Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hình thành đã mở ra một kênh huy động vốn và cho vay tại khu vực nông thôn, đặc biệt có ý nghĩa đối với những nơi chưa có điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại.
Nắm chắc khách hàng, giải ngân nhanh
Với những món vay nhỏ nhưng giải ngân nhanh, kịp thời, QTDND đã giúp cho hàng chục nghìn lượt hộ có vốn đầu tư mua giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy móc cơ giới, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, cải thiện đời sống. Anh Đỗ Mạnh Dũng (khu Minh Khai, thị trấn Chũ, Lục Ngạn) là thành viên QTDND thị trấn Chũ. Anh đang vay 450 triệu đồng (ngắn hạn) từ Quỹ để kinh doanh đồ gia dụng, đồ điện tử, điện lạnh.
|
Cửa hàng của gia đình anh Đỗ Mạnh Dũng (khu Minh Khai, thị trấn Chũ, Lục Ngạn) được mở rộng nhờ sử dụng vốn vay từ QTDND thị trấn Chũ. |
Anh Dũng cho biết: "Tôi tham gia Quỹ từ năm 2006, khi có tiền nhàn rỗi tôi gửi vào Quỹ, lúc thiếu vốn thì làm hồ sơ vay. Luôn trả lãi, trả gốc đúng hạn, sử dụng vốn hiệu quả nên tôi được các cán bộ ở Quỹ tin tưởng, thẩm định và giải ngân nhanh những món vay mới, có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô cửa hàng".
Tương tự anh Dũng, hàng trăm khách hàng khác cũng đang vay vốn từ QTDND thị trấn Chũ để kinh doanh thương mại, dịch vụ. Được thành lập từ năm 1996, đến cuối tháng 5-2013, QTDND thị trấn Chũ có dư nợ cho vay đạt gần 34,5 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với cuối năm 2000. Ông Hoàng Xuân Thướng, Giám đốc Quỹ nhìn nhận: "Các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, cán bộ tín dụng của Quỹ đều là người sinh sống trong thị trấn nên hiểu rất rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, nhân thân của khách hàng vay vốn. Bởi vậy, chúng tôi không mất nhiều thời gian thẩm định hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện là giải ngân ngay, không để khách hàng phải chờ lâu".
Do chú trọng nắm bắt tình hình tài chính, phương án sử dụng vốn của khách hàng, làm tốt khâu kiểm tra, giám sát nên hiện nay Quỹ không có nợ xấu.
Tương tự QTDND thị trấn Chũ, trong những năm qua, nhiều QTDND khác trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh huy động vốn để có nguồn đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, làm tốt chức năng giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên. Ví dụ như QTDND xã Hồng Giang (Lục Ngạn), sau 10 năm hoạt động đã thu hút hơn 1.400 thành viên tham gia. Số vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 5 - 2013 đạt hơn 30 tỷ đồng, vốn vay tổ chức tín dụng khác 20,9 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 50 tỷ đồng với 800 thành viên đang vay vốn.
Chị Nguyễn Thị Nhuận, thôn Kép III, xã Hồng Giang nói: "Chồng tôi thường xuyên đau ốm, gia đình thiếu vốn đầu tư cho vườn vải thiều. Nắm rõ hoàn cảnh và nguyện vọng của vợ chồng tôi, cuối năm ngoái, QTDND xã Hồng Giang đã cho vay 40 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cải tạo khu vườn. Sau vụ thu hoạch vải, gia đình tôi vừa trả hết nợ".
Chú trọng bảo đảm an toàn vốn
Thực hiện Chỉ thị 57, hơn 10 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đồng hành với các quỹ tín dụng, chỉ đạo triển khai áp dụng các quy định của Chính phủ, của ngành ngân hàng. Chi nhánh cử cán bộ trực tiếp đến các quỹ mới thành lập hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu các quỹ chấn chỉnh, khắc phục yếu kém, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý một số sai phạm đối với các trường hợp cho vay sai mục đích, đối tượng, cho vay vượt quá mức quy định…
Trong thời gian thực hiện hoạt động củng cố, chấn chỉnh QTDND theo Chỉ thị 57, Chi nhánh phát hiện một số quỹ thua lỗ, cán bộ, nhân viên thoái hoá về đạo đức, làm thất thoát vốn. Dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra, Chi nhánh đã thu hồi giấy phép hoạt động của 2 QTDND. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - Chi nhánh khu vực Đông Bắc đã chi trả bảo hiểm đầy đủ, kịp thời cho người gửi tiền tại các quỹ bị giải thể, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND hoạt động trên địa bàn.
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau khi củng cố, chấn chỉnh, hoạt động của các QTDND đã đi vào nền nếp, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức thấp và giảm dần so với trước. Cuối năm 2000 (thời điểm bắt đầu triển khai Chỉ thị 57), toàn tỉnh có 9 quỹ với 4.976 thành viên thì nay đã có 20 quỹ với hơn 20 nghìn thành viên. Tổng số dư tiền gửi cuối tháng 5-2013 đạt hơn 488 tỷ đồng, tăng 480 tỷ đồng so với cuối năm 2000; tổng dư nợ cho vay đạt 590,8 tỷ đồng, tăng gần 580 tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân hơn 38%/năm).
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cho các QTDND phát triển an toàn, bền vững, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND; thường xuyên đánh giá, phân loại các quỹ theo quy định; chỉ đạo các quỹ hoàn thiện quy chế hoạt động, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong huy động vốn và thẩm định hồ sơ cho vay, hạn chế phát sinh nợ xấu.
Cùng đó, Chi nhánh đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên bố trí vốn từ các dự án tài trợ có lãi suất thấp cho các QTDND đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.