06.01.2015 09:38

QTDND Thanh Tân: Bắc cầu tín dụng xây nông thôn mới

Ấp ủ mô hình tín dụng xã

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân Phạm Văn Nhận nhớ lại, gần 20 năm trước khi chủ trương của Chính phủ và chính quyền địa phương cho vận dụng mô hình QTDND của Canada để thành lập hệ thống quỹ cấp xã, phường, thị trấn, tìm hiểu và say mê với một mô hình rất tiện lợi, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Nhận đã xin một suất làm điểm mô hình QTDND cùng với 13 xã trong huyện Kiến Xương.

Chương trình này từng cho các cán bộ đi học làm điểm QTDND, nhưng do nhiều việc lôi cuốn, rồi cũng không sắp xếp được nên dù đã đưa vào kế hoạch, thời gian trôi qua mà chưa thực hiện được.



Dòng tín dụng từ QTDND Thanh Tân đã phát huy sức mạnh tổng thể kể cả kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác xã và DN

Cùng thời gian này, lãnh đạo QTDND Thanh Tân đã có bước chuyển tư duy lớn trong phát triển kinh tế, khi nghề truyền thống chiếu chẻ và chiếu xe đan xuất sang thị trường Đông Âu suy thoái. Là một trong những xã nghèo nhất của huyện, “thời bấy giờ anh em chúng tôi suy nghĩ, nếu chỉ có nuôi lợn, cấy lúa, trồng màu thì không ổn, thậm chí còn chưa chắc đủ ăn”, ông Nhận nói. Vì vậy, ngay từ năm 1996, lãnh đạo xã đã liên hệ với các đầu mối sản xuất, xuất khẩu, khuyến khích họ đưa làng nghề về xã.

Chắt chiu từ nguồn kinh phí hữu hạn, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện cho dân đi học và đưa Hội Nông dân thành chủ lực khởi động phong trào này, với mục tiêu xây dựng các tổ hợp nghề. Kèm theo đó là các cơ chế khuyến khích tổ hợp nghề khác ra đời, khuyến khích dạy nghề và tạo điều kiện cho các tổ hợp nghề tiếp cận với các dự án khuyến nông, khuyến công để có thêm những nguồn lực phát triển.

Khi huyện có quy hoạch điểm công nghiệp, Thanh Tân xin thí điểm để chuyển đổi cơ cấu theo hướng tăng tiểu thủ công nghiệp dịch vụ, giảm nông nghiệp trên cơ sở không giảm giá trị tuyệt đối.

Tuy nhiên, vốn cho phát triển làng nghề vẫn là một bài toán khó. Vì vậy, năm 1999 khi chuyển từ Bí thư sang làm Chủ tịch xã, ông Nhận lên quyết tâm thành lập cho được QTDND mà mình đã dày công tâm huyết. Đúng giai đoạn này, NHNN đang tạm dừng mở rộng mô hình này. Đau đáu với việc tìm cho xã một kênh dẫn tín dụng phát triển kinh tế, ông đến gặp Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Bình lúc đó là ông Đàm Văn Vượng, xin một ngoại lệ. Thuyết phục đến khi Giám đốc Vượng thuận tình thì cũng là lúc ông Vượng chuyển qua lãnh đạo huyện Kiến Xương; đây cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện ước mơ của mình...

“Cũng may là tân Giám đốc NHNN Đinh Ngọc Thạch rất chân tình, thẳng thắn giúp đỡ. Lúc đấy tôi có hứa với anh Thạch, riêng Thanh Tân đã làm cái gì thì không phụ lòng tin của các anh”, ông Nhận nói thế vì có niềm tin rất lớn vào bộ máy của quỹ mình bố trí. Họ là những người đã giúp việc cho ông hơn chục năm trời.

Từ phong cách làm việc, khả năng nhận định của cán bộ quỹ, đặc biệt quan điểm của cấp uỷ là bà đỡ để QTDND Thanh Tân phát triển, nên con đường mà QTDND Thanh Tân đi qua đúng như những gì mà ông Nhận và ban lãnh đạo xã dự kiến và chờ đợi.

QTDND trở thành một trong 3 hợp tác xã điển hình trên địa bàn mà thành công đó theo ông Nhận đánh giá “yếu tố số một là vai trò chủ quan của anh em trong lĩnh vực này”. Nhìn vào thực tế, QTDND Thanh Tân ra đời đúng giai đoạn khó khăn của nền kinh tế năm 2007.

Giám đốc QTDND Thanh Tân Phạm Minh Châu cho biết, lúc đầu quỹ chỉ có 160 thành viên, huy động góp vốn cổ phần mãi mới được 200 triệu đồng. Nhu cầu vay của hộ dân thì lớn nhưng dư âm của các hợp tác xã tín dụng trước kia khiến họ e ngại tham gia quỹ, cũng như gửi tiền. Bởi vậy, mục tiêu của quỹ là phải hoạt động làm sao để đưa niềm tin vào dân.

Năm 2009 là khó khăn nhất. Biết những người gửi tiền nhiều họ chẳng đến, và họ gửi cũng chỉ mang tính thời điểm vài ngày nên quỹ luôn có phương án đảm bảo rủi ro thanh khoản. Khi khách hàng đến rút dù 200 triệu đồng quỹ vẫn đáp ứng, đã cho họ một lòng tin lớn dần và lôi kéo họ mang tiền ở các nơi về quỹ gửi. Cùng với việc phục vụ nhiệt tình không kể thời gian, từ năm 2010 nguồn tiền gửi vào quỹ thêm dồi dào khi có cả khách hàng các xã khác đến gửi.

Khơi dòng vốn xây dựng nông thôn mới

Không chỉ tập trung vào các sản phẩm ngân hàng truyền thống, QTDND Thanh Tân đã mở rộng hoạt động chuyển tiền với NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và từ năm 2013 mở dịch vụ chuyển tiền điện tử của Ngân hàng Hợp tác song hành. Quan điểm của lãnh đạo quỹ không phải để thu phí mà để tạo lập các mối quan hệ, thu hút được nhiều khách hàng, thành viên đến với mình.

Quỹ cũng muốn qua dịch vụ này, con em trong địa phương đi làm xa có nhu cầu gửi tiền cho bố mẹ, không phải đi xuống huyện cũng không phải đi lên tỉnh. Đúng như dự tính khi mở dịch vụ này, hoạt động của quỹ sôi động hơn. Đến nay, quỹ đã có nguồn tiền gửi không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn mà còn dư thừa tiền gửi.

“Những năm đầu nguồn vốn hạn hẹp, sự trợ lực của Ngân hàng Hợp tác trở thành một động lực quan trọng cho quỹ hoạt động”, ông Châu cho biết. Tuy nhiên, ngay từ đầu ban lãnh đạo quỹ đã xác định mục tiêu tiến tới đâu chắc tới đó, không vì nhu cầu địa phương lớn mà phát triển ồ ạt. “Không ai hiểu người dân Thanh Tân bằng chính lãnh đạo QTDND”, ông Nhận đánh giá bởi Giám đốc Châu vốn là Trưởng ban tài chính. “Ai không cho vay, ai đáng cho vay và cơ số cho vay là bao nhiêu thì cán bộ quỹ đã quá thông thổ, vì từ trong ruột của dân đi ra”, ông Nhận nói.

Sự phát triển của quỹ được tiếp thêm sức mạnh khi Thanh Tân bước vào thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Nền tảng những ngành nghề thủ công mới được lãnh đạo xã mang về từ những năm 1996 – 2000, cùng mục tiêu hướng đến điểm phát triển công nghiệp của huyện Kiến Xương đã được luồng tín dụng từ quỹ tiếp thêm sinh khí.

Dòng tín dụng từ  QTDND Thanh Tân đã phát huy sức mạnh tổng thể kể cả kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác xã và DN. Nhìn lại năm 2008, khi Thanh Tân chưa vào chương trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12,8 triệu đồng, hộ nghèo trên 13%.

Đến nay, Thanh Tân đã có một cụm công nghiệp với 7 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 47 tổ hợp nghề và hơn 100 cơ sở lao động trong lĩnh vực dịch vụ làng nghề thu hút hơn 2.500 lao động địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước khoảng 30,5 triệu đồng trong khi bình quân toàn huyện mới chỉ 24 triệu đồng... Thống kê của xã cũng cho thấy chỉ xấp xỉ 20% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tận mắt chứng kiến tổ hợp nghề của anh Phạm Văn Tuấn, thôn Nam Lâu càng thấy thấm cái quyết tâm đưa làng nghề về xã cũng như lực đẩy phát triển kinh tế hộ từ quỹ tín dụng. Từ nghề làm cói truyền thống, anh Tuấn mạnh dạn chuyển sang nghề mây tre đan năm 1997. Hiện tổ hợp của anh có thường xuyên khoảng 70 - 100 lao động sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu trực tiếp sang Nhật, cũng như theo đơn đặt hàng của các công ty lớn.


Nhìn lại hơn 7 năm hoạt động, giờ quỹ đã có 1.000 thành viên trên 1700 hộ, vốn điều lệ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của quỹ đã đạt 30 tỷ đồng, dư nợ đạt 25 tỷ đồng và không có nợ xấu. Quan trọng hơn với những người dân và lãnh đạo xã, đây trở thành một nguồn lực góp phần đưa Thanh Tân trở thành xã nông thôn mới vào năm 2013 và tạo đà cho một xã công nghiệp và dịch vụ hướng tới xã đô thị loại 5 của tỉnh Thái Bình vào năm 2020.

Minh Ngọc/TBNH

Các tin liên quan