02.03.2020 09:38

Quỹ tín dụng nhân dân Nam Cường: Chúng tôi hoạt động bằng chữ Tín

Tựa lưng vào Ngân hàng Hợp tác để phát triển

Chủ tịch QTDND Nam Cường cho biết, việc xây dựng và hình thành QTDND Nam Cường là chủ trương của Đảng ủy, UBND xã mong muốn có nơi cho chính người dân trong xã được tiếp cận vốn tín dụng phát triển kinh tế. Song quy mô xã vẻn vẹn chưa đến 1.000 hộ dân và diện tích đất hẹp, nên sau nhiều lần tính toán cân nhắc về hiệu quả hoạt động, đến đầu năm 2007, QTDND Nam Cường mới chính thức được ra đời.

Ngày đó, thành viên muốn ra nhập quỹ để vay vốn thì rất đông nhưng huy động vốn trong dân cư rất khó khăn. Phần vì tích lũy dân cư thấp, phần nữa là niềm tin người gửi tiền chưa có. “Chúng tôi đã nỗ lực vận động người dân gửi tiền bằng đủ hình thức nhưng quả thật vô cùng khó khăn. Nếu không có nguồn vốn từ NHHT cho vay chắc quỹ sẽ phải đóng cửa”, Giám đốc QTDND Nam Cường Vũ Văn Quang cho biết.

Vào giai đoạn cao điểm, nguồn vốn vay NHHT chiếm tới 40% tổng nguồn vốn. Đây cũng là điểm tựa để quỹ mở rộng tín dụng, củng cố lòng tin của người dân. Và cũng từ đó, lượng vốn huy động vì thế cũng tăng dần theo năm. Tuy nhiên, với một xã thuần nông mà diện tích đất eo hẹp, không có đất trồng lúa thì người dân rất khó làm kinh tế, do vậy, quỹ cũng khó phát triển cho đến năm 2012 khi xã Nam Cường chuyển đổi lên mô hình phường với hướng dịch chuyển cơ cấu sang dịch vụ, công nghiệp. Ngay thời điểm đó, quỹ đã bắt nhịp hỗ trợ người dân hướng vào các lợi thế địa phương, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ như đúc cống bê-tông, làm gạch không nung, trồng cây công nghiệp. Nhu cầu vốn của người dân cũng tăng thêm cùng với việc năm 2018, quỹ mở rộng địa bàn ra thêm xã Minh Bảo.

 

Nguồn vốn từ QTD đã hỗ trợ ông Lê chế tạo ra nhiều máy móc nông nghiệp hữu hiệu 

Trong bối cảnh đó, huy động vốn ở địa phương còn khó khăn, thì nguồn vốn hỗ trợ từ NHHT vẫn là điểm tựa để quỹ mở rộng quy mô hỗ trợ và cho vay thành viên. Giám đốc Quang tâm sự, cứ nhìn vào dư nợ hiện nay 58 tỷ đồng, trong đó quỹ chỉ huy động được 48 tỷ đồng tiền gửi, vay NHHT gần 11 tỷ đồng, thì đủ hiểu nếu không có nguồn vốn này, mọi việc sẽ ra sao.

Không chỉ được cung ứng đủ vốn, việc thành lập NHHTX Chi nhánh Yên Bái cuối năm 2017 càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho QTDND tiếp cận vốn. “Trước đây, NHHTX Chi nhánh Phú Thọ là đơn vị điều hòa vốn cho quỹ, mỗi lần cần anh em phải xuống tận đó hoàn thành thủ tục vay vốn, nhận vốn. Song bây giờ có nhu cầu thì quỹ chỉ cần gọi điện trước cho chi nhánh, rồi cử cán bộ ra nhận tiền, trong lúc đó người ở quỹ lo việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi lên. Như vậy chỉ trong một buổi đã có thể có tiền cho vay thành viên. Trong khi đó trước đây, phải đến ngày hôm sau, làm chậm cơ hội của khách hàng”, ông nói.

Chi nhánh cũng tư vấn cho quỹ huy động thêm nhiều nguồn vốn dự án về cho vay hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, thúc đẩy tiềm năng của địa phương như dự án cho vay bioga, dự án cho vay trồng chè. “Lãi suất có thể không thấp hơn là bao nhưng thời gian cho vay dài, phù hợp với chu kỳ cây con cũng như nhu cầu của thành viên”, ông Quang cho biết. Đặc biệt, với xã Bảo Minh là xã có lợi thế đất đai rộng và thích hợp phát triển cây chè, hiện nguồn vốn dự án mà chi nhánh thực hiện còn 4,5 tỷ đồng…

Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

“Cán bộ quỹ hiểu thành viên, chia sẻ với thành viên, thủ tục cho vay thuận lợi, xử lý hồ sơ nhanh chóng”, đó là tâm sự của ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà khi nói về việc tiếp cận vốn tại quỹ. Từng là Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn, mong muốn của ông là đưa các sản phẩm cơ khí nông lâm nghiệp với tiêu chí dễ sử dụng, dễ sửa chữa, rẻ nhưng phải bền đến với bà con nông dân. Nhưng cái khó, là người nông dân không có nhiều tiền, nên mua bao giờ cũng nợ thậm chí đến 50%, nên việc có nguồn vốn là một yếu tố quan trọng để ông duy trì sản xuất. Chính bởi vậy, ông đã trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của quỹ. “Hiện giờ tôi đang vay 500 triệu, trước đó đã vay nhiều vòng vốn, cứ vay rồi trả để duy trì sản xuất hỗ trợ bà con nông dân”.

 

Nguồn vốn QTDND Nam Cường hỗ trợ người dân phát triển mô hình vườn ươm 

Cũng từ trợ lực của nguồn vốn này, những năm qua sản phẩm của ông đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân không chỉ ở Yên Bái mà đã mở rộng ra cả vùng Tây Bắc và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chiếc máy bóc vỏ quế được chế tạo từ các thiết bị của ô tô cũ, hiện ông chỉ bán với giá 45 triệu đồng, trong khi đó, nếu là hàng nhập từ Nga, phải tầm 600 triệu đồng. Ngay cả nhập từ Trung Quốc, giá của nó cũng lên đến 200 triệu đồng. Nghiên cứu những lợi thế nông nghiệp Việt Nam, ông đã đưa ra các sản phẩm phù hợp hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí sản xuất trong việc chế biến, miến, nấm, quế. Nhiều sản phẩm cơ khí của công ty ông đạt giải khi tham gia các hội thi sản phẩm sáng tạo do trung ương và tỉnh Yên Bái tổ chức. Hiện công ty đã tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

Hay như với gia đình chị Phan Thị Hương, trước là thành viên sáng lập quỹ, nguồn vốn vay từ quỹ đã giúp chị chuyển đầu tư vào trồng cây quế, keo, mỡ. Hiện chị đang vay 500 triệu đồng vốn lưu động để mở 2 ha vườn ươm cây giống, hòa cùng xu hướng chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế của xã.

Quỹ luôn tập trung hỗ trợ vốn cho các thành viên, đặc biệt là những hộ dân khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh phát triển kinh tế trên địa bàn. Điều này góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh, hạn chế tình trạng góp hụi.

Vào thời điểm cao nhất, quỹ có trên 800 thành viên, nhưng sau Thông tư 04/TT-NHNN, quỹ đã rà soát, hạ xuống còn 500 thành viên. Hiện mỗi năm, quỹ kết nạp bình quân 60 thành viên được lựa chọn kỹ càng.

“Hiện 90% thành viên có nhu cầu đều vay vốn tại quỹ. 10% còn lại thành viên vay NHTM phần là vì vượt hạn mức cho vay hoặc không đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn tín dụng của quỹ”, ông Quang cho biết.

 Về phía mình, để có thể hỗ trợ thành viên tốt nhất, quỹ luôn tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thủ tục, quy trình vay gọn gàng những vẫn bảo đảm được các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu; Kết nối cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tuyên truyền cho vay, giúp thành viên đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ. Quỹ cũng kết nối chặt chẽ với các cấp quản lý tổ hội để thẩm định cũng như giám sát việc sử dụng vốn hộ vay. Đặc biệt với địa bàn mới mở như Minh Bảo, điều kiện địa lý xa xôi khó khăn, việc tuyên truyền cho vay chủ yếu nhờ chính quyền địa phương và tổ trưởng tổ dân phố.

14 năm phát triển, QTDND Nam Cường đã khẳng định vị thế niềm tin và thương hiệu trong lòng người dân địa phương và thành viên, đây là cơ sở để quỹ đặt mục tiêu trong phương án tái cơ cấu lộ trình 2025 với tốc độ tăng bình quân 7-8%. Hiện quỹ đã đạt mức vốn tự có 3,5 tỷ đồng và mỗi năm, đặt mục tiêu tăng vốn từ 300-500 triệu đồng, đảm bảo mức độ tăng trưởng cho phù hợp với yêu cầu phát triển địa phương cũng như nhu cầu của thành viên về hạn mức vốn vay. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan