Thăm hộ anh Phan Văn Tiệp ở khu 5, xã Thạch Sơn, chúng tôi lại càng thấm chữ tình của việc phát triển mô hình QTDND. Anh chỉ và cho biết hai ngôi nhà hai tầng mới khang trang trong khuôn viên đất của cha mẹ để lại này là nhà của anh và anh trai anh, và đó là nhờ QTDND Thạch Sơn. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn ấy, anh Tiệp cho biết, bố anh mất sớm, mẹ anh tần tảo nuôi 4 đứa con, cả nhà chỉ trông vào cây lúa, nên cuộc sống cơ cực bữa no, bữa đói. Cũng bởi thế mà các anh khi trưởng thành đều nhanh chóng tìm việc làm gánh vác gia đình thay mẹ. Anh trai của Tiệp là anh Phan Văn Mẫn chọn nghề lái xe, phụ giúp mẹ nuôi các em nhưng cuộc sống cùng không khá lên là mấy. Song cũng từ kinh nghiệm trong nghề và có mối quan hệ, anh Mẫn đã tính chuyện vay vốn tín dụng về mua xe làm riêng. Ngày đó, căn nhà cấp 4 cũ trên nền mảnh đất anh đang ở có đi thế chấp vay ngân hàng cũng chẳng đặng. Nhưng khi ra QTDND Thạch Sơn, anh được lãnh đạo quỹ cũng như cán bộ tín dụng tiếp đón ân cần.
Nguồn vốn từ QTDND Thạch Sơn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương
Bà Quản Thị Thịnh, Giám đốc QTDND Thạch Sơn cho biết, là bà con cùng trong xã, nên chúng tôi thấu hiểu được khó khăn của gia đình cũng như hiểu được ý chí và quyết tâm vươn lên của anh Mẫn khi đó, vả lại cũng thấy, đây là một nghề triển vọng, lên dù không có tài sản thế chấp nhưng quỹ vẫn tin tưởng cho vay. Gia đình anh Mẫn vì thế đã mua được 1 chiếc xe tải chạy phục vụ công trường. Khó khăn trong gia đình cũng giảm bớt theo những chuyến xe chở hàng ngày mỗi nhiều. Đến khi anh Tiệp trưởng thành, gia đình tiếp tục vay vốn đầu tư thêm cho anh một chiếc xe. Việc kinh doanh dịch vụ vận tải đem lại thu nhập bình quân cho anh khoảng 10 triệu đồng/tháng. Kể từ khoản vay đầu tiên năm 2008, đến nay qua tích lũy kinh doanh, anh cùng anh trai đã xây dựng được 2 cơ ngơi thay cho căn nhà cấp 4 trước đó. “Từ đầu tư xe, xây nhà, mở rộng đầu tư đất, hoạt động kinh doanh nào của gia đình tôi cũng đều có sự hỗ trợ của QTDND”, anh Tiệp cho biết.
Còn với anh Phan Văn Trung, nguồn vốn vay từ QTDND đã giúp anh chuyển đổi từ nghề làm sửa chữa xe máy, làm cơ khí sang làm lò gạch từ những năm 2004- 2005. Từ một lò quy mô nhỏ ban đầu, đến nay, anh đã mở ra 4 lò gạch với công suất 7000 gạch ngày/lò, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động. Mặc dù nhiều TCTD tiếp cận, song anh vẫn duy trì mối quan hệ tín dụng với QTDND Thạch Sơn không chỉ bởi thâm tình nhiều năm mà còn từ chính chất lượng phục vụ của quỹ.
Chủ tịch QTDND Thạch Sơn, Trần Trọng Thuận cho biết, hơn 20 năm thành lập, cũng là chừng ấy thời gian, xã trải qua nhiều thay đổi theo các chu kỳ diễn biến thăng trầm của phát triển của nền kinh tế, từ buôn bán vật liệu xây dựng, đến buôn bán lương thực. Hay như trên địa bàn, xã hiện đang tổ chức quy hoạch nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi lợn từ 2005. Đặc biệt, với việc quanh Thạch Sơn có khu công nghiệp super phốt-phát và hóa chất Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng, nên cơ cấu của xã cũng đã có sự chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp dịch vụ với mục tiêu tiến tới chỉ còn 20% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% là công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nhân những khu công nghiệp lân cận. Việc hỗ trợ thành viên của quỹ cũng dựa vào đó để có những định hướng tín dụng phù hợp, thúc đẩy, định hướng và lợi thế kinh tế của xã theo tín hiệu thị trường.
Lãnh đạo QTDND xã Thạch Sơn nhận định, việc tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với phát triển các nguồn vốn. Từ việc tuyên truyền vận động nhân dân và thành viên gửi vốn vào quỹ được thực hiện thường xuyên, liên tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể qua các hội nghị tổng kết và giao ban, quỹ cũng triển khai các sản phẩm tiền gửi đa dạng, phong phú về kỳ hạn gửi, luôn đảm bảo khả năng chi trả đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Cùng với đó, phong cách giao dịch chu đáo, gần gũi và hòa nhã của nhân viên đã góp phần tạo nên uy tín của quỹ.
Tuy nhiên, trên địa bàn kinh tế đang đà chuyển đổi và phát triển, nhu cầu đầu tư cao hơn tích lũy dân cư, nguồn vốn từ NHHT là một trong những điểm tựa quan trọng. Nếu như nhìn vào nguồn vốn đến 31/1/2020, quỹ đã huy động được 213,467 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn lên 244,688 tỷ đồng, tiền gửi tại NHHT là 14,126 tỷ đồng cho thấy quỹ đang dư thưa vốn. Song nhìn lại năm 2019 lại thấy một bức tranh khác với nguồn vốn vay điều hòa vốn từ NHHT Chi nhánh Phú Thọ của quỹ lên xuống theo biến động nguồn vốn và nhu cầu thành viên. Như tháng 10/2019, dư nợ của QTDND Thạch Sơn tại NHHT chỉ là 6 tỷ đồng. Song chỉ chưa đầy 2 tháng trước đó dư nợ QTDND Thạch Sơn tại NHHT lại là 8 tỷ đồng. Lùi về thời điểm đầu năm 2019 con số này là 15,5 tỷ đồng, tăng 14,85 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Điều này cho thấy vai trò của nguồn vốn từ NHHTX trong việc hỗ trợ quỹ chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho thành viên cũng như đảm bảo thanh khoản. Đặc biệt trong bối cảnh QTDND Thạch Sơn vươn mở hỗ trợ người dân từ quy mô hoạt động 1 xã, đến nay đã mở thêm phòng giao dịch tại xã Xuân Huy và mở rộng địa bàn hoạt động ra cả xã Xuân Lũng với tổng số thành viên tại quỹ là 1.781 thành viên, nguồn vốn NHHT đã giúp quỹ đưa dư nợ cho vay thành viên lên 212,974 tỷ đồng tính đến hết tháng 1/2020.
Để đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của quỹ, HĐQT, Ban điều hành đã quan tâm chú trọng đến việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang bị cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh trên cơ sở nguồn vốn cho phép. Đồng thời, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học về công nghệ thông tin giúp quỹ hoạt động chuyên nghiệp hơn. Công tác kế toán, thanh toán cho khách hàng được cập nhật chính xác, đảm bảo an toàn tiền vốn và tài sản. Quỹ đã trang bị đầy đủ máy vi tính, nối mạng Internet, ứng dụng phần mềm trong giao dịch, tham gia dịch vụ thanh toán chuyển tiền CF - eBank do Ngân hàng Hợp tác triển khai. Bên cạnh đó HĐQT, Giám đốc điều hành thực sự coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tạo điều kiện đầy đủ để Ban kiểm soát hoạt động và kịp thời khắc phục, chỉnh sửa những tồn tại thiếu sót hạn chế thấp nhất rủi ro, từ đó đem lại lòng tin của khách hàng và thành viên.
Cũng từ việc hiểu rõ vai của quỹ đối với sự phát triển kinh tế địa phương, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các thủ tục vay vốn lồng ghép cùng việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ cao, thu nhập từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 83,4%, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã giảm chỉ còn 2,9%, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tốc độ thu nhập bình quân đầu người tăng 20-30%/năm.
Lãnh đạo và chính quyền xã Thạch Sơn ghi nhận sự hình thành và phát triển QTDND là một nguồn lực quan trọng để xã chuyển mình thực sự và nhanh hơn so với các xã xung quanh. Năm 2017, Thạch Sơn đã cán đích nông thôn mới và 3 năm qua, vẫn duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, ổn định đời sống nhân dân.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024