Với 7.300 thành viên, tổng số vốn hoạt động trên 840 tỷ đồng, vốn điều lệ 22 tỷ đồng. Quy mô ấy đã đưa Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Nông trường Mộc Châu vào top 10 QTDND tiêu biểu cả nước.
20 năm gom góp từng đồng vốn vươn mở dòng chảy tín dụng tới từng bản làng xa xôi hẻo lánh. Một màu xanh ngắt của ngô, chè đã phủ lên những đồi núi hoang vu xưa kia hứa hẹn tương lai no ấm mới của mảnh đất cao nguyên Mộc Châu cùng với những thương hiệu đặc sản riêng có chè, sữa, mận hoa và du lịch.
Phòng giao dịch của QTDND Nông trường Mộc Châu được trang bị hiện đại như mô hình của NHTM
Từ quy mô chăn nuôi nhỏ chỉ có 3 con bò sữa vào những năm 2000 đến nay, ông Trần Văn Khương đã có một đàn bò sữa 30 con tương đương với trị giá gần 2 tỷ đồng. Cùng với khu trang trại mới vừa đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, ông đang ấp ủ một kế hoạch chăn nuôi mới nhân đôi đàn bò sữa.
15 năm qua, bài toán làm kinh tế của ông tưởng khó khăn với việc tìm ra 2 ẩn số đầu ra và vốn, nhưng thực tế nó lại gần ngay trước mặt. Đầu ra đã có CTCP Sữa Mộc Châu, còn nguồn vốn, thời gian qua ông đã có chỗ dựa vững chắc là QTDND Nông trường Mộc Châu.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn, QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu còn tư vấn ông sử dụng tiền vay hiệu quả hợp lý. Hiệu quả của dòng vốn tín dụng cùng sự cần mẫn của ông Khương được chứng minh bằng giá trị tài sản hiện có, và đây cũng là nền tảng để một người nông dân như ông có thể chu cấp cho 3 con đều học đại học tại các trường công lập Hà Nội…
Cứ như thế hơn 20 năm nay, QTDND vẫn luôn đi theo tôn chỉ phục vụ vốn cho thành viên phát triển kinh tế, tham gia đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phục vụ vốn cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Chính vì vậy, không chỉ trải dòng vốn trên 3 địa bàn thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu, quỹ đã mở rộng ra 3 xã liền kề là Tân Lập, Vân Hồ, Phiêng Luông, nơi có trên 38 ngàn dân của 6 dân tộc cùng sống rải rác trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Không chỉ phát huy hiệu quả dòng vốn sẵn có, việc tham gia và tận dụng những nguồn vốn ưu đãi từ các dự án quốc tế, quỹ đã có thêm điểm tựa để đến với những người dân nơi vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Mộc Châu, vốn chưa bao giờ biết đến tín dụng của bất cứ tổ chức tài chính tín dụng nào.
Ví như Dự án Tài chính nông thôn III (TCNT), trong khuôn khổ Dự án TCNT do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2011. Nguồn vốn 4 tỷ đồng không phải là một con số lớn nhưng cùng với những yêu cầu của dự án này, QTDND có thêm quyết tâm “gieo vốn” tới những bản làng xa xôi, trước là hỗ trợ các thành viên nơi đây phát triển kinh tế, sau cũng chính là cơ hội để thí điểm cho việc phát triển một đối tượng thành viên mới.
Sức lan toả của nguồn vốn từ năm 2011 qua vòng quay thứ 2 có thể nói là rất lớn, khi đã làm người dân quen với một phương thức phát triển kinh tế mới từ nguồn vốn vay.
“Và bằng chứng là nhiều thành viên sau khi được vay từ nguồn vốn của dự án đã chuyển sang vay tín dụng thông thường của quỹ để tiếp tục phát triển kinh tế”, Giám đốc QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu, ông Nguyễn Đức Huy chia sẻ.
Nguồn tín dụng của quỹ cũng đã góp phần định hình nên những ngành nghề sản xuất mới trên địa bàn. Ví như bản Bó Bun, hơn một nửa hộ dân là thành viên của quỹ và dư nợ hiện tại khoảng 17 tỷ đồng, đang dần manh nha một làng du lịch Homestay mới với đặc trưng văn hoá Mường.
Trên mảnh đất đương độ trở thành vùng kinh tế hàng hoá khá phát triển, đa ngành, đa nghề, thì nhu cầu về vốn của thành viên cũ cũng như thành viên mới rất cao. QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu cũng đang từng bước hiện đại và chuyên nghiệp hoá để vượt qua việc cung cấp các sản phẩm tín dụng thuần tuý, mở rộng các dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu người dân.
Đến nay, QTDND đã vận hành trên mô hình mới với 100% CBNV được trang bị máy tính có kết nối mạng nội bộ. Quỹ cũng đã xây dựng trụ sở và lắp đặt bàn quầy, kho quỹ, xây dựng hộp thư điện tử và trang web riêng, để quảng bá hình ảnh Qũy và cung cấp thông tin cho thành viên.
Đặc biệt việc xây dựng mạng lưới tổ trưởng tổ thành viên QTDND tại các cụm dân cư đã trở thành một yếu tố mới để quỹ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đang thực hiện và ngăn chặn rủi ro trong cho vay. Nhờ đó mà nhiều năm nay đơn vị không có nợ quá hạn trong cho vay, đảm bảo phát triển an toàn và hiệu quả.
Quỹ cũng đã xây dựng thành công quy trình giao dịch một cửa, kết hợp lắp đặt máy lấy số thứ tự, xếp hàng tự động. Cách làm này khách hàng rất hài lòng và không gây lộn xộn trong khu vực thanh toán, ngân quỹ.
Sinh ra đã là một mô hình hợp tác và tồn tại để trợ lực không chỉ cho chính các thành viên cá nhân mà còn cả mô hình HTX phát triển, trong những năm qua, QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu luôn chủ động tích cực hỗ trợ sự phát triển của hệ thống QTDND cũng như mô hình HTX. Ví như năm 2013 QTDND xã Chiềng Sung bị hỏa hoạn, đơn vị ủng hộ 30 triệu đồng.
Đăng ký giúp đỡ quỹ Hát Lót khi sáp nhập với QTDND xã Chiềng Sung 3,8 tỷ đồng trong 3 năm không tính lãi. Hay trong giai đoạn 2010-2015 đơn vị đã phục vụ vốn để 4 HTX phát triển được nghề mới là: 2 cơ sở nuôi và chế biến cá hồi, 2 cơ sở trồng hoa, 1 cơ sở trồng cây su su và rau sạch, 1 cơ sở chăn nuôi lợn rừng. Bình quân mỗi năm đơn vị phục vụ vốn cho các HTX các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong địa bàn Qũy hoạt động trên 100 tỷ đồng…
Những nỗ lực của QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng như Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011, Cờ thi đua của Chính phủ lần thứ 4 cho tập thể quỹ; Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Doãn và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Giám đốc Quỹ, ông Nguyễn Đức Huy.
Nhìn về tương lai, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Doãn cho biết, song song với việc đáp ứng nguồn vốn thành viên vay đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống, quỹ sẽ đặc biệt chú trọng đầu tư vào những khu vực vùng sâu, vùng xa những nơi chưa được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để góp phần với các cấp các ngành chung tay giúp nhân dân nâng cao mức sống, xóa đói, giảm nghèo...
Cùng với đó, quỹ sẽ tiến hành cơ cấu, củng cố lại hoạt động của mình, xây dựng mức tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế hàng năm với tốc độ vừa phải (khoảng 15 đến 20%, riêng nợ quá hạn phấn đấu dưới 1% tổng dư nợ), với mục tiêu phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả.
13.11.2024
30.10.2024