11.08.2015 09:21

QTDND hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Đức Trọng (Lâm Đồng)

Cùng với Đà Lạt, Đơn Dương; Đức Trọng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khá lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đạt được kết quả này, ngoài việc có chủ trương đúng đắn và quy hoạch đồng bộ chặt chẽ của Cấp ủy, chính quyền địa phương; còn có sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân. Điều này mở ra triển vọng lớn trong việc cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp lý - khoa học - hiệu quả, phù hợp với nhu cầu xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

Căn cứ vào khí hậu, đất đai và kinh nghiệm sản xuất của người dân, UBND huyện Đức Trọng tiến hành quy hoạch những địa bàn sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (hiện được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3.300ha), đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng của huyện hỗ trợ người dân về vốn, cây giống, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Theo đó, tại các địa phương có điều kiện sản xuất công nghệ cao như: Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh, Tân Hội, Tân Thành, Phú Hội... ngoài sự chủ động của người dân, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp huyện đã cung cấp cây giống, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao, và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người dân thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo khoa học, hội thảo đầu bờ, xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, triển khai các chương trình khoa học, chương trình nông nghiệp công nghệ cao như: Xây dựng mô hình trồng khoai môn thương phẩm từ nguồn giống nuôi cấy Invitro tại xã Tân Hội, mô hình trồng cây đinh lăng 1.000m2, hoa hồng môn 3.659m2 tại các xã Phú Hội, Hiệp Thạnh; xây dựng 2 vườn ươm giống cà phê chất lượng cao tại TT Liên Nghĩa và xã Ninh Gia. Mặt khác, các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tích cực hỗ trợ vốn vay cho người dân có điều kiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức các mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Bằng cách làm đó, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có 3.022,85ha sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao, trong đó diện tích sản xuất trong nhà kính 134,03ha, diện tích sản xuất trong nhà lưới 51,72ha, diện tích tưới phun tự động ngoài trời 2.235,9ha, diện tích sản xuất phủ màng Polimer ngoài trời 601,2ha. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ngoài hình thức hộ cá thể nhỏ lẻ, tại huyện Đức Trọng đã xuất hiện các hình thức liên kết, liên doanh, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại như mô hình liên kết của trang trại Phong Thúy với gần 30 hộ dân sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình sản xuất HTX DVNN Tiến Huy, An Phú xã Hiệp An; mô hình sản xuất THT Hương Sắc Đà Lạt tại xã Hiệp Thạnh, THT bò sữa tại xã Hiệp An; sản xuất theo hình thức doanh nghiệp do các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu chế biến rau, củ, quả xuất khẩu, tiêu thụ nội địa... Bằng các hình thức sản xuất nói trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có đến 16 đơn vị và 57 hộ cá thể sản xuất rau, củ, quả an toàn và VietGAP với tổng diện tích 219,3ha. Trong đó, có 3 đơn vị được sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt là cơ sở Tiến Huy, công ty Tuấn Hùng Cường và trang trại Phong Thúy. Sản phẩm của các đơn vị này thực sự có chất lượng, uy tín, nên có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong, ngoài nước. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghệ cao: Với sự chủ động của người dân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng tại địa phương, hiện trên địa bàn huyện Đức Trọng đã có 68 cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung với quy mô trên 100 con gia súc, 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 2.000 con trở lên. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã có hàng trăm hộ dân, hàng chục cơ sở chăn nuôi bò sữa với quy mô có trên 10 con cho vắt sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có khoảng 62 trại chăn nuôi liên kết với các công ty chăn nuôi trong khâu bao tiêu sản phẩm. 

Huyện Đức Trọng có nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 100 đại lý thu mua từ 1.200 đến 2.000 tấn rau tươi/ngày để cung cấp cho thị trường miền Trung, miền Nam, Campuchia, Trung Quốc; 200 vựa thu mua rau, củ, quả và nhiều doanh nghiệp nước ngoài chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu như: Công ty TNHH Đà Lạt tự nhiên JDS-Nhật Bản, Công ty cung ứng rau sấy khô Nhật Bản, Công ty rau cấp đông Hiệp An... Tuy sự liên kết giữa “4 nhà” trong thời gian qua trên địa bàn Đức Trọng chưa được đánh giá cao, khăng khít, chặt chẽ, như yêu cầu, nhưng với sự xuất hiện của các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu mua, chế biến sản phẩm tiêu thụ trong - ngoài nước như vừa nêu, đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của địa phương; đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên một đơn vị diện tích (ha) so với sản xuất truyền thống cao gấp hàng chục, hàng trăm lần. Đây chính là sức hút mạnh mẽ đối với người dân trong việc mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đồng thời là triển vọng lớn đối với huyện Đức Trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

 Hoàng Vương Mỹ

Các tin liên quan