16.08.2010 09:04

Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương – 15 năm xây dựng và phát triển

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 3 loại hình QTDND cơ sở, QTDND khu vực và QTDND Trung ương. Theo Đề án thí điểm thành lập QTDND ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì các QTDND cơ sở là tổ chức kinh tế hợp tác do các thể nhân và pháp nhân ở nông thôn tự nguyện góp vốn thành lập (hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động) nhằm mục tiêu huy động vốn tại chỗ để cho vay tại chỗ, hỗ trợ giúp đỡ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống; các QTDND khu vực do các thành viên là QTDND cơ sở và một số thể nhân, pháp nhân được QTDND chấp thuận góp vốn thành lập nhằm thực hiện việc điều hòa vốn, cho vay đối với các QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trong khi đó QTDND Trung ương có chức năng điều hành phối hợp, quản lý thống nhất về cân đối vốn, bảo đảm khả năng chi trả và thanh toán, làm đầu mối thanh toán bù trừ của toàn hệ thống QTDND, đồng thời quan hệ với Chính phủ, NHNN, các Tổ chức tín dụng và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, bảo đảm hoạt động phát triển ổn định của cả hệ thống QTDND.

Sau khi thí điểm thành lập các QTDND cơ sở được 2 năm, đồng thời ở các tỉnh, thành phố có số lượng các QTDND tương đối tập trung cũng đã tiến hành thành lập được 21 QTDND khu vực; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định cho phép thành lập QTDND Trung ương vào cuối năm 1994. Ngày 8/6/1995 Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 162/QĐ-NH5 cho phép thành lập QTDND Trung ương và chỉ sau một thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương, ngày 05/8/1995 QTDND Trung ương đã chính thức khai trương hoạt động, đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống QTDND. Với sự ra đời của QTDND Trung ương, mô hình hệ thống QTDND 3 cấp ở Việt Nam đã chính thức được hoàn thiện đúng theo tinh thần Đề án thí điểm thành lập QTDND đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên những năm đầu tiên sau khi ra đời, hoạt động của QTDND Trung ương gặp rất nhiều khó khăn do trong giai đoạn này hệ thống QTDND còn đang hoạt động theo mô hình thí điểm 3 cấp, các QTDND khu vực đều được thành lập ở các địa bàn có nhiều QTDND cơ sở; vì vậy việc mở rộng mạng lưới chi nhánh để phát triển hoạt động của QTDND Trung ương cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế. Trong khi đó, năng lực tài chính của các QTDND khu vực còn hạn chế, đồng thời cơ chế điều hòa vốn và tính liên kết giữa QTDND Trung ương với các QTDND cơ sở bị chia cắt, chưa tạo thành sự liên kết chặt chẽ trong hệ thống. Mặt khác do QTDND Trung ương mới được thành lập, mạng lưới chưa phát triển, uy tín chưa cao nên khả năng huy động vốn từ cộng đồng dân cư và nền kinh tế còn thấp. Từ những lý do trên, khả năng hỗ trợ, điều hòa vốn của QTDND Trung ương đối với hệ thống QTDND trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế. Sau khi ban chỉ đạo Trung ương thí điểm thành lập QTDND tiến hành tổng kết thí điểm vào đầu năm 2000 nhằm đánh giá những ưu, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thành lập QTDND, Bộ chính trị đã ban hành chỉ thị số 57/CT-TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND khẳng định chủ trương đúng đắn về phát triển mô hình QTDND, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm gây mất an toàn trong hoạt động để từ đó yêu cầu các cấp ủy tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở làm tốt việc củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Thực hiện chỉ thị số 57/CT-TW của Bộ Chính trị, ngày 28/11/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, theo đó một trong những nội dung hết sức quan trọng là hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các QTDND theo hướng chuyển từ mô hình 3 cấp bao gồm QTDND cơ sở, QTDND khu vực và QTDND Trung ương sang mô hình 2 cấp chỉ còn QTDND cơ sở và QTDND Trung ương; trong đó mỗi QTDND là một đơn vị kinh tế độc lập, có hình thức liên kết và chỉ đạo thích hợp trong phạm vi cả nước để quản lý và kiểm tra hoạt động trong nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn cho từng QTDND và toàn hệ thống.

Để triển khai thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/03/2001 Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 207/QĐ - NHNN về việc phê duyệt Đề án tổng thể mở rộng mạng lưới hoạt động của QTDND Trung ương với nội dung chính là chuyển đổi mô hình QTDND 3 cấp thành mô hình QTDND 2 cấp bằng cách sáp nhập 21 QTDND khu vực và chuyển thành chi nhánh của QTDND Trung ương; đồng thời thành lập chi nhánh mới ở các tỉnh, thành phố chưa có QTDND khu vực và tiếp nhận bàn giao công tác điều hòa vốn cho tất cả các QTDND cơ sở nơi chưa có QTDND khu vực hiện đang do NHNN chi nhánh các Tỉnh, thành phố đảm nhiệm về QTDND Trung ương. Với tinh thần chủ động, QTDND Trung ương đã khẩn trương và tích cực xây dựng, ban hành các văn bản, cơ chế và các công tác chuẩn bị phục vụ cho việc bàn giao, sáp nhập nên chỉ trong 6 tháng cuối năm 2001, QTDND Trung ương đã phối hợp với các QTDND khu vực và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hoàn thành việc sáp nhập, chuyển giao 21 QTDND khu vực thành chi nhánh của QTDND Trung ương; đồng thời thành lập thêm 2 chi nhánh mới; đưa số lượng chi nhánh đạt tới 24 chi nhánh trên toàn quốc. Tiếp đó, ngay trong 6 tháng đầu năm 2002 QTDND Trung ương cũng đã hoàn thành việc chuyển giao công tác điều hòa vốn cho các QTDND cơ sở ở gần 30 tỉnh, thành phố chưa có QTDND khu vực và đang do NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đảm nhiệm chuyển sang cho các chi nhánh của QTDND Trung ương.

Như vậy là chỉ sau hơn 1 năm, QTDND Trung ương đã triển khai thành công Đề án mở rộng mạng lưới hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Thành công lớn nhất là chúng ta đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hệ thống QTNDN từ 3 cấp sang còn 2 cấp trong một thời gian rất ngắn nhưng hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND cơ sở mà ngược lại còn hỗ trợ tích cực cho quá trình thực hiện Đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND; thể hiện qua kết quả cụ thể như sau: Đến cuối năm 2002 (Sau 2 năm thực hiện Đề án) số lượng QTDND cơ sở yếu kém giảm từ 371 QTDND xuống còn 56 QTDND (tỷ lệ giảm 84,91%); số lượng QTDND hoạt động bình thường tăng từ 589 QTDND lên 827QTDND (tỷ lệ tăng 40,41%); số lượng QTDND quá yếu kém không thể củng cố chấn chỉnh được giảm từ 67 QTDND xuống còn 5 QTDND (tỷ lệ giảm 92,54%), tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống giảm từ 3,73% xuống còn 1,36% trên tổng dư nợ. Mặt khác trong quá trình củng cố, chấn chỉnh, tuy số lượng giảm đi 72 QTDND do thu hồi giấy phép hoạt động (bằng 7,5 số lượng QTDND) nhưng số lượng thành viên vẫn tăng thêm 123.683 người (tỷ lệ tăng 17,01%); tổng nguồn vốn hoạt động vẫn tăng từ 2.290 tỷ đồng lên 3.574 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 56,03%); dư nợ cho vay vẫn tăng từ 1.969 tỷ đồng lên 3.089 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 56,88%).

Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, chuyển giao vào cuối năm 2002, toàn hệ thống QTDND Trung ương chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới: hệ thống cơ chế chính sách trong quản trị điều hành được ban hành và ngày càng hoàn thiện; 24 chi nhánh từng bước được củng cố, tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, bổ sung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ (đặc biệt là cán bộ chủ chốt); chuyển đổi, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; hoàn thiện các cơ chế, quy chế trong quản trị và điều hành hoạt động của hệ thống; đồng thời củng cố, hoàn thiện các tổ chức Đảng, đoàn thể đủ sức lãnh đạo, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Cũng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, với vai trò là tổ chức đầu mối liên kết kinh tế của hệ thống, QTDND Trung ương đã đóng vai trò hết sức tích cực trong việc thành lập Hiệp hội QTDND Việt Nam - Tổ chức đại diện quyền lợi và đầu mối liên kết phát triển về mặt tổ chức của toàn hệ thống QTDND. Sau khi Hiệp hội QTDND Việt Nam được thành lập vào cuối năm 2005 và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2006, QTDND Trung ương đã cử một số cán bộ lãnh đạo có tâm huyết, kinh nghiệm về hoạt động QTDND tạo thành bộ khung cán bộ chủ chốt cho Cơ quan thường trực Hiệp hội; đồng thời quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt đối với hoạt động của Cơ quan thường trực Hiệp hội QTDND Việt Nam. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn Hiệp hội QTDND Việt Nam đã triển khai thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ cho các QTDND hội viên; bước đầu làm tốt vai trò tổ chức đầu mối liên kết phát triển hệ thống, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình phát triển ổn định về lâu dài cho bản thân Hiệp hội QTDND Việt Nam.

Song song với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, QTDND Trung ương cũng đóng vai trò trụ cột trong việc triển khai thực hiện thành công thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống ở 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và An Giang, góp phần tích cực vào việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động các QTDND cơ sở ở 3 tỉnh nói trên, đồng thời tạo tiền đề cho việc nghiên cứu thành lập Quỹ an toàn hệ thống trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy có thể nói kể từ khi chuyển đổi hoạt động của hệ thống QTDND từ mô hình cấp 3 sang mô hình cấp 2, QTDND Trung ương đã có sự phát triển vượt bậc, từ chỗ mới chỉ có trụ sở chính tại Hà Nội và 1 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay mạng lưới hoạt động của QTDNDN Trung ương đã phát triển lên tới 25 chi nhánh và hơn 50 phòng giao dịch, làm tốt nhiệm vụ điều hòa vốn và phục vụ, hỗ trợ cho 1045 QTDND cơ sở ở 56 tỉnh, thành phố hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững. Tính đến 30/6/2010, tổng nguồn vốn hoạt động của QTDND Trung ương đã tăng hơn 21 lần so với trước khi sáp nhập các QTDND khu vực, nguồn vốn huy động tăng gần 66 lần, đặc biệt là tiền gửi điều hòa từ các QTDND cơ sở tăng 630 lần, tổng dư nợ cho vay tăng hơn 22 lần. Bên cạnh việc chú trọng khai thác, phát huy nội lực, kể từ khi thành lập đến nay QTDND Trung ương cũng đã phát huy tốt vai trò đầu mối liên kết, tiếp nhận và triển khai thành công hơn 20 Dự án hỗ trợ kỹ thuật, tài chính quốc tế với tổng nguồn vốn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng cho hệ thống QTDND, được các tổ chức quốc tế như ADB, WB, DID (Canada), ICO (Tây Ban Nha), JBIC (Nhật Bản), AFD (Pháp), GTZ (CHLB Đức), Quỹ Bill và Melinda Gates…đánh giá rất cao.

Với những kết quả đã đạt được kể từ khi thành lập đến nay, QTDND Trung ương đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng do các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trao tặng và Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 (năm 2005), Huân chương lao động hạng 2 (năm 2010).

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, QTDND Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, là tổ chức đầu mối liên kết kinh tế của hệ thống QTDND, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần tích cực đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, phát triển an toàn và bền vững. Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc chuyển đổi hoạt động sang mô hình Ngân hàng Hợp tác xã theo quy định tại luật các Tổ chức tín dụng mới được ban hành, định hướng phát triển QTDND Trung ương trong thời gian tới sẽ tập trung vào 5 trọng tâm chính là (1) nâng cao năng lực tài chính, (2) tăng cường phát triển công nghệ và sản phẩm dịch vụ mới, (3) hoàn thiện mô hình tổ chức và các cơ chế quản trị điều hành, (4) tiếp tục mở rộng mạng lưới tiếp cận thành viên, trong đó đặc biệt chú trọng địa bàn nông nghiệp - nông thôn, (5) phát triển nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, năng động và sáng tạo, đồng thời vững vàng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Với việc triển khai thực hiện tốt định hướng phát triển nói trên, chúng ta tin tưởng rằng QTDND Trung ương sẽ thực sự trở thành Ngân hàng đầu mối đủ khả năng hỗ trợ cho hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững, đồng thời gắn kết hoạt động của hệ thống QTDND với các loại hình kinh tế hợp tác xã khác theo đúng tinh thần Quyết định số 272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập QTDND Trung ương và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng II


T.S Trần Quang Khánh
Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam
Chủ tịch HĐQT QTDND Trung ương

Các tin liên quan