10.03.2011 08:49

Quỹ tín dụng nhân dân TT Bình Dương: Sẵn sàng hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân

 
       GĐ. Bà Đào Thị Thu Nga
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền huyện Phù Mỹ (Bình Định), những năm qua, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Bình Dương có bước phát triển khá vững chắc. Hầu hết các thành viên đều tin tưởng và ủng hộ Quỹ, nguồn vốn hoạt động ngày một tăng, tạo điều kiện cho Quỹ thực hiện tốt mục đích của mình: “Tương trợ thành viên, xoá đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi”.

Tính đến ngày 30/11/2010, Quỹ có 3.212 thành viên. Phạm vi hoạt động trên các xã Mỹ Phong, Mỹ Lợi, Mỹ Lộc, Mỹ Châu và thị trấn Bình Dương. Năm 2010, Quỹ gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn bởi quy mô nhỏ, giá cả hàng hóa tăng cao trong những tháng cuối năm; nguồn vốn dễ bị rút khỏi Quỹ khi các thành viên, chủ yếu là thành viên kinh doanh vận tải muốn đầu tư sang lĩnh vực khác khi thấy thị trường biến động.


Với quyết tâm phải giữ bằng được nguồn vốn, Quỹ thường xuyên nâng lãi suất lên ngang bằng hoặc cao hơn so với các đơn vị trên cùng địa bàn, đảm bảo trả đủ và đúng; thực hiện lãi suất huy động thấp trong ngắn hạn nhưng lại cao trong dài hạn để tạo niềm tin cho các thành viên, đồng thời khi khách hàng gửi dài hạn luôn cam kết lãi suất tăng theo thời điểm ngân hàng tăng. Nhờ đó, tổng nguồn vốn hoạt động đến ngày 30/11/2010 là 24,529 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch, trong đó vốn huy động 21,188 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2010 ước 287 triệu đồng.

Bà Đào Thị Thu Nga, Giám đốc Quỹ cho biết: “Chúng tôi có lợi thế gần dân, sát dân nên mọi tâm tư, nguyện vọng của dân Quỹ đều nắm bắt kịp thời, nhanh chóng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn khi bà con cần. Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần mang đủ hồ sơ có xác nhận của chính quyền địa phương là được vay vốn. Quỹ còn thường xuyên phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể thông qua các cuộc họp thôn, xóm để lồng ghép triển khai hoạt động của Quỹ, từ đó tiếp cận khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nếu như năm 2009, vốn huy động của Quỹ chỉ có 17 tỷ đồng thì đến ngày 30/11/2010 đã tăng lên 21,188 tỷ đồng; dư nợ cho vay 22,196 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2009). Mỗi hộ có thể vay từ vài chục triệu đồng đến 500 triệu đồng để phát triển kinh tế. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Vạn Thiết (xã Mỹ Châu) vay 20 triệu đồng trồng cây ăn quả; ông Nguyễn Hải Huề ở thôn Dương Liễu Tây (thị trấn Bình Dương) vay 40 triệu đồng nuôi cá sinh sản; bà Bùi Thị Hoa ở thôn Dương Liễu Đông (thị trấn Bình Dương) vay 190 triệu đồng đầu tư đổi mới dây chuyền quay dây neo biển...

Tuy nhiên, trong tháng 12/2010, Quỹ không thể tiếp tục cho vay mà phải giữ lại để đảm bảo khả năng thanh khoản. Nếu quá khó khăn thì mới cần sự giúp đỡ của Quỹ TDND Trung ương và Ngân hàng Nhà nước, trước mắt Quỹ vẫn tự xoay xở.

Nói về kế hoạch hoạt động trong năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ không ngần ngại cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ theo dõi biến động thị trường và điều chỉnh lãi suất kịp thời. Còn về lâu dài sẽ đảm bảo cho mọi thành viên an tâm khi gửi và vay tiền tại Quỹ, xây dựng Quỹ trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân; thường xuyên tuyên truyền hoạt động thông qua các tổ chức Hội, đoàn thể; nâng cao trình độ của cán bộ, công nhân viên, tạo sự đoàn kết, gắn bó, nhiệt tình. Gắn sự phát triển của Quỹ với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, nhất là đảm bảo vốn cho công cuộc thực hiện Nghị quyết tam nông”.

Mong muốn hiện nay của Quỹ là cần có nguồn vốn rẻ hơn cho khu vực nông thôn. Quỹ sẽ thực hiện chương trình cho vay vốn xây dựng hầm khí biogas nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Theo báo Kinh tế Nông thôn

Các tin liên quan