27.12.2013 15:07

QTDND Phước Sơn: Bám sát từng hộ dân

Gặp tôi, ông Trần Quốc Châu ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn (Tuy Phước - Bình Định) khoe: Cách đây 2 năm, ông cùng với hai người bạn đến QTDBD Phước Sơn vay vốn mua máy gặt đập liên hợp. Ngay năm đầu tiên, nhờ làm ăn có hiệu quả nên ông đã trả hết lãi và nợ gốc. Sau đó, ông tiếp tục vay thêm vốn đầu tư mua 2 máy nữa, với tổng dư nợ hiện tại là 400 triệu đồng. “Không chỉ phục vụ bà con ở địa phương, chúng tôi còn đưa máy ra các tỉnh khác hoạt động. Nhờ chịu khó làm ăn nên hiện nay gia đình tôi đã khấm khá hơn”, ông nói.


                                          Giao dịch tại QTDND Phước Sơn

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Xuân Phương cũng là một trong những hộ làm giàu hiệu quả nhờ nguồn vốn của QTDND Phước Sơn. “Từ khi được Quỹ cho vay 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn nữa. Nhờ biết đầu tư và chăm sóc tốt 1.000 con gà đẻ, 30 con heo thịt, 5 heo nái sinh sản mà gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm”, ông Hiền kể.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình hoạt động của đơn vị, ông Phan Thành Trung, Giám đốc QTDND Phước Sơn vui mừng cho biết: “Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ luôn đề ra mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân, phục vụ tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhờ những việc làm hiệu quả và thiết thực này nên bà con tìm đến Quỹ ngày càng nhiều hơn. Nếu như những năm đầu mới thành lập, Quỹ chỉ có vài chục thành viên thì hiện nay, con số này tăng lên 2.994 thành viên. Tổng dư nợ tính đến ngày 30/10/2013 là 33,5 tỷ đồng, tổng vốn huy động 23,279 tỷ đồng”. 

Đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 41, QTDND Phước Sơn đã “mạnh tay” tập trung nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, Quỹ đã dùng 70% vốn huy động được và 30% vốn đi vay từ ngân hàng để cho bà con vay theo Nghị định 41. Số hợp đồng tính đến ngày 30/10/2013 là 711 hợp đồng, tương ứng với 24 tỷ đồng. Đa số bà con vay vốn đầu tư vào chăn nuôi heo, gà; phát triển nghề truyền thống; mua sắm máy móc nông nghiệp như: Máy cày, máy suốt lúa và trên 60 máy gặt đập liên hợp.
Bên cạnh công tác cho vay, việc thu nợ cũng được Quỹ hết sức quan tâm. Hàng tháng đội ngũ cán bộ tín dụng thường xuyên đến nhà kiểm tra, nhắc nhở bà con sử dụng vốn hiệu quả và trả nợ đúng hạn. Nhờ đó mà hầu hết người dân có ý thức trả nợ. Nợ quá hạn hiện chỉ có 6,1 triệu đồng, chiếm 0,02% tổng dư nợ.
“QTDND Phước Sơn có được thành quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành và chính quyền xã; cung cách phục vụ thân thiện, thủ tục cho vay đơn giản nhưng đúng pháp lý. Một lợi thế nữa là cán bộ tín dụng thường xuyên gần gũi, bám sát từng hộ dân, hiểu được hoàn cảnh của từng nhà và nhu cầu vay vốn. Trên cơ sở đó, Quỹ nhanh chóng giúp đỡ thủ tục giải ngân vốn kịp thời, chính xác từng đối tượng. Với kết quả đó, QTDND Phước Sơn đã được UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen về thực hiện củng cố và nâng cao bộ máy hoạt động của quỹ tín dụng”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, một trong những trăn trở hiện nay của Quỹ là quy mô hoạt động chỉ trên địa bàn xã Phước Sơn. Trong khi đó, nhiều hộ ở xã Phước Thuận kế bên đến giao dịch ở đây nhưng chỉ được gửi tiền chứ không được phép vay. “Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước cho mở rộng thêm địa bàn hoạt động là xã Phước Thuận, để đưa nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến với người dân nhiều hơn”, ông Trung kiến nghị.
Quang Doanh

Các tin liên quan