13.04.2011 13:43

QTDND Ngư Lộc - “ngân hàng” của nông dân

Trong điều kiện lãi suất tín dụng luôn biến động, nhưng nhiều người có nguồn tiền nhàn rỗi vẫn yên tâm mang đến gửi tiết kiệm; người có nhu cầu vay vốn đầu tư để phát triển sản xuất - kinh doanh dịch vụ thì được tạo điều kiện để vay có bảo đảm bằng tài sản, giấy tờ có giá trị một cách thuận lợi nhất. Đến cuối tháng 3-2011, tổng nguồn vốn của quỹ trên 45 tỷ đồng, trong đó, vốn cổ phần gần 2,1 tỷ đồng, vốn huy động gần 28,4 tỷ đồng, vốn vay từ QTDND Trung ương 14 tỷ đồng; dư nợ cho vay thành viên gần 43 tỷ đồng; lãi do hoạt động kinh doanh hàng năm đạt trên 400 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất nước mắm Phương Nhung (thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) được vay vốn từ QTDND Ngư Lộc, đầu tư phát triển sản xuất.


Về tổ chức, QTDND Ngư Lộc có 16 cán bộ, nhân viên, hầu hết đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, có kinh nghiệm hoạt động tín dụng trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, trong việc thực hiện các nghiệp vụ tín dụng, cán bộ, nhân viên của quỹ luôn sát dân, sát cơ sở để khai thác tiềm năng nguồn vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn và tình hình sử dụng vốn vay trong nhân dân để vừa bảo đảm cho vay an toàn, hợp lý, vừa giúp người vay đầu tư vốn một cách có hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, bằng nghiệp vụ cho vay nhanh gọn, thuận tiện, quỹ đã giúp cho người vay không tuột mất cơ hội làm ăn sinh lời. Vì thế, hoạt động của QTDND Ngư Lộc đã góp phần vào việc khai thác các tiềm năng ở địa phương, mở thêm nhiều ngành nghề mới, tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho người lao động.  Đối tượng cho vay chính của quỹ là các hộ dân làm nghề khai thác hải sản, hậu cần nghề cá, chiếm gần 40% tổng dư nợ; kinh doanh và dịch vụ chiếm 26,67%, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng nông sản, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác; còn lại là cho vay sinh hoạt đời sống. Có nhiều gia đình nhờ vay vốn của quỹ đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình là cơ sở sản xuất nước mắm Phương Nhung, ở thôn Thắng Phúc, hiện đang vay 150 triệu đồng của quỹ để đầu tư thu mua và chế biến hải sản, đem lại  thu nhập hàng tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 14 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng; bà Hoàng Thị Liên, thôn Thắng Phúc, đầu tư chế biến hải sản, thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động... Bà Liên  phấn khởi cho biết thêm: “Thủ tục vay vốn của quỹ nhanh gọn, sáng vay chiều lấy được tiền. Ngay cả khi trả lãi và gốc cũng thuận tiện, nếu người dân không lên được thì cán bộ của quỹ đến tận nhà thu”.
Anh Bùi Duy Hưng, Giám đốc QTDND xã Ngư Lộc, cho biết: Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, do thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư hàng hóa tăng cao dẫn đến vốn vay đầu tư cho ngành khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá hiệu quả không cao, làm ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của các thành viên. Mặt khác, lạm phát tăng cao, do đó hoạt động tiền tệ nói chung, hệ thống QTDND nói riêng, trong đó có QTDND xã Ngư Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Sự biến động tài chính, tiền tệ, các cơ chế, chính sách của Nhà nước thường xuyên thay đổi, lãi suất lên xuống thất thường, thị trường tiền tệ tín dụng đã đi vào hoạt động mang tính thương trường... gây không ít khó khăn đối với tình hình hoạt động của quỹ. Nhưng, với phương châm phát triển vững chắc an toàn và hiệu quả với sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên của quỹ cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện kịp thời của lãnh đạo QTDND Trung ương chi nhánh tại  Thanh Hóa, UBND huyện Hậu Lộc, xã Ngư Lộc, sự thống nhất cao của tập thể cán bộ, nhân viên của quỹ và sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên đã giúp quỹ vượt qua thời điểm khó khăn, vươn lên hoạt động hiệu quả như hiện nay.
Sự phát triển bền vững, ổn định trong những năm qua QTDND Ngư Lộc đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân địa phương.

Theo Thanh Hóa Online

Các tin liên quan