Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hôm nay đã trở thành một mảnh đất đầy sức sống của xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, không còn vết tích của một xã vùng núi ven biển, thuộc diện đặc biệt khó khăn ở Hà Tĩnh. Thanh niên trai tráng ngày trước làm không đủ ăn, tha phương cầu thực, nay cũng phần nhiều bôn ba ra ngoài nhưng với một tâm thế khác là để “làm giàu”. Nền tảng cho những bước chuyển ấy không thể kể đến những trợ lực quan trọng từ QTDND liên xã Cương Gián – Xuân Liên.
Tiền thân là HTX tín dụng Xuân Song, thành lập ngày 27/3/1956, giai đoạn đầu phát triển của QTDND liên xã Cương Gián – Xuân Liên đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chi viện cho chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước.
QTDND liên xã Cương Gián vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Sau giải phóng, người dân thiếu vốn phát triển sản xuất, song việc duy trì HTX tín dụng là không dễ, khi mô hình này bắt đầu bộc lộ yếu kém với hàng loạt HTX phải giải thể. HTX Xuân Song là một trong 2 HTX tín dụng còn trụ lại của tỉnh ngày đó, nhưng hoạt động huy động vốn và đầu tư tín dụng rất khó khăn.
Trước tình thế ấy để có thể trụ vững, một mặt HTX phải đi sâu vào nắm bắt tình hình, đến từng nhà vận động người dân có tiền nhàn rỗi, rồi bán trâu bò gửi vào quỹ để làm vốn cho vay cũng như chi trả tiền gửi tạm thời. Dần dần, HTX lấy lại được lòng tin của nhân dân, huy động cho vay diễn ra bình thường, kịp thời nhanh chóng cùng thủ tục đơn giản và thuận lợi.
Nhờ vậy, nhiều ngành nghề truyền thống tại địa phương như đánh bắt thủy, hải sản tiếp tục được khôi phục và phát triển, giữ chân những người dân ở lại, chung sức phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương. Ban Lãnh đạo HTX đã đầu tư cho nhân dân vay mua thuyền máy, ngư cụ để đánh bắt hải sản và cho bà con nông nghiệp mua trâu, bò, máy móc, công cụ sản xuất. Cao điểm, cả xã có trên 2.000 thuyền nan gắn máy đánh cá trên biển đều được quỹ cho vay, hỗ trợ.
Tuy nhiên, 3 cơn bão liên tiếp năm 1989 đã cuốn trôi mọi thành quả, tài sản bị tàn phá nặng nề, ngư cụ, xóm làng tan hoang, nhiều thuyền máy chìm đắm. Cộng thêm đó, ngư trường hải sản ven bờ ngày một cạn kiệt, thu nhập của bà con trở nên bấp bênh, nhiều người bỏ nghề, bán thuyền tha phương cầu thực.
Trước tình hình đó, mặc dù rất khó khăn song một lần nữa, HTX lại tìm mọi cách huy động vốn, khuyến khích các thành viên đổi mới cách làm ăn.
Tiến trình đổi mới kinh tế của Đảng, Nhà nước đã mở ra cho người Cương Gián một hướng đi mới khi HTX Xuân Song mạnh dạn thí điểm cho vay xã viên trang trải chi phí cho con em mình đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Lần đầu tiên, năm 1994, Cương Gián có 6 công nhân xí nghiệp đánh cá được tuyển dụng đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Hồi đó, quỹ đã cho vay 4 hộ thành viên, mỗi người 3- 5 triệu đồng để chi phí cho con em mình đi XKLĐ, và chỉ 6 tháng sau, họ đã trả nợ đầy đủ cho HTX từ nguồn tiền gửi về. Năm 1996, HTX tín dụng Xuân Song đã khoác lên mình chiếc áo mới là QTDND Cương Gián. Với quyền tự chủ cao hơn, quỹ mạnh dạn hơn, đầu tư cho vay tăng dần từ 5 triệu lên 50 triệu đồng một hộ…
Chủ tịch HĐQT QTDND liên xã Cương Gián Nguyễn Văn Trính kể: “Lúc này NHNN chưa có chủ trương cho vay đi XKLĐ. Tuy nhiên, NHTW đã cử nhiều đoàn cán bộ chuyên gia vào trực tiếp khảo sát thực tế tại Cương Gián và đánh giá đây là hướng vay có hiệu quả thực sự. Trên cơ sở đó, vào tháng 4/2001, NHNN đã có một quyết định riêng cho QTDND Cương Gián được cho vay người thân có con em đi XKLĐ. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho QTDND Cương Gián tiếp tục định hướng đầu tư này. Doanh số cho vay mỗi năm một tăng, có những thời kỳ, dư nợ cho vay XKLĐ chiếm tới 70% tổng dư nợ.
Đặc biệt với việc mở rộng địa bàn hoạt động ra 2 xã Xuân Liên và Cổ Đạm từ năm 2011, QTDND liên xã Cương Gián đã cung ứng hàng chục nghìn lượt vốn cho con em đi XKLĐ, đưa các xã này đứng đầu trong cả nước về số lượng XKLĐ. Nhiều hộ dân có từ 5-7 người đi, có người đã đi 4-5 lượt. Hiện 3 xã có 5.994 người đang làm việc, lao động nước ngoài. Những năm gần đây, quỹ lại mở ra đầu tư mới cho con em thành viên vay đi du học cao đẳng, đại học ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Mỹ… Hiện có trên 950 du học sinh tại các nước.
Tính đến 31/7/2019, tổng số thành viên của QTDND liên xã Cương Gián đã lên tới 4.036 thành viên với tổng nguồn vốn 327 tỷ đồng, trong đó huy động tiền gửi đạt 285 tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn hỗ trợ của NHHT là 4,1 tỷ đồng.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trính cho biết, “đây là thời điểm nguồn tiền trong dân tăng cao nên vốn vay NHHT giảm, còn như thời điểm cuối năm 2018, vốn vay lên đến 33,449 tỷ đồng. Đây là một nguồn vốn quan trọng hỗ trợ thành viên QTDND Cương Gián, đặc biệt từ giai đoạn NHNN cho phép quỹ cho vay xuất khẩu lao động”. Tính đến 31/7/2019, dư nợ của QTDND Cương Gián đạt 294 tỷ đồng.
Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm giờ đã trở thành mảnh đất hội tụ bách nghề với nhiều xưởng sản xuất đưa hàng hóa đi các tỉnh trong cả nước. Liên Xuân và Cương Gián đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2017. Xã Cổ Đạm cũng đang tới gần đích nông thôn mới. Và hiện Cương Gián đang từng bước hoàn thành các tiêu chí để hướng đến đô thị loại 5 vào năm 2020. |
Sự năng động, đổi mới của chính sách cũng như nhận thức người dân và sự trợ lực của QTDND liên xã Cương Gián đã tạo nên sự thay đổi mau lẹ của người dân 3 xã. Hiện có hàng trăm hộ đã mở trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ gia đình sau xuất khẩu lao động về lại chính quê hương phát triển kinh tế. Gia đình anh Hoàng Văn Đồng, thôn Song Hồng, xã Cương Gián là một trong những câu chuyện như thế. Là một trong 4 người được vay vốn tham gia đánh bắt xa bờ ở Hàn Quốc năm 1994, năm 1998, một lần nữa quỹ lại hỗ trợ cho vợ anh đi XKLĐ Hàn Quốc. Năm 2000, hai vợ chồng anh trở về quê hương lập nghiệp. Khởi động với việc sản xuất khung nhôm kính, lan can quy mô nhỏ. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ tiếp tục của QTDND Cương Gián, đến nay anh chị đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thành Đạt, với giá trị đầu tư cả xưởng gần 4 tỷ đồng, doanh thu 500 - 700 triệu/tháng, góp phần tạo việc làm cho 8 công nhân với lương bình quân 9 triệu đồng.
Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm giờ đã trở thành mảnh đất hội tụ bách nghề với nhiều xưởng sản xuất đưa hàng hóa đi các tỉnh trong cả nước. Xuân Liên và Cương Gián đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2017. Xã Cổ Đạm cũng đang tới gần đích nông thôn mới. Và hiện Cương Gián đang từng bước hoàn thành các tiêu chí để hướng đến đô thị loại 5 vào năm 2020.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 63 năm thành lập QTDND liên xã Cương Gián và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết, quy mô cũng như dư nợ cho vay của quỹ tương đương với chi nhánh NHTM cấp huyện. Ngoài việc đóng góp ngân sách khá cao (800 triệu đồng/năm), quỹ còn tạo thêm nhiều việc làm cho hàng ngàn lao động và tham gia tốt các hoạt động an sinh xã hội. Những thành tích đó đã đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong công tác xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024