22.08.2011 09:55

QTDND Phạm Văn Hai (TP.HCM): Tăng trưởng ngay trong khủng hoảng

Trong bối cảnh phải chống đỡ với những hệ lụy từ "cơn bão" khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt lĩnh vực tài chính - tiền tệ ngày ngày đối mặt với tăng tỷ giá, lãi xuất... nhưng QTDND Phạm Văn Hai ( xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM ) đã có  chiến lược hợp lý và cách điều hành linh hoạt, không chỉ vượt qua khó khăn mà còn đạt mức tăng trưởng cao.
QTDND Phạm Văn Hai được thành lập năm 2007, với số vốn điều lệ ban đầu gần 1,5 tỷ đồng, do 180 thành viên tham gia góp vốn. Hoạt động trên địa bàn 4 phường, chủ yếu phục vụ cho nông dân và các hộ buôn bán nhỏ. Với số vốn khiêm tốn nhưng bằng phương châm "Phục vụ nhân dân - Không chạy theo lợi nhuận - Luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng khách hàng", ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ đã nhanh chóng thiết lập được mối quan hệ thân thiết với nhiều khách hàng, là cầu nối trung gian giúp nhân dân phát triển sản xuất. Những năm qua, Quỹ là chỗ dựa tin cậy, giúp đỡ các hộ buôn bán nhỏ có vốn để phát triển sản xuất, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, hỗ trợ đắc lực công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của QTDND Phạm Văn Hai là con người. Quỹ luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ công nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội. Đến nay, hầu hết cán bộ công nhân viên của Quỹ đều đạt trình độ chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, QTDND Phạm Văn Hai còn có một người lãnh đạo luôn hết lòng vị sự nghiệp chung, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Phú Quý. Với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo và quyết đoán trong trong kinh doanh, ông đã đưa ra chiến lược hợp lý để phát triển Quỹ, từ xây dựng khối đoàn kết nội bộ, đẩy mạnh đầu tư vào trang thiết bị, sắp xếp bộ máy tinh - gọn, đến chăm sóc khách hàng bằng tình cảm chân thành nên đã tạo được niềm tin và sự gắn bó lâu dài của khách hàng với Quỹ.
Ngay từ những ngày đầu, Quỹ đã xác định đối tượng phục vụ của mình là người có nhu cầu vay vốn nhỏ (dưới 30 triệu đồng). Đây chính là  những đối tượng thường bị các ngân hàng thương mại từ chối cho vay. Hình thức cho vay của Quỹ rất linh hoạt, cho vay nhiều thành phần, đa số theo hình thức thỏa thuận. Nhiều hộ dân trước đây không có vốn làm ăn, kinh tế gia đình luôn khó khăn nhưng nhờ vào nguồn vốn của Quỹ đã vươn lên không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
Chị Nguyễn Thị Liền - làm nghề buôn bán tạp hóa tại địa phương cho biết: "Tôi làm nghề buôn bán đã lâu nhưng không có vốn nên chỉ làm ăn nhỏ lẻ, gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Đến khi được cán bộ QTDND Phạm Văn Hai tư vấn, tôi đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn và được Quỹ tiếp nhận cho vay. Có được đồng vốn trong tay, tôi đã đầu tư mở tiệm tạp hóa, đồng thời nhận phân phối thêm nhiều sản phẩm cho các công ty lớn. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, con cái được học hành đàng hoàng. Tôi luôn biết ơn và sẽ luôn gắn bó với Quỹ". 
Tạo được niềm tin trong dân, Quỹ cũng tự tạo cho mình một kênh hiệu quả để có thể chủ động trong việc huy động tiền gửi cũng như tăng dư nợ cho vay và giảm tỉ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất (dưới 1%). Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ đã huy động số tiền gửi trên 10 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 9,5 tỷ đồng. "Quỹ luôn đảm bảo an toàn đồng vốn cho khách hàng, không để xảy ra rủy ro nên họ rất yên tâm trao trọn niềm tin vào Quỹ" - ông Quý chia sẻ.
Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các ngân hàng thương mại dùng nhiều "chiêu" để huy động vốn, tạo nên sức ép đối với mặt bằng lãi suất và liên tục có những cuộc chay đua nâng cao lãi suất huy động, khiến Quỹ gặp nhiều khó khăn. Để đối phó với vấn đề này, QTDND Phạm Văn Hai đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất theo ngân hàng, đồng thời không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ, giúp thành viên phát huy hiệu quả đồng vốn, đẩy mạnh công tác huy động tiền gửi trong dân và công tác cho vay. Chính những điều chỉnh hợp lý và kịp thời này đã giúp Quỹ vượt qua sóng gió và đứng vững như hiện nay.
Theo Báo Kinh tế Hợp tác

Các tin liên quan