QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu: Gieo ước vọng trên thảo nguyên
Mộc Châu - những ngày đầu Thu sương bảng lảng làm lung linh thêm vẻ đẹp của thảo nguyên. Nơi đây, trên những đồng cỏ xanh mát, những đàn bò khỏe mạnh đang làm nên một thương hiệu sữa nổi tiếng: Mộc Châu.
Ẩn sau vẻ đẹp đó là sự trợ lực về vốn của QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La) mà đọng lại là nhiều câu chuyện được kể về sự vươn lên của nhiều thành viên quỹ từ hai bàn tay trắng trở thành những hộ có thu nhập khá. Nhiều ngành nghề mới được ra đời và phát triển như phát triển đàn bò sữa, đồi chè, trồng dâu, mận, trồng hoa, nuôi cá hồi.
Đàn bò sữa Mộc Châu ngày càng phát triển nhờ nguồn vốn của QTDND
Đây cũng là điểm tựa để Mộc Châu ghép tạo ra giống hồng “giòn” có giá trị kinh tế cao, nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa vườn đồi theo hướng phục vụ du lịch. Đồng vốn QTDND đã góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, giảm hẳn tình trạng người nông dân phải bán ngô, lúa non mỗi khi giáp hạt. Trợ lực của QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu càng nhìn rõ hơn khi mỗi năm giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn từ 1,5% – 3%.
Chủ tịch HĐQT QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu, Nguyễn Văn Doãn, tự hào: “Tính đến 30/6/2013, Quỹ có 5.598 thành viên hộ gia đình, trong đó 65 người là tổ trưởng tổ thành viên và 33 người là CBNV làm việc hàng ngày tại QTDND.
Hiện Quỹ có một trụ sở chính 4 tầng với 1.000m2 sử dụng cùng 2 phòng giao dịch phục vụ thành viên, nơi cách xa trụ sở chính là Tân Lập (cách 20km) và Vân Hồ (16km). Tổng nguồn vốn gần 507 tỷ đồng. Trong đó, vốn cố định trên 7 tỷ đồng, vốn lưu động gần 500 tỷ đồng.
So với ngày đầu mới thực hiện củng cố mô hình QTDND theo Chỉ thị 57/CT-TW mới thấy được những nỗ lực gần 13 năm qua. Ngày ấy, Quỹ chỉ có vẻn vẹn gần 2.000 thành viên với vốn điều lệ đạt 163 triệu đồng, tiền gửi từ dân cư thời kỳ đó chỉ hơn 7 tỷ đồng, doanh số cho vay cũng chỉ 6,6 tỷ đồng.
Trong khi đó QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu là đơn vị kinh tế HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tại thị trấn nông trường và 3 xã liền kề là: Tân Lập, Vân Hồ, Phiêng Luông có tổng diện tích tự nhiên trên 300km2, dân số trên 30 ngàn người, trong đó, trên 8 ngàn hộ gia đình thuộc 6 dân tộc cùng sinh sống trên cao nguyên Mộc Châu.
Chủ tịch HĐQT QTDND Thị trấn Nông trường Mộc Châu, Nguyễn Văn Doãn tâm sự “Thành quả hôm nay là kết quả của quá trình thường xuyên thực hiện đổi mới trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị, đặc biệt là phong cách giao dịch phục vụ khách hàng”. Ví như việc cải tiến và áp dụng giao dịch 1 cửa với khả năng xử lý cùng một lúc 18 khách hàng được phục vụ; sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử trong phạm vi cả nước.
Dòng vốn cũng có cơ hội chảy mạnh hơn vào những vùng sâu, vùng xa khi Quỹ mở 2 phòng giao dịch cách xa trụ sở chính 17km - 20km. Đặc biệt, các nhân viên Quỹ sẵn sàng đến tận gia đình nhận tiền gửi tiết kiệm và chuyển tiền điện tử… Rút ngắn thời gian phục vụ món vay từ 5-7 ngày xuống còn 1/2 đến 2 ngày.
Cùng với việc chuyên sâu trong hoạt động chuyên môn, sức cạnh tranh và phục vụ khách hàng và thành viên trên địa bàn thêm mạnh khi Quỹ tích cực tổ chức các phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ nhân viên, lao động trong đơn vị, để có những phát minh, sáng kiến hay, cách làm giỏi trong lao động. Từ đó đã xuất hiện những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả.
Điển hình như sáng kiến tận dụng mạng LAN phòng hành chính lắp máy scan công văn đến và các văn bản chỉ đạo của Hội đồng quản trị truyền đến 30 máy lẻ để CBCNV tự tra cứu thay cho việc in sao văn bản gửi đến các bộ phận. Nhờ đó, tiết kiệm tiền mua giấy in mỗi năm 6 triệu đồng và 1/2 nhân lực văn thư tương đương 36 triệu đồng.
Các sáng kiến khác cũng giúp đưa tiến bộ công nghệ vào từng hoạt động của đơn vị, giúp các dịch vụ hiện đại hơn và chất lượng phục vụ tốt hơn khách hàng, tiết kiệm cả chi phí và gia tăng cơ hội như việc xây dựng và áp dụng quy trình giao dịch 1 cửa đã giảm bớt thời gian ngồi đợi đến lượt giao dịch của khách hàng mỗi năm là 27.600 giờ, tương đương với 3.450 công chờ đợi.
Nếu tính mỗi công trị giá 100 ngàn đồng thì giá trị tiết kiệm thời gian của khách hàng tương đương 345 triệu đồng.
Hay sáng kiến xây dựng hệ thống “Cộng tác viên QTDND” tại mỗi thôn bản đã giúp đồng vốn của Quỹ đến với các thành viên được nhanh chóng, kịp thời hơn. Cán bộ tín dụng của Quỹ kết hợp với “cộng tác viên” quản lý chặt chẽ các món vay là cơ sở, để hơn 10 năm qua (từ 2002- 2012) đơn vị không bị mất vốn trong cho vay và nợ quá hạn với tỷ lệ rất thấp (nhỏ hơn 1% ).
Đặc biệt, Quỹ đã phát huy được vai trò tương trợ cộng đồng và hoàn thiện mô hình kinh tế tập thể với việc giúp đỡ các HTX, hộ gia đình và QTDND cùng phát triển. Cụ thể, từ năm 2002 – 30/6/2013 đã góp vốn vào quỹ hỗ trợ HTX của Liên minh HTX tỉnh Sơn La 10 triệu đồng; phục vụ vốn trên 30 tỷ đồng cho 4 HTX trong vùng hoạt động ổn định; tặng 2 QTDND mới thành lập là Hát Lót và Mộc Châu phần mềm VA02 trị giá 80 triệu đồng.
Đơn vị còn tích cực hưởng ứng các khoản đóng góp xã hội và công tác từ thiện, tham gia tặng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình nghèo, tặng giải thưởng “Tài năng trẻ” cho 10 trường học… mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Mong muốn mô hình HTX tín dụng phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Văn Doãn kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho QTDND để đơn vị có tiền tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho trụ sở, cơ sở vật chất và năng lực vốn tự có, tỉnh nên mở ra nhiều phòng công chứng và văn phòng chứng nhận giao dịch có bảo đảm, thay vì chỉ có duy nhất tại cơ quan hành chính huyện…