23.12.2013 07:27

Quảng Ninh - Cần nhân rộng mô hình hệ thống QTDND

Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1993. Sau 20 năm, ở rất nhiều tỉnh như: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Lâm Đồng mô hình QTDND đã phát triển lên tới con số hàng chục, hàng trăm và hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, Quảng Ninh mặc dù QTDND hoạt động rất hiệu quả nhưng đến nay vẫn chỉ có duy nhất 1 quỹ.

Quỹ tín dụng nhân dân duy nhất

Thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 500 triệu đồng với 76 thành viên, vốn hoạt động trên 1 tỷ đồng. Đến nay sau hơn 7 năm hoạt động, số vốn điều lệ của QTDND Hưng Đạo, huyện Đông Triều đã tăng lên trên 2 tỷ đồng với 1.200 thành viên tham gia góp vốn; nguồn vốn hoạt động tính đến hết tháng 9 khoảng 37 tỷ đồng. QTDND là một mô hình kinh tế hợp tác, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng do nhân dân tự nguyện góp vốn thành lập và hoạt động kinh doanh, phục vụ lợi ích thành viên, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả tài chính. Mô hình hoạt động này tương tự với cách tổ chức tại các phòng giao dịch của ngân hàng. Đối tượng vay vốn của Quỹ chỉ tập trung ở các hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất thuộc các xã Hưng Đạo, Đức Chính, Xuân Sơn. Hầu hết các món vay ở mức vài chục triệu đồng, số ít những món vay lên tới vài trăm triệu đồng. Thời gian cho vay vốn chỉ tối đa là 24 tháng với mức lãi suất từ 1,08-1,5%/năm nhưng do làm tốt khâu thẩm định dự án cho vay nên từ khi thành lập đến nay, Quỹ không có nợ xấu. Tổng dư nợ tính đến nay đạt 33 tỷ đồng. Các hộ dân sau khi vay vốn đều trả gốc và lãi đầy đủ. Nhiều hộ gia đình đã trở thành khách hàng truyền thống của Quỹ. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 330 triệu đồng (kế hoạch năm là 350 triệu đồng).



          Khách hàng tới giao dịch tại QTDND Hưng Đạo, huyện Đông Triều

Với mục tiêu hỗ trợ giữa các thành viên nên trong hoạt động, QTDND Hưng Đạo đã thực hiện chính sách chia sẻ khó khăn với thành viên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời thực hiện điều chỉnh lãi suất tiền vay phù hợp với lãi suất thị trường, trên tinh thần coi trọng lợi ích của thành viên. Nhiều khách hàng vay vốn sử dụng đúng mục đích đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trả nợ quỹ sớm trước thời hạn… Mô hình hoạt động, cách thức tổ chức cũng như hiệu quả của QTDND Hưng Đạo đã cùng với các tổ chức tín dụng khác đã góp phần tích cực trong việc thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, được huyện và tỉnh đánh giá cao.

Cần nhân rộng hơn mô hình QTDND tại Quảng Ninh

Năm 2006, cán bộ các xã của Đông Triều được Liên minh HTX-DNNQD tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tham quan các mô hình QTDND một số tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Dương… Tuy nhiên, sau tham quan, chỉ duy nhất có Hưng Đạo là thành lập được QTDND và từ đó đến nay vẫn chưa có thêm quỹ nào được thành lập.

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Chủ tịch HĐQT QTDND Hưng Đạo cho biết: Cũng có rất nhiều sáng lập viên xã khác trên địa bàn Đông Triều đến học tập cách làm của QTDND Hưng Đạo, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến khó thành lập QTDND là về tổ chức bộ máy. Yêu cầu của bộ máy nhân sự QTDND thì Chủ tịch HĐQT, Giám đốc phải từng hoạt động ngân hàng, hoặc lãnh đạo quản lý ở một cơ quan, tổ chức nào đó 1-2 năm. Nếu cứ giữ “ba rem” này thì khó có thể thành lập. Bởi chỉ có cán bộ về hưu ngành ngân hàng mới có kinh nghiệm, mà đối tượng này không phải ai cũng có hiểu biết sâu sắc về hệ thống QTDND.

Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của QTDND cũng có nhiều tổ chức tín dụng tham gia cho vay, do vậy mức độ cạnh tranh gay gắt, thị phần tín dụng của QTDND tăng trưởngkhó hơn. Giới hạn địa bàn hoạt động của hệ thống QTDND là một thách thức đối với hoạt động của mô hình này. Thêm nữa, do QTDND hoạt động theo hình thức tự chủ nên còn nhiều khó khăn và rủi ro.

Vì vậy, để mô hình QTDND trên địa bàn tỉnh được nhân rộng và hoạt động hiệu quả cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này, đồng thời nâng cao quyền lợi, biên chế nhân sự tham gia làm việc tại QTDND. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thành lập quỹ, chia sẻ thực tiễn hơn nữa với hoạt động của quỹ. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo sát sao những chủ trương, thay đổi chế độ dịch vụ khách hàng cho quỹ. Bản thân QTDND cần tích cực trong mối liên kết hệ thống với Ngân hàng Hợp tác và Hiệp hội QTDND Việt Nam. Nếu xây dựng được hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh không những đáp ứng hiệu quả nhu cầu phục vụ nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống mà còn tạo thành hoạt động mang tính hệ thống liên kết. Còn như hiện nay thì các dự án hỗ trợ, ưu đãi về vay vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của Ngân hàng HTX Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống QTDND sẽ khó có thể đến được với nhân dân khi trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất một QTDND, và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động tín dụng sẽ khó được sâu sát, cụ thể.   


Trung Anh

Các tin liên quan