để chở ra Hà Nội. Anh Dũng cho biết, với trên 17 ha đất của công ty, trong đó có 13 ha mặt nước nuôi tôm thẻ theo phương pháp công nghiệp, ngày nào công ty cũng xuất hàng tấn tôm (2 xe ôtô) ra Hà Nội. Tôi nhẩm tính, vụ này công ty xuất 120 tấn, cả năm ước đạt 260 tấn, giá bán bình quân 60.000 - 70.000 /đồng/kg thì doanh thu cả năm cũng đạt gần 20 tỷ đồng, trừ chi phí công ty cũng lãi 5 hoặc 7 tỷ đồng/năm. Đấy là thắng lợi, còn nuôi tôm nhiều rủi ro lắm, chỉ lơ là một chuốt thôi có khi đi đứt vì tôm đã bị bệnh thì sẽ chết hàng loạt, trắng đầm, trắng tay ngay không gì cứu vãn nổi - anh Dũng nói. Thế mới biết làm ra con tôm thật khổ, thật khó.
Để có được cơ ngơi nuôi tôm thẻ như hiện nay, công ty Hưng Biển đã trải qua biết bao khó khăn, bao bĩ cực. Ngày đầu nuôi tôm sú, như năm 2004, 2005 công ty lỗ 4 tỷ đồng, bờ vực phá sản đã hiển hiện trước mắt tưởng chừng phải bán công ty. Dư nợ vay dài hạn QTDTW chi nhánh Quảng Bình trên 3 tỷ đồng còn nằm ở cải tạo bờ vùng hồ, “đăp chiếu” chờ xử lý và Giám đốc QTDTW Nguyễn Văn Hải tưởng chừng bị kỷ luật vì sự liều lĩnh trong cho vay. Cùng trong lúc đó Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng cho vay trên 2 tỷ đồng, ngày nào cũng đến thúc nợ, yêu cầu giải chấp vay. Nhưng, sự kiên trì say nghề cộng với sự giúp đỡ của bạn bè, của gia đình, đặc biệt là sự “tiếp” của QTDTW Quảng Bình đã giúp ảnh đứng vững. Anh đi tầm sư học đạo bên trời Tây, anh sang Mỹ học cách nuôi tôm thẻ và mua giống tôm thẻ của Mỹ. Anh thuê chuyên gia người Trung Quốc với mức lương 12 triệu đồng/tháng (chưa kể các chi phí sinh hoạt khác) về trực tiếp chăm lo kỹ thuật, hướng dẫn nuôi tôm thẻ theo phương pháp công nghiệp, một loại tôm có năng suất cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt của Quảng Bình và anh đã thắng. Công ty đã khởi sắc chỉ sau 1 vụ tôm đầu tiên thu hoạch. Chỉ chưa đầy 2 năm, 4 vụ tôm xuất bán, công ty trang trải song nợ của ngân hàng và QTD. Anh Dũng cho biết, anh sống được, ngoài sự đùm bọc của bạn bè, cái cốt lõi là QTD đã tiếp "sức" cho công ty. Đến nay, công ty dư nợ thường xuyên với QTD bởi vài ba tỷ đồng, nhưng không có nợ quá hạn. Đặc biệt từ khi thành lập công ty, anh rất thuỷ chung với QTD, hầu như mọi giao dịch tiền vốn, thanh toán… anh đều thông qua tài khoản tại. Đối với Doanh nghiệp nhỏ như công ty anh sự tiếp sức của QTD là vô cùng quý giá” anh tâm sự.
Được biết, hiện tổng nguồn vốn của QTDTW chi nhánh Quảng Bình là trên 295 tỷ đồng, đây là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như bà con nông dân, nhân dân trên địa bàn. Tổng dư nợ hiện nay đạt gần 160 tỷ đồng, chất lượng tín dụng đạt cao, tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định. Theo anh Hải, ngoài nhiệm vụ điều hoà vốn đối với các quỹ tín dụng trên địa bàn 3 tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa thiên Huế) QTDTW chi nhánh Quảng Bình luôn là địa chỉ tin cậy của mọi khách hàng trong hoạt động huy động và cho vay vốn cũng như các dịch vụ ngân hàng.