Quỹ bảo toàn: Bảo đảm an toàn vì sự phát triển bền vững
Phóng viên TBNH đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc NHHT, Giám đốc Ban quản lý Quỹ bảo toàn xung quanh vấn đề này...
Thưa ông, vậy là đã gần một năm kể từ khi Thông tư số 03/2014/TT-NHNN (Thông tư 03) của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về Quỹ bảo toàn có hiệu lực, ông có thể cho biết việc đón nhận và triển khai Thông tư 03 ra sao?
Ông Nguyễn Đức Dũng
Thông tư 03 ra đời đáp ứng sự mong chờ của đại đa số QTDND vì đã chính thức tạo lập một thiết chế tài chính nhằm hỗ trợ các QTDND khi hoạt động gặp khó khăn về tài chính, chi trả. Thông tư 03 có ưu việt là phát huy tính dân chủ của loại hình kinh tế Hợp tác xã, đó là giao cho NHHT xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn.
Hội đồng quản trị đã khẩn trương xây dựng dự thảo Quy chế để trình Đại hội thành viên NHHT năm 2013 (99% đại biểu là các QTDND) và đã được đại hội nhất trí thông qua vào ngày 25/3/2014.
Sau đó, Hội đồng quản trị NHHT đã ban hành văn bản số 179/QC-NHHT "Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn". Đầu tháng 4/2014, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã được thành lập trong đó 4 thành viên là đại diện của NHHT, 3 thành viên là đại diện của các QTDND; đồng thời đã kiện toàn tổ chức, hình thành bộ phận giúp việc, bố trí phòng làm việc và các trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành hoạt động của Quỹ bảo toàn.
Do mới thành lập nên toàn bộ kinh phí về tiền lương cán bộ làm việc chuyên trách, cơ sở vật chất, chi phí hoạt động của Quỹ bảo toàn đều do NHHT hỗ trợ.
Tiếp đó, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định nội bộ, xây dựng hệ thống tài khoản, hình thành bảng cân đối tài khoản kế toán và mở tài khoản riêng đến từng QTDND đã tham gia Quỹ bảo toàn. Qua đó, việc theo dõi hoạt động của Quỹ bảo toàn, báo cáo tình hình và số liệu hoạt động lên NHHT, NHNN và các thành viên rõ ràng, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư 03 và hướng dẫn của NHHT.
Sau khi triển khai các công việc trên, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã tổng hợp, đối chiếu số liệu dư nợ cho vay bình quân của 1.147 QTDND để làm căn cứ tính phí tham gia Quỹ bảo toàn năm 2014 và gửi văn bản thông báo đến tất cả các QTDND về mức phí tham gia để cùng phối hợp thực hiện theo đúng quy định.
Đồng thời, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đang triển khai làm việc với Ban quản lý Quỹ an toàn hệ thống QTDND đã thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên và An Giang để thống nhất số liệu bàn giao và thực hiện các thủ tục chuyển tiếp theo đúng quy định tại Điều 15, Thông tư 03.
Việc thành lập Quỹ bảo toàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự an toàn và phát triển hệ thống, tuy nhiên đến nay vẫn còn có một vài ý kiến trái chiều, thắc mắc từ QTDND về Quỹ bảo toàn, ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?
Việc thành lập Quỹ bảo toàn khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống QTDND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự phát triển an toàn, bền vững của từng QTDND và của cả hệ thống qua việc cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Qua đó, uy tín và vị thế của hệ thống QTDND sẽ được nâng cao trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Có một số QTDND cho rằng, mức phí trích nộp Quỹ bảo toàn hàng năm 0,08% là quá cao, tại Văn bản số 7628/NHNN-TTGSNH của NHNN về việc xử lý kiến nghị của các QTDND đã nêu rõ: "Mức phí này được quy định trên cơ sở cân đối giữa việc đảm bảo khả năng tài chính hỗ trợ cho các QTDND khi gặp khó khăn có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường, ngăn chặn tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong hoạt động của QTDND và đảm bảo khả năng tài chính của QTDND đóng góp phí.
Qua số liệu giám sát hệ thống QTDND, mức trích nộp Quỹ bảo toàn hệ thống 0,08% không ảnh hưởng nhiều tới chi phí tài chính của QTDND trừ những QTDND vốn đã có kết quả kinh doanh thua lỗ. Mức đóng góp phí này tạo nguồn vốn để duy trì tính an toàn cho các QTDND trong trường hợp kinh doanh bị lỗ, gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả trong hoạt động kinh doanh của mình".
NHHT cũng phải thực hiện nộp phí như các QTDND, tuy nhiên NHHT không phải là đối tượng thụ hưởng từ sự hỗ trợ của Quỹ bảo toàn, bởi theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 03: “Quỹ bảo toàn được sử dụng để cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường”, do vậy việc hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn chỉ dành cho các QTDND.
Việc quản lý điều hành Quỹ bảo toàn được thiết kế bộ máy hoạt động, hệ thống tài khoản và bảng cân đối tài khoản riêng rẽ, độc lập với hoạt động của NHHT.
An toàn trong hoạt động và để phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu vì thế mức đóng phí 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề (dư nợ nhóm 1 và nhóm 2) là hợp lý, chỉ khi nào tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác xã, Quỹ bảo toàn sẽ tạm thời ngừng thu phí tham gia của các thành viên và tiếp tục thu phí khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn thấp hơn mức nêu trên.
Trong tương lai khi Quỹ bảo toàn đủ lớn và đủ khả năng hỗ trợ xử lý rủi ro, NHHT sẽ tham mưu, đề xuất lên NHNN và Chính phủ xem xét miễn, giảm phí bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống QTDND.
Triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 03 là trách nhiệm của NHHT và các QTDND. Việc thực hiện nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn đã thể hiện đa số các QTDND tham gia, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ. Ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Thông tư 03 là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố, các QTDND, NHHT, Quỹ bảo toàn đều phải triển khai thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai Thông tư 03, NHHT, các QTDND và Quỹ bảo toàn chịu sự kiểm tra, thanh tra của NHNN về việc chấp hành quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật.
Đến thời điểm này bản thân NHHT và 796 QTDND đã nghiêm túc nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn năm 2014, nhiều tỉnh đã có 100% QTDND thực hiện theo quy định. Hiện, Ban quản lý Quỹ bảo toàn vẫn đang tiếp tục nhận được phí tham gia Quỹ bảo toàn của các QTDND chuyển đến.
Do vậy, tôi rất mong các QTDND chưa chuyển phí tham gia Quỹ bảo toàn nên sớm triển khai để góp phần xây dựng nguồn tài chính lớn mạnh của hệ thống nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời các QTDND khi gặp khó khăn theo đúng quy định.
Đối với một số QTDND yếu kém có kết quả tài chính thua lỗ, NHHT đang tập hợp lại để báo cáo và đề xuất lên NHNN cho ý kiến về miễn thu phí tham gia Quỹ bảo toàn vì những QTDND này tuy khó khăn nhưng không nằm trong diện không phải nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 03.
Ban quản lý Quỹ bảo toàn tiếp cận những QTDND gặp khó khăn, đáp ứng đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ bảo toàn theo quy định để tư vấn, hướng dẫn các thủ tục nhanh nhất về tiếp nhận vốn vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn, đồng thời NHHT tham mưu với NHNN, tư vấn QTDND gặp khó khăn để tham gia về nội dung, biện pháp triển khai có hiệu quả phương án củng cố, chấn chỉnh đưa QTDND đó trở lại hoạt động bình thường nhằm góp phần xây dựng hệ thống QTDND phát triển mạnh mẽ, an toàn và bền vững.